Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 7/11 thống kê, từ ngày 22/10 đến nay, thành phố có 12 chùm ca bệnh/ổ dịch, nhiều trong số này chưa rõ nguồn lây, được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt ngoài cộng đồng. Có 2 ngày (4 và 5/11), số ca mắc vượt quá 100 ca/ ngày.
Dịch bệnh được đánh giá trong tầm kiểm soát, tuy nhiên "đã ngấm sâu trong cộng đồng". Ngoài ra, nguy cơ do người về từ vùng dịch (không riêng các tỉnh phía Nam) cũng rất cao. Hà Nội liên tiếp phát sinh các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan việc tập trung đông người do áp dụng nới lỏng các biện pháp, phòng chống dịch theo tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19".
Tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội trong vòng một tháng qua (Nguồn: CDC Hà Nội)
12 ổ dịch Covid-19 "nóng"
1. Ổ dịch kho hàng Shopee KCN Đài Tư từ ngày 5/11 đến nay có tổng 26 ca, phân bố tại các quận, huyện: Hoàng Mai (6). Đông Anh (1), Hai Bà Trưng (1), Hoàn Kiếm (1), Gia Lâm (10) và Long Biên (7).
Tối 5/11, CDC Hà Nội phát thông báo khẩn tìm người đến kho hàng Shopee tại Lô 17-19-20 và Kho phụ C1, C2, 386 Nguyễn Văn Linh, Khu công nghiệp Đài Tư, quận Long Biên từ ngày 20/10.
2. Ổ dịch đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy từ ngày 2/11 đến nay có tổng 9 ca, phân bố tại các quận, huyện: Thanh Xuân (1), Hoàng Mai (3), Hà Đông (1), Ba Đình (1), Bắc Từ Liêm (1), Nam Từ Liêm (1) và Đan Phượng (1).
3. Ổ dịch thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh từ ngày 27/10: 167 ca, nguồn lây từ một số công dân đi làm ăn tại tỉnh Hà Giang trở về địa phương. Thời điểm này, dịch Covid-19 tại Hà Giang đang diễn biến căng thẳng.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Mê Linh đã thành lập Tổ công tác chuyên trách phòng chống dịch, huy động lực lượng giáo viên, đoàn viên thanh niên cùng tham gia để nhanh chóng "bao vây", xử lý triệt để ổ dịch thôn Bạch Trữ.
Việc lấy mẫu xét nghiệm được duy trì 3 ngày/lần đối với toàn bộ người dân xã Tiến Thắng, thông qua đó để sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Huyện cũng chỉ đạo phun hóa chất khử khuẩn tất cả gia đình có F0, F1, F2 và những khu vực liên quan; treo biển cảnh báo và cử lực lượng giám sát nghiêm ngặt. Toàn bộ người dân thôn Bạch Trữ được yêu cầu ở yên tại nhà để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Tính đến ngày 6/11, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh ở cấp độ dịch 3 - màu cam, nguy cơ cao.
Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm lần 3 cho toàn bộ người dân thôn Bạch Trữ sáng 3/11 (Ảnh: Đinh Huy)
4. Ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm từ ngày 31/10: 95 ca.
Ngay khi xuất hiện ca "chỉ điểm" tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đã chỉ đạo xét nghiệm PCR cho tất cả hộ kinh doanh trên địa bàn xã (khoảng 4.500 hộ); khẩn trương truy vết để phát hiện, điều trị kịp thời cho các F0.
Từ ngày 2/11, UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo xã Ninh Hiệp tạm dừng hoạt động kinh doanh tại các chợ và trung tâm thương mại, các cửa hàng quần áo, may mặc, vải, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn.
Từ 18h tối 4/11, xã Ninh Hiệp giãn cách toàn xã để truy vết, phòng chống dịch Covid-19 ở mức cấp độ 4. Chính quyền địa phương yêu cầu người dân "ai ở đâu ở yên đó", thực hiện các quy định về phòng, chống dịch (5K), tự theo dõi sức khỏe tại nhà và khai báo với Trạm y tế xã.
