Sở Y tế Hà Nội cho biết, kể từ năm 2020 đến nay, thành phố có 43.400 lượt bệnh nhân Covid-19 được điều trị, trong đó 23.137 người đã khỏi bệnh.
Hiện, Hà Nội có 20.154 F0 đang được điều trị, trong đó 2.460 ca tại bệnh viện; 2.429 ca tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố; 5.005 ca tại cơ sở thu dung của quận, huyện và 10.260 người đang cách ly điều trị tại nhà (tăng 226 người so với ngày 25/12). Số bệnh nhân chuyển tầng điều trị là 229, tăng 24 bệnh nhân so với ngày 25/12.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội hiện có 1.477 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình; 332 ca ở mức nặng, nguy kịch. Trong số các bệnh nhân nặng, nguy kịch có 290 trường hợp phải thở oxy mask, gọng kính; 12 trường hợp thở oxy dòng cao HFNC; 7 trường hợp thở máy không xâm lấn; 23 trường hợp thở máy xâm lấn.
Số bệnh nhân tử vong từ khi dịch bùng phát là 109 trường hợp (trong ngày 25/12 có 2 bệnh nhân tử vong), hầu hết đều có bệnh lý nền và chưa tiêm vaccine.
Sở Y tế Hà Nội ngày 26/12 chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19.
Trước hết, với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm Covid-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.
Người bệnh đến khám chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vaccine Covid-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện). Các cơ sở khám chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng Covid-19.
Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo giảm tử vong do Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh
Mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ. Việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch yêu cầu tất cả các bệnh viện không được từ chối, đảm bảo người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất. Sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.
Các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.
Trước đó, ngày 16/12, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện trực thuộc trường Đại học, y tế bộ ngành, yêu cầu triển khai các biện pháp giảm nguy cơ tử vong người bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện Việt Nam chưa ghi nhận biến chủng Omicron, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta rất lớn và cùng với các biến chủng đang lưu hành sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc Covid-19 ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Do đó, việc quản lý, bảo vệ và phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị sớm hạn chế tử vong là yêu cầu cấp thiết.
Clip: Bộ Y tế hướng dẫn trường hợp nào cần nhập viện khi nhiễm Covid-19?