Thuyết trình là một trong những hoạt động mà ai cũng đều quen thuộc thời còn đi học. Đến sau này, khi đi làm, việc thuyết trình còn quan trọng hơn nữa. Nghe "thuyết trình", tưởng là chỉ cần soạn đầy đủ tư liệu, thiết kế slide đẹp đẽ, nói thật trôi chảy và đúng bài thế là hết. Nhưng không, công việc này còn bao gồm cả lắng nghe ý kiến nhận xét của người khác, nhận câu hỏi, thắc mắc rồi sau đó trả lời, cố gắng bảo vệ quan điểm cho bài làm của mình giữa "búa rìu"dư luận,...
Nghe những điều trên mới thấy áp lực của việc thuyết trình như thế nào. Bởi thế, mới đây, một anh chàng học sinh cũng có buổi trình bày phần bài tập nhóm của mình thông qua phần mềm trình chiếu. Như đoán được sau phần nói của mình sẽ có rất nhiều cánh tay giơ lên đòi tranh luận, thế nên anh chàng nhanh chóng chặn họng bằng một slide có nội dung: "If you have any questions, please keep it for yourself. I'm not Google" (Tạm dịch: Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy giữ nó cho riêng mình. Tôi không phải là Google).
Ảnh: Internet
Quả thực, ở phần tranh luận, nhiều học sinh lém lỉnh dùng khoảng thời gian này để "chặt chém" bạn học hơn là để xây dựng nội dung cho bài tập. May mắn thì nhóm nhận về ít câu hỏi hoặc chỉ là những lời nhận xét qua loa, còn ngược lại thì là một cơn mưa những màn phát hiện lỗ hổng trong bài, từ phần kiến thức hay đến lỗi chính tả đều nằm trong tầm ngắm. Và không phải ai cũng đủ bình tĩnh, tỉnh táo để giải quyết hết đống "chất vấn" từ trên trời rơi xuống này.
Tất nhiên, với những đóng góp mang tính xây dựng thì đều được đón nhận nhưng học trò nào cũng mong được cả lớp "nương tay" sau mỗi phần thuyết trình của mình. Vậy, trong các buổi thuyết trình thì nên phản biện, tranh luận thế nào cho sang và văn minh?
Trước tiên, đừng tranh luận vô cớ, đưa ra những lý lẽ cụt ngủn hay không có tính logic và nhất là không liên quan tới các nội dung nằm trong bài nói của người thuyết trình. Cũng đừng dùng những giây phút này để "đánh trả" bạn bè vì những xích mích trước đó hay chỉ vì muốn "troll", vì như thế rõ ràng thể hiện bạn không phải là một người chuyên nghiệp. Ngoài ra, hãy luôn giữ sự tôn trọng thầy cô, bạn bè và người nói bằng thái độ điềm tĩnh, khách quan,...