Tình trạng nhân viên nghỉ việc đồng loạt ngày một nghiêm trọng, có điều gì mà sếp đã bỏ lỡ: Lương thấp ư? Chỉ 1 phần thôi!

Có rất nhiều lý do khiến nhân viên ra đi, nhưng sau tất cả, lý do lớn nhất vẫn là họ cảm thấy bị thua thiệt và cảm thấy khó chịu trong lòng.

Có người cho rằng, việc nhân viên xuất sắc nghỉ việc giống như sét đánh giữa trời quang vậy. Những nhân viên này thường là những người năng suất và ngoan ngoãn nhất công ty, nhưng họ cũng là những người sẽ ra đi theo cách bất ngờ nhất.

Khi HR hỏi một nhân viên: "Tại sao bạn nghỉ việc?", người đó sẽ nói với HR rằng mình nghỉ việc vì lý do bất khả kháng;

Nếu một đồng nghiệp hỏi người đó: "Tại sao cậu nghỉ việc?", người đó sẽ nói với đồng nghiệp rằng: "Thì vì ít tiền chứ sao";

Nếu bố mẹ và bạn bè hỏi người đó: "Tại sao nghỉ việc?", người đó mới đưa ra đáp án thực sự, đó chính là trong lòng cảm thấy mình chịu thua thiệt.

Thường thì các sếp chỉ có thể nhìn thấy đến tầng thứ 2 - vấn đề tiền bạc. Bởi vậy nên sếp hay phàn nàn rằng nhân sự tham lam, trả bao nhiêu tiền cũng chê ít, đã vậy còn suốt ngày than vãn rằng công ty bóc lột mình. Trên thực tế, lý do thực sự khiến nhân sự nghỉ việc không đơn giản là vì họ nhận được nhiều tiền hay ít tiền, lý do thực sự nằm ở tâm lý không thoải mái trong lòng.

Tình trạng nhân viên nghỉ việc đồng loạt ngày một nghiêm trọng, có điều gì mà người làm sếp đã lỡ bỏ qua? - Ảnh 1.

Khi bàn luận về vấn đề nhân viên nghỉ việc, Jack Ma từng đưa ra 2 quan điểm: 1. Tiền không đủ nhiều. 2. Lòng thấy bị thua thiệt. Tổng kết lại, điểm quan trọng và cơ bản nhất là: Làm việc mà không thấy vui. Tuy nhiên, những gì Jack Ma nói vẫn còn tương đối chung chung. Nhân sự rời đi đồng loạt, điều này đồng nghĩa với đã có vấn đề xảy ra, chỉ là người làm quản lý có để ý và muốn để ý hay không mà thôi.

01
Không được tôn trọng, hiệu quả công việc không được công nhận

Các nhân viên chủ chốt luôn khao khát được công nhận, thúc đẩy và tôn trọng. Mặc dù nhân viên và sếp là mối quan hệ công việc, nhưng không có nghĩa là sếp có thể thiếu tôn trọng nhân viên.

Tiền nhiều tiền ít là chuyện cần bàn tiếp theo. Trong cùng một công ty, thậm chí cùng một vị trí, chuyện người này nhận được nhiều hơn người kia không phải không xảy ra. Nếu không có đối tượng để so sánh thì chẳng sao, nhưng nếu những người xung quanh bạn lười hơn bạn, số lượng và chất lượng công việc của họ đều kém xa bạn, vậy tại sao họ lại nhận được đãi ngộ giống bạn?

Một công ty đủ chuyên nghiệp, lớn mạnh nên có một hệ thống đánh giá hiệu suất hoàn chỉnh và nên trả nhiều thù lao hơn cho những nhân viên làm việc chăm chỉ, hiệu quả. Trên thực tế, nhân viên không quan tâm đến việc họ nhận được thêm vài trăm, vài triệu, điều mà họ quan tâm là công ty có phát hiện và công nhận nỗ lực của họ hay không.

Tình trạng nhân viên nghỉ việc đồng loạt ngày một nghiêm trọng, có điều gì mà người làm sếp đã lỡ bỏ qua? - Ảnh 2.

02
Sếp chỉ quan tâm đến hiệu suất, không thích giao tiếp với nhân viên

Nói ra có thể bạn không tin nhưng quá nửa số lượng nhân sự nghỉ việc hiện tại đều vì lý do có liên quan đến quản lý trực tiếp của họ, hay xa hơn một chút là các sếp lớn hơn.

Nhiều nhân viên sẵn sàng làm thêm giờ nhiều ngày liên tiếp. Ngay cả khi chỉ được về nhà lúc trời rạng sáng, họ vẫn sẽ đến công ty đúng giờ vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, nhiều sếp cho rằng việc này chẳng mang lại lợi ích gì, hoặc đó là điều mà một nhân viên mẫn cán cần làm, chỉ một câu này thôi đã đủ khiến nhân viên cảm thấy mình bị phủ định. Và cũng có những vị sếp chỉ chăm chăm để tâm đến KPI chứ không phải việc hiện thực hóa nó như thế nào, có khả thi hay không họ. Những gì họ làm là đưa ra mệnh lệnh yêu cầu nhân viên dưới trướng phải hoàn thành cho xong công việc, bất chấp phải tăng ca, làm đêm...

