Ngày 8/1, giới khoa học của Cộng hòa Síp (Cyprus) đã khiến nhiều người phải lo âu khi công bố đã phát hiện ra một biến thể lai giữa Omicron và Delta - 2 biến thể hiện tại đang chiếm ưu thế toàn cầu.
Biến thể mới được đặt tên là Deltacron, được xác định là có chung nền tảng di truyền của biến thể Delta cùng với một số đột biến của Omicron. Chuyên gia Leondios Kostrikis, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học và virus học, ĐH Cyprus cho biết họ đã phát hiện 25 mẫu bệnh phẩm được xác định là Deltacron, sau khi giải trình tự gần 1400 mẫu trong chương trình truy tìm các đột biến tiềm năng của virus SARS-CoV-2.
Vậy là lại xuất hiện biến thể lai giữa Delta và Omicron - 2 biến thể gây lo ngại nhất hiện nay?
Những tranh cãi bất ngờ
Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về công bố này, cho rằng đây nhiều khả năng là do các mẫu xét nghiệm bị trộn lẫn giữa Delta và Omicron mà thôi. Như Tiến sĩ Tom Peacock, nhà virus học từ Khoa Truyền nhiễm Hoàng gia (Anh Quốc) nhận định, dường như đây là sự đồng nhiễm của 2 chủng bệnh trong một mẫu bệnh phẩm.
"Chuỗi gene 'Deltacron' của đảo Cyprus đang gây chú ý hiện nay nhiều khả năng là do trộn lẫn mẫu. Chúng không có cùng một cây di truyền, và có những bản sao của Omicron trong chuỗi gene vốn là 'xương sống' của Delta".
Cũng theo Peacock giải thích, việc các mẫu bị trộn lẫn là khá phổ biến khi một biến thể mới được giải trình tự gene trong phòng thí nghiệm, bởi chỉ cần "một lượng cực kỳ nhỏ dịch mẫu" là đủ để khiến mẫu không còn sạch nữa. Ông cho rằng trước khi chính thức phân loại, cần có nhiều phòng thí nghiệm tìm ra biến thể này thì mới có thể công nhận.
Deltacron nhiều khả năng là một "lỗi kỹ thuật"?
Ông Peacock cũng tỏ ra nghi ngờ thời điểm "Deltacron" xuất hiện, vì việc "tái tổ hợp gene" thường chỉ xảy ra sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng kể từ khi 2 biến thể chạm mặt nhau trong cộng đồng. Ông cho biết có thể "gần như chắc chắn" rằng đây là trường hợp trộn lẫn mẫu do sai sót trong phòng thí nghiệm mà thôi.
Những giải thích của ông Peacock có vẻ rất hợp lý, nhưng không thuyết phục được một nhà khoa học ở Cyprus. Theo đó, chuyên gia Leonidos Kostrikis - người tìm ra Deltacron - cho rằng có áp lực từ quá trình tiến hóa với chủng gốc để tạo ra biến thể mới, và đó không phải là kết quả của một sự kiện tái tổ hợp gene duy nhất.
Kostrikis - giáo sư sinh học tại ĐH Cyprus - nhận định các ca nhiễm Deltacron ông tìm thấy có tỉ lệ cao hơn ở những bệnh nhân nhập viện so với F0 thông thường, nên có thể loại bỏ giả thuyết "trộn lẫn mẫu".
Hơn nữa, các mẫu xét nghiệm được xử lý qua nhiều quy trình giải mã tại nhiều hơn 1 quốc gia. Và có ít nhất 1 chuỗi gene từ Israel trong cơ sở dữ liệu toàn cầu cho ra kết quả của Deltacron.
"Các phát hiện này bác bỏ nhận định về việc Deltacron chỉ là một lỗi kỹ thuật" - Kostrikis thẳng thắn nói.
Trên thực tế, Omicron và Delta đều có các đột biến tại gai protein - cấu trúc giúp virus xâm nhập vào tế bào. Trong đó, Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm tốt hơn. Việc tái tổ hợp các loại virus có thể xảy ra khi nhiều biến thể cùng lưu hành - theo chuyên gia Nick Loman từ ĐH Birmingham nhận định. Tuy nhiên, ông Loman cũng cho rằng dù chuyện tái tổ hợp là có khả năng, nhưng Deltacron rất dễ là "lỗi kỹ thuật" mà thôi.
Bộ trưởng Bộ Y tế đảo Cyprus, Michael Hadjipantela hôm 9/1 cho rằng biến thể mới hiện vẫn chưa đáng ngại vì sở hữu độc lực thấp, dù chưa thể kết luận chính thức.