Lo ngại trẻ tiêm vaccine Covid-19 có thể bị biến đổi gen, ung thư hoặc vô sinh, chuyên gia nói gì?

Chuyên gia khuyến cáo trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine Covid-19, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ chạy nhảy, hoạt động quá mức, bởi đã có trường hợp trẻ viêm cơ tim sau tiêm vaccine.

Tại buổi tập huấn tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi chiều 29/10, PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, 2 loại vaccine Pfizer và Moderna đã được Bộ Y tế phê duyệt tiêm cho trẻ em.

Trước mắt, vaccine Pfizer được triển khai tiêm trước vì chưa có nguồn cung vaccine Moderna. Trẻ dưới 12 tuổi chưa được chỉ định tiêm vaccine trong đợt này.

Vaccine Pfizer được tiêm với liều lượng 0,3ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày).

Theo bà Hồng, phản ứng phổ biến sau tiêm vaccine Pfizer của trẻ em tương tự người lớn, gồm: đau đầu, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm; trẻ có thể buồn nôn, mẩn đỏ chỗ tiêm.

Trước những lo ngại của phụ huynh về việc vaccine có thể gây biến đổi gen, ung thư hoặc vô sinh ở trẻ, bà Hồng cho biết 2 vaccine Pfizer và Moderna tiêm cho trẻ em đều sử dụng thành phần mRna của virus không tương tác với ADN của người, nên không có nguy cơ.

"Hiện, việc cung ứng vaccine đã bớt căng thẳng hơn giai đoạn đầu. Vào quý IV/2021, Bộ Y tế mong muốn trẻ từ 12-17 tuổi sẽ được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine còn phụ thuộc vào nguồn cung", bà Hồng nói.

Lo ngại trẻ tiêm vaccine Covid-19 có thể bị biến đổi gen, ung thư hoặc vô sinh, chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tất cả các loại vaccine, kể cả vaccine Covid-19 không thể bảo vệ được 100%. Hiệu quả mà vaccine Covid-19 mang lại là giảm tiến triển bệnh nặng và nguy cơ tử vong. Trẻ em cũng không ngoại lệ. Nếu đạt được miễn dịch cộng đồng thì trẻ em sẽ được bảo vệ. Nếu cần thiết có thể tiêm mũi nhắc lại để giúp trẻ tiếp tục đi học.

Bà Hồng khuyến cáo, các bậc phụ huynh có thể yên tâm đưa con đi tiêm vaccine để chủ động phòng dịch. Đặc biệt, bà lưu ý trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine, cha mẹ không nên cho trẻ chạy nhảy, hoạt động quá mức, bởi đã có trường hợp trẻ viêm cơ tim sau tiêm vaccine.

"Việc trẻ hoạt động mạnh sau tiêm vaccine có thể gây áp lực lên tim, dẫn đến biểu hiện viêm cơ tim trầm trọng. Thống kê cho thấy, viêm cơ tim xảy ra nhiều hơn ở mũi tiêm thứ 2, xảy ra ở bé trai nhiều hơn bé gái. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu ban đầu nên cần tiếp tục theo dõi", bà Hồng cho hay.

TS. BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc tiêm vaccine Covid-19 chống chỉ định đối với trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine lần trước, hoặc các thành phần của vaccine; hoặc trẻ nằm trong trường hợp chống chỉ định theo hợp đồng của nhà sản xuất với từng loại vaccine. Trẻ sẽ phải trì hoãn tiêm vaccine khi đang mắc bệnh cấp tính, có các yếu tố khác nếu phát hiện được (ví dụ: có thai dưới 13 tuần).

Đối tượng cần thận trọng khi tiêm vaccine là trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào hoặc bị rối loạn tri giác, rối loạn hành vi.

Đặc biệt, theo ông Ngãi, trẻ mắc bệnh bẩm sinh, mãn tính vẫn được tiêm vaccine Covid-19 nhưng phải tiêm ở bệnh viện. Các bác sĩ sẽ đánh giá nếu không có tình trạng cấp cứu, phải can thiệp, thì vẫn tiêm được.

Lo ngại trẻ tiêm vaccine Covid-19 có thể bị biến đổi gen, ung thư hoặc vô sinh, chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay

PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo tiêm cho trẻ trên 12 tuổi, đặc biệt lưu ý tới nhóm trẻ mắc bệnh nền, bệnh lý bẩm sinh. Nếu trẻ có bệnh bẩm sinh thì gia đình cần thông tin với bác sĩ.

"Theo tôi, nhóm trẻ cần bảo vệ nhất hiện nay là nhóm trẻ mắc bệnh mãn tính, bệnh máu, bệnh thận,… nên cần tiêm vaccine để giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Thực tế, trong quá trình điều trị, những bệnh nhi này đều có dấu hiệu suy giảm miễn dịch. Nếu mắc Covid-19 thì nguy cơ tử vong cao", ông Điền nói.

Từ đầu tháng 11/2021, Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi sẽ chính thức triển khai trên toàn quốc, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Việc tiêm chủng cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc Covid-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao. Song song, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 1; bao phủ vaccine cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên.

Với trẻ trong độ tuổi 12 - 17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh Phổ thông trung học, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh Trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7.

Với những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế cho biết rất cần sự phối hợp của các thầy cô giáo, cha mẹ. Cha mẹ, người giám hộ cần ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng.

Clip: Những học sinh đầu tiên ở TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19