Dù nơi làm việc về bản chất chỉ là nơi giao dịch năng lực và thời gian để kiếm tiền nhưng làm gì có ai muốn cống hiến 8 tiếng/ ngày cho công ty và những vị sếp chỉ biết ra lệnh, chỉ quan tâm đến KPI và luôn đổ lỗi cho nhân viên? Câu trả lời là chẳng có mấy ai đâu. Một người quản lý giỏi phải là một nhà huấn luyện biết cách khai thác tiềm năng và lợi thế của nhân viên, tạo cho cấp dưới một môi trường tương ứng và phù hợp, đồng thời giúp nhân viên đạt được mục tiêu công việc một cách hoàn hảo.

Tình trạng nhân viên nghỉ việc đồng loạt ngày một nghiêm trọng, có điều gì mà người làm sếp đã lỡ bỏ qua? - Ảnh 3.

03
Không cung cấp kế hoạch phát triển cá nhân

Không ngừng giao việc cho nhân viên thoạt nhìn là một cách gia tăng hiệu suất hiệu quả, Tuy nhiên, đối với những nhân viên xuất sắc, phương pháp này lại dễ phản tác dụng. Bởi họ sẽ không nhìn ra tiền đồ phát triển bản thân và không có thời gian cũng như cơ hội để đào tạo, học hỏi thêm. Thành thử ra, sẽ không khó hiểu khi họ muốn nghỉ việc và tìm bến đỗ mới để phát triển.

04
Quá ưu tú và lạc đàn với đồng nghiệp

Suốt ngày "dùng dao mổ trâu để giết gà", năng lực không được dùng vào đúng chỗ, nhân viên không rời đi mới là lạ. Đối với những nhân viên ưu tú, điều này có nghĩa là dù họ biểu hiện tốt đến đâu, họ cũng chỉ đối xử như những "ma mới".

Bạn đưa ra một ý tưởng hay nhưng lại không được sếp ghi nhận, bên cạnh là những đồng nghiệp không ngừng cho rằng bạn làm quá, bạn khoe khoang, bạn thể hiện... Một một trường toxic như vậy sẽ chẳng thể ngăn được nhân viên nghỉ việc đâu.

05
Thời gian dành cho bản thân quá ít, không thể theo đuổi sở thích

Lượng công việc quá lớn, thời gian làm việc quá dài cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều nhân sự dù kiên trì đến đâu cũng thấy nản lòng. Ngoài việc phải làm thêm giờ sau khi tan tầm mỗi ngày, có khi họ còn phải làm việc cả vào cuối tuần, về lâu về dài, sức khỏe của họ sẽ không thể đáp ứng nổi, bản thân họ cũng không còn thời gian để làm việc khác. Điều khó chịu nhất là một số công ty cung cấp lương làm ngoài giờ, thậm chí nhân viên còn bị phạt nếu không hoàn thành được công việc dù đó đang là cuối tuần, ngày nghỉ, lễ Tết...

Cho nhân viên cơ hội theo đuổi sở thích của họ có thể cải thiện năng suất và sự hài lòng trong công việc, nhưng nhiều người làm quản lý vẫn có thói quen giới hạn nhân viên của họ trong một không gian nhỏ hẹp.

Tình trạng nhân viên nghỉ việc đồng loạt ngày một nghiêm trọng, có điều gì mà người làm sếp đã lỡ bỏ qua? - Ảnh 4.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi nhân viên có thể theo đuổi sở thích tại nơi làm việc, bộ não của họ sẽ hoạt động hưng phấn hơn, từ đó dẫn đến hiệu quả làm việc có thể tăng gấp 5 lần so với bình thường.

Kết

Có rất nhiều lý do khiến nhân viên ra đi, nhưng sau tất cả, lý do lớn nhất vẫn là họ cảm thấy bị thua thiệt và cảm thấy khó chịu trong lòng. Việc giữ chân nhân viên nghe có vẻ khó khăn nhưng thực tế không phải vậy. Vì hầu hết những sai lầm này đều có thể tránh được. Điều đáng sợ duy nhất là công ty không chịu thay đổi ngay cả khi những vấn đề này xuất hiện. Lúc này, hầu hết những nhân viên xuất sắc sẽ lựa chọn ra đi, vì họ có nhiều sự lựa chọn tốt hơn.

Không khó để doanh nghiệp, công ty để giữ chân nhân tài miễn là họ có thể đưa ra mức thu nhập tương đối hợp lý giữa các nhân viên, hình thành một hệ thống đánh giá khách quan, hiệu quả và xây dựng được một môi trường tốt đẹp, thân thiện cho công ty.

https://ahadep.com/tinh-trang-nhan-vien-nghi-viec-dong-loat-ngay-mot-nghiem-trong-co-dieu-gi-ma-sep-da-bo-lo-luong-thap-u-chi-1-phan-thoi-20220310233527743.chn