Nam sinh từng muốn nhảy lầu tự tử từ tầng 2 khi nhận bảng điểm trung bình, nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi gặp cha mẹ...

Áp lực học hành từ bố mẹ là một trong những nguyên nhân chính chúng ta nhắc đến mỗi khi có chuyện xảy ra ở ngành giáo dục. Nhưng nếu học trò cố gắng mở lòng hơn, suy nghĩ khác, sẽ giảm được rất nhiều vụ việc đau lòng.

Mình từng trải qua áp lực học hành, giận cha mẹ nhưng sự thật: Sợ nhất cảnh "người đầu bạc tiễn người đầu xanh"

Ai cũng từng có thời đi học và phải trải qua các kì thi. Nếu đã từng học hành nghiêm túc và khao khát có được điểm số tốt, bạn nhất định sẽ phải trải qua cảm giác căng thẳng của các kỳ thi, áp lực cạnh tranh đồng trang lứa.

Và khi những đứa trẻ nhận thêm niềm tin của cha mẹ đặt trên vai, áp lực đó lại càng tăng lên gấp nhiều lần. Ai cũng hiểu cha mẹ đối xử tốt với mình, nhưng áp lực vẫn là áp lực... Một chuyên gia tâm lý đã từng nói: "Con cái có cái nhìn xét nét hơn dành cho cha mẹ". Tức là các em sẽ bị ám ảnh nhiều hơn bởi những lời nói, kì vọng, áp lực của bố mẹ dành cho mình, hơn là những người khác.

Cô bạn Minh Trang (hiện là sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền) từng có một quãng thời gian đi học lớp 12 không hề hạnh phúc. Những ngày tháng học cuối cấp, suốt mấy tháng liền Trang đều học đến 3h sáng vì không nhận được sự ủng hộ của cha mẹ.

Trang tâm sự: "Mình có nguyện vọng học không giống với gia đình. Bố mẹ muốn mình làm giáo viên - công an, cho rằng nghề Báo chí sẽ lông bông lắm. Mình vẫn nhớ cái ngày viết đơn xét tuyển nguyện vọng, đến ngày cuối cùng rồi mà mẹ vẫn chỉ thẳng tay vào mặt: Nếu còn tiếp tục đi theo nghề đó sẽ không nhận mình làm con nữa, muốn đuổi ra khỏi nhà".

Bố mẹ cho Trang được đặt duy nhất 1 nguyện vọng vào ngành mình thích. Cái áp lực đó khiến Trang phải nhiều ngày đêm thức đến 2-3h. "Học đến 3h sáng cũng mệt mỏi lắm, nhưng thực sự mình không thể nào chia sẻ được với cha mẹ. Nếu không học thì sẽ phải đi theo hướng gia đình mong muốn. Sau này khi đã lên đại học rồi, những ám ảnh từ thời đó vẫn khiến mình và bố mẹ không còn nói chuyện lại vui vẻ được như trước".

Nam sinh từng muốn nhảy lầu tự tử từ tầng 2 khi nhận bảng điểm trung bình, nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi gặp cha mẹ... - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Chị Ngọc Tuyền (Hà Nội) cũng đang là phụ huynh của em học sinh lớp 6. Chị cũng từng có quãng thời gian học trường chuyên nổi tiếng ở Hà Nội, chịu cảnh áp lực đồng trang lứa khi xung quanh ai cũng "siêu nhân".

Chị nhớ lại: "Ngày còn học cấp 3, tôi cũng từng bất mãn với tất cả mọi thứ. Với gia đình, bố mẹ và với trường lớp. Thực sự rất nhiều lần cũng muốn được giải thoát. Tôi chẳng còn vấn vương điều gì nữa. Bạn nào học cấp 3 trường chuyên sẽ hiểu áp lực này. Khi vừa học được một năm thì thấy cảnh nửa lớp đi du học. Xung quanh toàn người học giỏi, bản thân cũng sẽ nặng lòng theo.

Cộng thêm việc khó nói chuyện với gia đình nữa. Đó là cảm giác không đủ can đảm để chết chứ không còn thiết sống một chút nào. Cũng may tôi đã vượt qua được khoảng thời gian đó. Nên bây giờ tôi thực sự đồng cảm với những ai đang gặp áp lực tâm lý thời đi học".

Chị cũng cho biết khi bản thân lớn rồi sẽ tự biết suy nghĩ hơn cho bố mẹ: "Khi lớn lên học đại học, không chịu quản thúc của cha mẹ nữa thì tôi biết suy nghĩ nhiều hơn. Bây giờ lớn hơn, thấy cha mẹ áp lực cũng có lý do riêng. Đặc biệt là cảnh người đầu bạc tiễn người đầu xanh khổ vô cùng.