UBND xã Ninh Hiệp yêu cầu người dân không được tập trung quá 5 người trở lên ở nơi công cộng. Xã cũng đã khẩn trương thành lập 8 điểm kiểm soát tại địa bàn và nhà riêng của các ca nghi F0; phong tỏa trục đường thôn 6 và 7; đồng thời rào chắn, lập từ 30- 40 chốt kiểm soát tại nhiều khu vực như tuyến giáp ranh với phường Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), các trục đường liên thông các thôn, thực hiện lập chốt mềm, chốt cứng ở các đường liên xã.
Huyện Gia Lâm lập hàng rào tại các con ngõ, tuyến giáp ranh với phường Đình Bảng (Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), các trục đường liên thông các thôn, thực hiện lập chốt mềm, chốt cứng ở các đường liên xã (Ảnh: Đinh Huy)
5. Ổ dịch tại Sài Sơn, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai từ ngày 24/10: 149 ca.
Ca chỉ điểm là người phụ nữ 40 tuổi, trú tại xã Sài Sơn, công tác tại Toà án nhân dân huyện Quốc Oai.
Cách đây 1 tuần, ổ dịch này được nhận định "phức tạp và khó lường", lây nhiễm giữa các cán bộ thường xuyên tiếp xúc nhiều nên phát sinh nhiều F1 và F2. Không chỉ ở huyện Quốc Oai mà còn có các khu vực khác như huyện Thanh Oai, quận Hà Đông.
Tuy nhiên đến nay, chuỗi lây nhiễm cơ bản được kiểm soát. 7 ngày liên tiếp trên địa bàn huyện không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng, các ca dương tính được công bố chủ yếu trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa.
Tổ dân phố Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai được đánh giá ở cấp độ dịch 4 (màu đỏ, nguy cơ rất cao) do ghi nhận 21 ca Covid-19 trong 14 ngày gần đây. Trong khi đó, thị trấn Quốc Oai ở cấp độ 3.
6. Ổ dịch Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình từ ngày 3/11: 10 ca.
Ca chỉ điểm là ông N.V.T., 85 tuổi, trú tại phường Ngọc Khánh. Ngày 2/11, ông vào Bệnh viện Phổi Trung ương, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính. Từ đó, 5 F1 là cháu, sống cùng nhà với ông T. ngày 3/11 được lấy mẫu xét nghiệm, đều dương tính với SARS-CoV-2.
4 trường hợp liên quan khác sau đó cũng được xác định mắc Covid-19, đều đã được CDC công bố.
7. Ổ dịch Nam Dư, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai từ ngày 30/10: 26 ca.
Ca chỉ điểm là bệnh nhi 3 tuổi, trú tại phường Lĩnh Nam, ngày 30/10 sốt nhẹ, ngạt mũi, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, phường Lĩnh Nam cũng ghi nhận chùm ca bệnh liên quan trụ cầu H3, gầm cầu Thanh Trì, thuộc tổ 2.
Phường Lĩnh Nam liên tục phát thông báo khẩn, tìm người từng đến hàng loạt các địa điểm liên quan, có cả cửa hàng ăn uống, quán cà phê, chợ,... để phục vụ công tác truy vết, điều tra dịch tễ.
8. Ổ dịch đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình từ ngày 3/11: 28 ca.
Ca chỉ điểm là Đ.T.H., nữ, 32 tuổi, trú tại phường Cống Vị, được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt ngoài cộng đồng. Ngày 27/10, người phụ nữ xuất hiện triệu chứng ho, khan, tới ngày 1/11 đến bệnh viện khám, được làm xét nghiệm sàng lọc cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Các F1 gồm mẹ, chồng, con, những người sống cùng tầng, bán hàng trong ổ dịch, ngày 3/11 được lấy mẫu xét nghiệm cũng cho kết quả dương tính.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Ba Đình đã phát đi thông báo khẩn, tìm người đến hàng loạt địa điểm liên quan.
Phường Cống Vị hiện ở cấp độ dịch 3 - màu cam, nguy cơ cao.
9. Ổ dịch phường Phú La, quận Hà Đông từ ngày 4/11: 32 ca.
0h ngày 4/11, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận nhóm 24 người đến bệnh viện yêu cầu được xét nghiệm Covid-19. Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm PCR, kết quả có 9 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây là 9 ca chỉ điểm từ đó phát hiện chuỗi lây nhiễm tại phường Phú La, được xác định "phức tạp do F0 di chuyển và tiếp xúc nhiều".
