Thanh Thảo (25 tuổi, Hải Phòng), hiện đang làm việc tại một ngân hàng Hà Nội chia sẻ: "Thẻ tín dụng bây giờ đang hot, người ta chuộng nó nhiều vì được tiêu trước trả sau, chỗ mình thì dân văn phòng sử dụng đa số, nhưng mà dễ gây ra nợ xấu cho ngân hàng lắm, vì mọi người rất hay chi tiêu mất kiểm soát."
Câu chuyện về thẻ tín dụng có lẽ không còn quá xa lạ với giới tài chính, nhưng đối với những người chưa sử dụng bao giờ, đây có thể là điều may mắn với họ. Thẻ tín dụng là khi bạn không có tiền trong thẻ, ngân hàng cho bạn vay 1 khoản theo đúng hạn mức đăng ký, sau thời gian nhất định phải trả lại, nếu không sẽ cần trả thêm lãi cho khoản dư nợ chưa được thanh toán. Đây cũng chính là lý do rất nhiều người trở thành nô lệ tín dụng, đi làm chỉ đợi đến ngày có lương để trả nợ.
Từ từ trở thành "nô lệ" của thẻ tín dụng
Khách hàng của Thanh Thảo cũng có rất nhiều trường hợp vướng vào nợ xấu vì không thể thanh toán các khoản nợ tín dụng đúng hạn. Trong đó có chuyện của T.H.
T.H (1998, Hà Nội) kiếm được khoảng 12 triệu/ tháng nhờ vào công việc quản lý 1 shop thời trang, nhưng cô nàng vẫn đăng ký sở hữu thẻ tín dụng vì có người quen giới thiệu: "Khi mới làm thẻ tín dụng, mình cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng vì cảm giác như hàng tháng ngân hàng đều gửi tiền đều đặn vào thẻ của mình vậy. Nhớ khi đó, mình đăng kí hạn mức tiêu dùng của thẻ là khoảng 15 triệu đồng. Mình bớt đi những lo lắng về các khoản tiền cần thanh toán trước khi lương chưa kịp về."
Đó chính là "cảm giác ảo" khiến nhiều người không có tiền lâm vào cảnh nợ nần, bởi lẽ khi sử dụng thẻ tín dụng, họ chỉ biết thỏa mãn tại thời điểm đó mà không hiểu được mục đích thực sự, chỉ sử dụng nó như 1 khoản vay tiêu dùng bình thường.
"Thời gian đầu sử dụng thẻ, mình luôn có hạn mức chi tiêu cố định phù hợp với khả năng trả nợ. Nhưng lâu dần, mình có cảm giác như mình không thiếu tiền, nó khiến cho mình bắt đầu tiêu vượt kiểm soát. Hơn nữa, các chiến dịch hoàn tiền khi mua sắm, tích điểm đổi quà của ngân hàng làm mình thấy đang mua được món hời, nhanh chóng có được món mình thích mà không cần đợi lương mới mua được."
Với mức lương ổn định, chi trả được các khoản nợ tín dụng cho ngân hàng đều đặn những tháng đầu, H nhận được thêm những ưu đãi hoàn tiền hơn nữa, cô nàng dần lún sâu và phụ thuộc quá nhiều vào việc vay tiền qua thẻ tín dụng.
Cho đến thời điểm 5 tháng sau, nhận được giấy báo dư nợ lên tới hơn 100 triệu đồng, bấy giờ H mới biết mình đã rơi vào vòng xoáy của tín dụng. Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, đúng vào thời điểm này, dịch Covid-19 kéo đến, công việc của T.H phải tạm ngưng vài tháng khi giãn cách xã hội. Vì không có lương để chi trả cho các khoản nợ, khoản tiền lãi tín dụng ngày càng tăng lên một cách khủng khiếp. Thời điểm làm thẻ tín dụng tại ngân hàng, H lựa chọn gói vay với hạn mức 15 triệu, lãi suất thẻ tín dụng là 27%/ năm, và thêm 4% phí chậm thanh toán. Nghĩ thôi cũng thấy con số ấy sẽ lớn nhanh đến mức nào, và nếu cứ duy trì mức lương đó thì trong năm tới, H sẽ chỉ đủ tiền để trả lãi thôi!
Sức lôi cuốn của thẻ tín dụng với những người không có tiền
Tính đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng tại Việt Nam lên tới 3,87 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8,2% so với năm trước đó, đây cũng là những tín hiệu về nợ xấu đang tăng cao. Theo số liệu từ Vụ Thanh toán, tổng số thẻ tín dụng nội địa tại thời điểm 31/12/2021 đạt 475.000 thẻ, tăng 61,7% so với năm 2019.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến con số này, là do dịch bệnh Covid-19 khiến cho nhiều người lao động không có việc làm, khoản tiền chi tiêu cho nhu cầu trong cuộc sống cần có nguồn giải quyết.
Trái ngược với T.H, ở thời điểm này Quang Anh (25 tuổi, Quảng Ninh) vật lộn nhiều tháng trời mới tìm được công việc mức lương 10 triệu/ tháng. Nhưng không may, Covid-19 kéo đến khiến anh chàng cũng dang dở với những dự định mới.
Mệt mỏi với những nỗi lo về cơm áo gạo tiền, Đức Anh cũng tìm đến thẻ tín dụng với suy nghĩ cần tiền trang trải cuộc sống trước, đến khi dịch bệnh ổn định mới tính sau: "Sử dụng thẻ tín dụng không giống như tiêu tiền mặt, mình có thể thanh toán mà không cần quá lo lắng về việc đã đủ hay chưa đủ khả năng chi trả. Nhờ vào đó, mình cũng nhanh chóng giải quyết được những vấn đề trước mắt, nó làm cho mình nhẹ nhõm hơn nhiều với những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống."
Rồi cũng như dự đoán, công việc mới chưa ổn định, lương hàng tháng bấp bênh vì phải làm việc online, không có hiệu suất, nên số tiền Quang Anh chi tiêu phụ thuộc vào tín dụng nhiều hơn những gì anh chàng mong muốn. Khoản lương hàng tháng khi được chuyển vào tài khoản đều bay sạch không còn chút dấu vết. Nhưng những khoản cần tiêu vẫn cứ phải tiêu, tín dụng thì càng tiêu càng nợ, cho đến khi những cuộc gọi thúc nợ của ngân hàng ngày một nhiều, Quang Anh phải cầm con xe máy để chi trả cho những khoản nợ đó 1 phần nào, giảm bớt áp lực về tiền lãi cứ tăng.
Trên thực tế, đối với những người không có tiền, việc làm được thẻ tín dụng với họ ban đầu như là tìm được kho báu. Nhưng điều này thực sự đáng sợ, vì về cơ bản thì tín dụng mãi là một khoản vay bắt buộc phải trả, chỉ là vấn đề thời gian.
Không riêng gì trường hợp của 2 bạn trẻ kể trên, rất nhiều người trẻ trở thành con nợ của tín dụng - bằng cách này hay cách khác - sử dụng tín dụng một cách mù quáng, không kiểm soát được chi tiêu của mình. Ngày càng lún sâu vào những chiếc bẫy, để rồi thụ hưởng thành quả vượt mức khả năng có thể bù đắp, dẫn đến chính 1 chiếc thẻ tín dụng lại trở thành chủ nhân cho những khoản tiền tương lai của họ!