Từ vụ nữ sinh bị quấy rối tình dục, từng tố cáo nhưng bị phớt lờ: Con gái nói KHÔNG LÀ KHÔNG

“Con gái nói có là không” chỉ nên coi là một lời bài hát. Đừng để nó trở thành một cái cớ để tiếp tục đổ lỗi cho nạn nhân và lờ đi những câu chuyện quấy rối tình dục.

Hôm qua, Suboi đăng tải một đoạn status rất dài nhắc đến câu chuyện về những kẻ quấy quấy rối và tiếng nói bị phớt lờ của các nạn nhân. Cô có nhắc đến một câu hát rất nối tiếng: “Con gái nói có là không”

Chúng ta không biết một ca khúc có tác động đến người nghe như thế nào, cho đến khi câu hát “Con gái nói có là không” trở thành một mũi công kích với những người phụ nữ. Nó bình thường hóa việc lấn lướt người phụ nữ và phớt lờ tiếng nói phản đối của họ. “Phụ nữ nói không muốn nhưng tại sao vẫn đi chơi với nam giới!”, “Phụ nữ không thích nhưng sao không block? Sao vẫn trả lời?”. 

Chúng ta không biết những trò đùa bẩn thực sự là một hành vi quấy rối tình dục, chứ không phải là cuộc chơi của những nạn nhân “không biết đùa” và kẻ quấy rối “anh chỉ đùa một tí thôi mà”.

Chúng ta không biết, quấy rối tình dục thường được núp bóng dưới nhiều hình hài, địa vị xã hội - và nhiều người lớn chọn lờ nó đi, cho đến khi một nạn nhân lên tiếng.

Và chúng ta không biết, con gái nói KHÔNG là KHÔNG - điều vốn dĩ bất cứ ai cũng nên nhớ thật kỹ. 

Từ vụ nữ sinh bị quấy rối tình dục, từng tố cáo nhưng bị phớt lờ: Con gái nói KHÔNG LÀ KHÔNG - Ảnh 1.

Khi Công an thành phố Hà Nội đăng một status “Khởi tố gã trai hiếp dâm người yêu của bạn” và tình tiết về một vụ xâm hại tình dục vào ngày 17/01/2021, như thường lệ, người dùng Facebook bắt đầu làm công việc của mình: bình luận. Giữa hàng trăm bình luận, có những bình luận được nhiều lượt like, love thể hiện sự đồng tình.

“Bà này cũng không vừa nhỉ, cãi nhau với người yêu mà lại đồng ý đi đám cưới với bạn của người yêu, bị h**p d*m là đúng rồi!”

“Bị h**p d*m là đúng rồi” như một tiếng vọng ám ảnh, không chỉ trong một câu chuyện trên mà ở rất nhiều vụ việc khác, mỗi khi có một nạn nhân là nữ. Hiếp dâm không bao giờ có một lằn ranh giữa đúng - sai; h**p d*m là sai!

Không ai bình luận hỏi về nhân vật hiếp dâm; họ đặt câu hỏi cho nhau như tự hỏi chính mình: Tại sao chị ta vừa mới cãi nhau người yêu lại đi chơi với bạn của người yêu? không hiểu nghĩ gì lại về quê ăn đám cưới cùng? Cãi nhau xong với người yêu rồi lại đi chơi với bạn của người yêu thì làm gì có chuyện bị hiếp dâm?

Người ta không tra khảo kẻ quấy rối tình dục trong câu chuyện một năm trước, cũng không ai tra khảo người mới lọt vào top 30 Under 30 Forbes Việt Nam. Người ta không hỏi H.A - một “con nhà người ta” điển hình xuất thân từ những ngôi trường danh giá rằng “Tại sao cậu ta lại quấy rối tình dục?”, “Tại sao cậu ta không biết điểm dừng?”. Vì sao ư, vì người ta có câu trả lời của riêng mình.

Con gái nói không nhưng vẫn nói chuyện với kẻ quấy rối tính dục là NÓI CÓ.

Con gái nói không nhưng cơ thể vẫn phản ứng là NÓI CÓ.

Con gái nói không nhưng vẫn tiếp tục quan hệ là NÓI CÓ.

Con gái nói không - đã ngừng nói chuyện, đã báo cáo với những bên liên quan về vụ việc nhưng người khác vẫn cho là con gái NÓI CÓ.

Con gái nói không là NÓI CÓ.

Trong một cộng đồng lâu nay vốn được kiến tạo với những ưu thế dành cho nam giới, phụ nữ không được phép “nói không” khi phải phụ thuộc vào nam giới, để “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, hay “chồng nói vợ không được cãi”. 

