Khi nói đến quản lý tài chính, ai cũng muốn hướng đến sự hoàn hảo. Do mọi sự sai lầm sẽ phải trả giá bằng tiền bạc. Song bởi vì chúng ta là con người, hiển nhiên sẽ mắc phải một số rắc rối tài chính.
Có thể bạn luôn phải huy động hết sức lực của mình để lập ngân sách, hy vọng có 1 tháng chi tiêu trong kiểm soát. Song, đến cuối tháng, bạn vẫn bội chi. Hoặc bạn thử thách bản thân tiết kiệm 1 triệu/ tháng, nhưng khi nhìn lại thì nhận ra mình không bỏ được đồng nào vào tài khoản tiết kiệm.
Trong những trường hợp này, tâm lý của chúng ta chính là một trong những lý do cho các lần chi tiêu quá mức. Việc hiểu quá trình suy nghĩ của bản thân có thể giúp bạn tránh bội chi vào tháng tiếp theo.
Thói quen số 1: Dựa vào ý chí để hạn chế chi tiêu
Có nhiều người tin rằng chỉ cần dựa vào động lực và tâm trí của bạn thân để kiểm soát chi tiêu. Chẳng hạn, tự nhắc nhở với bản thân hôm nay mình sẽ tiết kiệm. Và chỉ cần như vậy là bạn chắc chắn thực hiện được điều đó. Song, nếu chỉ dựa vào sức mạnh ý chí tuyệt đối để ngăn bản thân mua hàng, nó sẽ hao mòn theo thời gian và không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Một trong những cách hiệu quả để hạn chế chi tiêu là lập ngân sách. Nó có thể giúp bạn biết tiền của mình đi đâu. Tuy nhiên, mọi người có xu hướng rơi vào vòng xoáy bù đắp quá mức khi họ đang cố gắng kiềm chế chi tiêu của mình.
Họ sẽ bám vào ngân sách và chi tiêu ít hơn trong một tuần. Nhưng tuần sau họ sẽ thực sự bù đắp hoặc tự thưởng cho mình vì những điều đã đạt được và cuối cùng là mua sắm vượt quá ngân sách. Hơn thế nữa, một khi nhận ra mình đã bội chi, họ sẽ giảm chi tiêu một lần nữa - và chu kỳ này tiếp diễn không có điểm dừng.
Điều đó không có nghĩa là bạn không nên xem xét lại ngân sách. Song, hành động như vậy không hiệu quả cũng như bền vững. Hơn nữa, nó có thể khiến bạn cảm thấy như thể bản thân không có tiến bộ trong chuyện tài chính. Nó sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy chán nản nhanh chóng.
Thói quen số 2: Tập trung nhiều hơn vào sự hài lòng trước mắt thay vì lợi ích lâu dài
Chúng ta thường có xu hướng cố gắng để đạt được những thứ bản thân muốn ngay bây giờ. Nhưng đôi khi, sự hài lòng tức thời đó có nghĩa là ta ít chú trọng hơn vào lợi ích trong tương lai. Chẳng hạn, bạn sẽ cảm thấy hài lòng ngay tức khắc nếu được mua đôi giày nào đó, song bạn trì hoãn nó. Trong khoảnh khắc đó, bạn sẽ cảm thấy không vui. Tất nhiên ở góc độ hành vi, không ai có động lực để làm vậy.
Đây là một trong những lý do chính khiến bạn khó bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu sớm hơn. Bởi vì việc nghỉ hưu sẽ xảy ra nhưng còn rất lâu nữa. Tuy nhiên, có một số sản phẩm, dịch vụ và cơ hội gần với hiện tại hơn. Bạn có thể dễ dàng đạt được những mục tiêu tài chính đó, chẳng hạn mua một chiếc túi hiệu, hơn là chuẩn bị cho tương lai.
Thói quen số 3: Đi theo đám đông
Theo dõi đám đông có thể ảnh hưởng đến số tiền chúng ta chi tiêu khi quá dễ dàng để biết những gì người khác mua. Về mặt tài chính, ta được thúc đẩy bởi những gì mình thấy người khác làm, bao gồm cả thói quen chi tiêu của họ.
Chẳng hạn, bạn sẽ biết bạn bè của mình mua quần áo ở đâu và loại xe họ lái. Song, bạn sẽ khó có thể biết được họ tiết kiệm được bao nhiêu tiền để nghỉ hưu hoặc liệu họ có tài khoản khẩn cấp hay không. Những thói quen này là vô hình.
Trên thực tế, nghiên cứu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia cho thấy nếu hàng xóm của bạn trúng xổ số, bạn có nhiều khả năng sẽ phá sản. Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng đây là sự thật.
Bởi vì, khi có nhiều tiền hơn, hàng xóm của bạn có thể sẽ mua một chiếc xe đẹp hơn, nâng cấp nhà và những thứ xa xỉ có thể nhìn thấy khác. Vì vậy bạn sẽ vô thức nhận thấy những dấu hiệu đó và mua những món đồ đẹp hơn - ngay cả khi bạn không phải là người mang về nhà một giải độc đắc.
Làm thế nào để phá vỡ những thói quen này?
Các chiến lược để kiểm soát chi tiêu của bạn sẽ hiệu quả hơn khi chúng phù hợp với tâm lý hơn là chống lại nó.
Tạo ra các quy tắc chi tiêu cho bản thân tốt hơn là xây dựng một kế hoạch hạn chế số tiền bạn có thể chi tiêu. Ngân sách là một quy tắc số khó tuân theo vì nó bao gồm nhiều khoản chi phí khác nhau. Nhưng các quy tắc dựa trên hành động có xu hướng dễ dàng duy trì lâu dài hơn.
Chẳng hạn, bạn sẽ chỉ mua Starbucks vào ngày đi làm cuối cùng trong tuần. Một ví dụ khác về quy tắc dựa trên hành động là chỉ thanh toán bằng tiền mặt khi bạn đi ăn với bạn bè - theo cách này, bạn không thể chi tiêu quá mức vì bạn thực sự không có tiền.
Một quy tắc khác có thể giúp bạn cân bằng giữa chi tiêu và tiết kiệm là gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm mỗi khi bạn mua những món đồ không cần thiết. Vì vậy, chẳng hạn mỗi khi bạn mua thứ gì đó từ cửa hàng bán nến yêu thích của mình hoặc mua một trò chơi điện tử mới, bạn cũng sẽ ngay lập tức thêm 200k - hoặc một số tiền cố định khác - vào tài khoản tiết kiệm của mình.
Tất nhiên, không có giới hạn nào đối với các loại quy tắc dựa trên hành động mà bạn có thể đưa ra cho chính mình khi nói đến cách bạn tiêu tiền. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào trải nghiệm của riêng bạn.
Ảnh: Tổng hợp