Bây giờ cũng làm bố mẹ rồi, chỉ mong con cái khoẻ mạnh không bệnh tật gì. Còn đâu không muốn áp đặt lên người con cái nữa. Và luôn ủng hộ sở thích của con và mong muốn sau này dù có chuyện gì đi nữa, hai mẹ con có thể ngồi xuống nói chuyện với nhau để không có khoảng cách".

Nam sinh từng muốn nhảy lầu tự tử từ tầng 2 khi nhận bảng điểm trung bình, nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi gặp cha mẹ... - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Mình đã từng định nhảy từ lầu 2 tự tử, nhưng tất cả đều giải quyết khi nói chuyện với cha mẹ

Trọng Khanh là sinh viên năm nhất ĐH Duy Tân (Đà Nẵng). Sau khi thi đỗ vào trường cấp 3 có tiếng ở tỉnh, cậu bạn bị mất kiểm soát và bỏ bê học hành. Ngay trong kì học đầu tiên, Khanh chỉ nhận kết quả học sinh trung bình.

"Mặc dù hiểu rằng bản thân vẫn có thể cố gắng hơn ở học kỳ cuối, nhưng có thời điểm mình định nhảy từ lầu 2 tự tử vì áp lực việc học và mâu thuẫn gia đình. Khi bị điểm kém mình cũng sốc lắm chứ. Mẹ từng nói dù có thấp điểm cỡ nào cũng phải khai nhưng mỗi lần định nói, nghĩ đến viễn cảnh bị mẹ la, hay những câu nói nặng nề. Dẫu biết là sự bộc phát của phụ huynh khi nóng giận nhưng vẫn khó mở lời lắm".

Mọi việc vẫn kéo dài như vậy cho đến năm lớp 12, Khanh nhận ra bản thân phải thay đổi để thi đỗ đại học. "Mình đánh liều tự thú với mẹ về mọi chuyện: Điểm thấp, nhác học, trốn học thêm... Thật không ngờ rằng thay vì la mắng, mẹ lại nhẹ nhàng và quan tâm vô cùng.

Mình cảm thấy biết ơn khi mẹ trò chuyện nhiều hơn qua những bữa ăn, nhắn 7749 tin ở Zalo để nói rõ hơn tình trạng hiện tại. Sau đó, bố mẹ và mình đã hợp tác với nhau, cùng cố gắng, cho mình học kèm môn Toán - môn chủ đạo và để mình tự ôn luyện các môn thi khác.

Bây giờ khi đã đủ trường thành, suy nghĩ lại những lúc bản thân trách ba mẹ vô tâm mới hiểu khi đó gia đình thực sự muốn tốt cho mình. Chỉ khác là sự quan tâm không đúng cách. Hiện tại thì mình đã rất ổn rồi, học xa nhà 100km và được ba mẹ hỗ trợ rất nhiều: Hỏi han, quan tâm mỗi ngày, thậm chí gửi tiền tiêu vặt mỗi tuần".

Nam sinh từng muốn nhảy lầu tự tử từ tầng 2 khi nhận bảng điểm trung bình, nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi gặp cha mẹ... - Ảnh 3.

Nam sinh Trọng Khanh học năm nhất ĐH Duy Tân

Suy cho cùng, áp lực học hành từ bố mẹ là một trong những nguyên nhân chính chúng ta nhắc đến mỗi khi có chuyện xảy ra ở ngành giáo dục. Nhưng thực sự những áp lực đó có kinh khủng như chúng ta nghĩ, nếu không có bố mẹ đốc thúc học hành, liệu có bao nhiêu đứa trẻ tự giác ngồi vào bàn học để học bài. Những người thành công, hoặc khi đã trở thành những người cha người mẹ, sau này mỗi khi nhớ lại quãng thời gian khó khăn vẫn thường nói: Nếu ngày ấy thầy cô không nghiêm khắc, bố mẹ không kèm cặp... thì chắc chắn không có tôi ngày hôm nay!

Về phía bố mẹ, suy cho cùng, không nên đặt áp lực quá nặng nề lên con cái. Nếu họ biết cách biến những áp lực học hành thành động lực cho con cái, biến những lời răn đe thành lời động viên thì sẽ không bao giờ có những câu chuyện đau lòng về những đứa trẻ bị stress, thậm chí tự tử vì không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình.

https://ahadep.com/hoc-sinh-tung-muon-nhay-tu-tu-tu-tang-2-khi-nhan-bang-diem-trung-binh-nhung-moi-chuyen-da-thay-doi-khi-gap-cha-me-20220402001003069.chn