10. Ổ dịch Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì từ ngày 6/11: 14 ca.
Ca chỉ điểm là bệnh nhân Đ.V.M., trú tại Yên Xá, Tân Triều, được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 qua sàng lọc ho, sốt. Qua điều tra, truy vết, 13 F1 của bệnh nhân cũng có kết quả dương tính SARS-CoV-2.
11. Ổ dịch Phú Vinh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức từ ngày 31/10: 14 ca.
Ca chỉ điểm là người phụ nữ 30 tuổi ngày 28/10 xuất hiện triệu chứng sốt, tự mua thuốc điều trị. Ngày 30/10, chị đưa con bị ốm vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh, được làm xét nghiệm sàng lọc. Kết quả, cả 2 mẹ con đều dương tính với SARS-CoV-2. Từ đó, CDC phát hiện thêm 12 ca dương tính liên quan.
12. Ổ dịch đường Trần Quang Diệu, quận Đống Đa từ ngày 23/10: 41 ca.
CDC Hà Nội trưa 23/10 ghi nhận ca chỉ điểm là nam nhân viên của tiệm cắt tóc trên đường Trần Quang Diệu, quận Đống Đa. Người này ngày 19/10 xuất hiện triệu chứng sốt, đến ngày 22/10 khám tại Bệnh viện Đống Đa được làm test nhanh dương tính. Mẫu bệnh phẩm được gửi đến CDC Hà Nội cho kết quả khẳng định RT-PCR dương tính.
Chuỗi lây nhiễm không chỉ giới hạn ở các nhân viên của tiệm cắt tóc, mà nhiều trường hợp liên quan khác tại Hà Nội, Bắc Giang và Hải Dương cũng mắc Covid-19.
CDC Hà Nội thống kê 12 ổ dịch "nóng" nhất hiện nay (Ảnh: Đinh Huy)
Hà Nội đánh giá 2 ổ dịch tại Sài Sơn (huyện Quốc Oai) và Bạch Trữ (huyện Mê Linh) liên quan việc tụ tập đông người (đám ma, đám cưới....). Các ca bệnh phần lớn mang tính chất gia đình, nhiều người trong gia đình cùng mắc, đa phần đều đã được tiêm vaccine, không có triệu chứng bệnh.
Ngoài ra, theo báo cáo của CDC Hà Nội, tính đến tối 7/11, có 93 người về từ các tỉnh có dịch được xác định mắc Covid-19, phân bố tại nhiều quận, huyện; từ đó ghi nhận 45 ca nhiễm thứ phát do tiếp xúc gần hoặc liên quan những người này.
Hà Nội cũng phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng thông qua sàng lọc ho, sốt, từ đó khuyến cáo người dân nếu có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
Cộng dồn số mắc trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội có tổng 4.998 ca dương tính, trong đó 1.961 ca ngoài cộng đồng và 3.037 người đã được cách ly.
Tình hình Covid-19 phức tạp, Hà Nội siết chặt quy định phòng chống dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh với hàng loạt F0 cộng đồng, ngày 1/11, Hà Nội công bố chuyển cấp độ dịch từ 1 (màu xanh, bình thường mới, theo đánh giá ngày 19/10) lên mức 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình) và duy trì "vàng" đến ngày 6/11.
Ngoài ra, 30/30 quận, huyện thuộc cấp độ 2; có 312 xã, phường thuộc cấp độ 1; 264 xã, phường ở cấp độ 2.
3 xã, phường thuộc cấp độ 3 và tổ dân phố Ngô Sài (Quốc Oai) là khu vực duy nhất chuyển đỏ, nguy cơ rất cao.
Sau khi siết chặt cấp độ dịch, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ký, ban hành Kế hoạch số 243/KD-UBND quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", yêu cầu hàng quán ăn uống đóng cửa trước 21h, đám cưới không tập trung quá 30 người, hoạt động tập luyện thể dục, thể thao trong nhà giảm quy mô phòng tập (công suất tối đa 50% và không quá 30 người trong cùng thời điểm).
Thành phố tiếp tục dừng các hoạt động vũ trường, karaoke, massage, quán bar, trò chơi điện tử, hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.