Khi không ai có thể che miệng phụ nữ được nữa, tư tưởng phụ nữ không “nói không” tiếp tục được củng cố bằng những câu hát tưởng như vô thưởng vô phạt “con gái nói không là có” - nói không nhưng vẫn “liếc mắt đưa tình, vẫn đi chơi, vẫn nói chuyện, vẫn… mời gọi những kẻ quấy rối”. 

Từ vụ nữ sinh bị quấy rối tình dục, từng tố cáo nhưng bị phớt lờ: Con gái nói KHÔNG LÀ KHÔNG - Ảnh 2.

Những nạn nhân của quấy rối tình dục phải chịu đựng 3 tầng phán xét. Phải dũng cảm lắm, một phụ nữ, ở đây là những học sinh, mới dám nói lên vấn đề của mình khi các em hiểu rằng, mình không chỉ chịu tổn thương tinh thần từ chính kẻ quấy rối mà mình còn bị phán xét từ xã hội và đến tầng thứ 3 - là sự phán xét chính mình. 

Những kẻ quấy rối coi các em là những người không biết đùa.

Nhiều người ngoài kia coi các em mới là “hung thủ”.

Còn bản thân nhiều nạn nhân, khi phải chứng kiến tất cả những điều trên, hoài nghi chính mình.

Không ai vô can trong câu chuyện này cả. Những kẻ quấy rối không tin “con gái nói KHÔNG LÀ KHÔNG” nhưng nhiều người lớn cũng không tin những lời “NÓI KHÔNG” của nạn nhân. Đằng sau một vụ quấy rối tình dục bị chìm vào quên lãng là rất nhiều người xung quanh chọn cách lãng quên nó, bởi nhiều lý do.

Từ vụ nữ sinh bị quấy rối tình dục, từng tố cáo nhưng bị phớt lờ: Con gái nói KHÔNG LÀ KHÔNG - Ảnh 3.

Người lớn coi đó là chuyện trẻ con, vài đoạn chat qua lại thì đâu có hại ai? Không thích thì block nó đi chứ còn liên lạc làm gì? Trong thế giới của nhiều người lớn thuộc thế hệ đi trước, trầm cảm, rối loạn tâm lý vẫn còn là điều quá xa lạ - chỉ khi nào “nạn nhân” chình ình lên mặt báo với những tổn thương thể chất, người ta mới coi đó là vấn đề nghiêm trọng.

Và đằng sau một nam giới quấy rối tình dục có sự chống đỡ của rất nhiều nam giới khác, coi điều đó chỉ là một trò đùa và nạn nhân là những người phụ nữ không biết đùa, sẵn sàng bao biện, bảo vệ nhau để những vụ việc này “chìm xuồng”.

Vụ việc lần này có vẻ đã không “chìm xuống” - đó là một điều may mắn. Phải nói chính xác đó là một điều “may mắn” khi kẻ quấy rối tình dục nhận được nhiều sự chú ý của dư luận, các nạn nhân đồng ý lên tiếng và vững vàng chống chọi lại dư luận, báo chí và dư luận quan tâm, hàng loạt người nổi tiếng chia sẻ và lên tiếng. Trường học đã bày tỏ suy nghĩ, Forbes đã có hành động nhanh chóng.

Nhưng sau tất cả, người ta vẫn muốn một lời xin lỗi từ H.A. Hình như, có rất ít lời xin lỗi từ những kẻ quấy rối tình dục đã từng được nói ra trong những vụ việc như này? Lời xin lỗi của H.A có ý nghĩa hơn bất cứ lời đính chính, xoa dịu dư luận từ ai. Vì đó là lúc, những người xung quanh đã quyết tâm cùng nhau không để kẻ xâm hại có cơ hội được để mọi chuyện đi vào quên lãng. 

Từ vụ nữ sinh bị quấy rối tình dục, từng tố cáo nhưng bị phớt lờ: Con gái nói KHÔNG LÀ KHÔNG - Ảnh 4.

Con gái sẽ không thể nói “KHÔNG LÀ KHÔNG” khi xung quanh các em vẫn có nhiều người đang bao biện cho những kẻ quấy rối. Không ai mong muốn một phiên tòa hình sự cho vụ việc lần này nhưng một phiên tòa lương tâm là điều mọi người kỳ vọng, của kẻ quấy rối và những người không coi quấy rối là sai. Khi đó, người ta sẽ thực sự tin con gái nói “KHÔNG LÀ KHÔNG” và tiếng nói của phụ nữ sẽ không còn lọt thỏm giữa luận điệu đổ lỗi của cộng đồng độc hại.

https://ahadep.com/tu-vu-nu-sinh-bi-quay-roi-tinh-duc-tung-to-cao-nhung-bi-phot-lo-con-gai-noi-khong-la-khong-20220220145608919.chn