Công an ra quân nhắc nhở cửa hàng ăn uống đóng cửa trước 21h theo kế hoạch của UBND TP. Hà Nội (Ảnh: Đặng Thủy)
Đặc biệt, Hà Nội khuyến khích người dân hạn chế tới các địa phương khác, chỉ trong trường hợp cần thiết, tuân thủ quy định của Trung ương và nơi đến. Thành phố cũng có hướng dẫn cụ thể việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau.
Người đến/về thành phố Hà Nội không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với TP. Hà Nội sáng 2/11, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận định nguy cơ dịch bệnh rất cao, đã có những khu vực dịch ngấm sâu trong cộng đồng. Bên cạnh đó, người về từ vùng dịch cũng tiềm ẩn lây lan mầm bệnh, không chỉ từ các tỉnh phía Nam mà ở các phía khác như trường hợp F0 ở huyện Mê Linh về từ tỉnh Hà Giang.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Hà Nội phải sẵn sàng các tình huống xấu hơn để có sự chuẩn bị cao hơn, không để bị động, bất ngờ. Các giải pháp phòng, chống dịch phải thống nhất. Đặc biệt, những nguyên tắc ban đầu trong phòng, chống dịch, gồm ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly vẫn phải thực hiện, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn.
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cũng cần "tập dượt" các phương án khác, như thí điểm cách ly F1, điều trị F0 có đủ điều kiện tại nhà để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế bố trí đủ vaccine để Hà Nội tiêm toàn bộ người trên 18 tuổi, kể cả người từ nơi khác đến. Đối với học sinh, tập trung trước một bước cho những nơi có dịch rất nặng trong thời gian vừa qua, kể cả những nơi liền kề Hà Nội.
Hà Nội khuyến cáo người dân nếu có biểu hiện mắc Covid-19 phải khẩn trương khai báo để được lấy mẫu xét nghiệm (Ảnh: Đinh Huy)
Còn trong Hội nghị giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 3/11, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 do số lượng người đến/về thành phố gia tăng; tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine… Do đó, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý người từ tỉnh, thành khác đến/về địa phương.
Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân cùng vào cuộc trong công tác giám sát, kiểm soát người dân từ vùng khác về địa phương; kịp thời phản ánh đến tổng đài 1022. Theo Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng, phải kiểm soát tốt người dân đi/đến thì Thành phố mới có thể thích ứng an toàn với dịch bệnh
Ông Dũng yêu cầu tiếp tục tăng cường nâng cấp hệ thống y tế cơ sở, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung, cơ sở thu dung điều trị. Các địa phương tiếp tục kiện toàn liên quan đến việc truy vết, cách ly, xét nghiệm và sàng lọc nơi nguy cơ cao. Phó Chủ tịch Hà Nội cũng giao Sở Y tế thành lập tổ công tác khi xuất hiện chùm ca bệnh tại cộng đồng để khẩn trương dập dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định việc Hà Nội ghi nhận các F0 trong cộng đồng thời gian qua là điều "đã nằm trong dự đoán từ trước".
Theo ông Phu, khi cả nước tiến đến nới lỏng các hoạt động, thì mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào Hà Nội là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là dòng người về từ các vùng đang có dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… kể cả một số địa phương đang có dịch ở phía Bắc.
"Hà Nội là nơi có sự giao thương lớn và đông người, một khi đã nới lỏng các biện pháp giãn cách thì sẽ rất dễ lây lan mầm bệnh. Chúng ta cần chấp nhận việc ghi nhận ca nhiễm, vấn đề là phải phát hiện sớm để truy vết các ổ dịch", ông Phu nói.
Chuyên gia này phân tích thêm, chính quyền địa phương vẫn sẽ tiến hành phong tỏa các khu vực có dịch nhưng trong diện rất hẹp, vừa kiểm soát chặt không làm lây lan mầm bệnh nhưng cũng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và an sinh xã hội của người dân.
INFOGRAPHIC: Nâng lên cấp độ dịch 2, Hà Nội cho phép và hạn chế những hoạt động nào?
Hà Nội: Rào chắn, giãn cách toàn bộ xã Ninh Hiệp với 19.000 dân