Bài viết về cảm giác thấy cuộc sống vô nghĩa của một cô trợ lý có mức lương 60 triệu đồng, tự hoài nghi về giá trị thực sự của mình khi hàng ngày chỉ làm các công việc đơn giản đang khiến nhiều người bàn tán sôi nổi. Cô trợ lý trẻ tuổi hàng ngày làm các công việc lặp đi lặp lại như: book vé máy bay, book phòng khách sạn, đặt đồ ăn, lấy đồ ship… Dần dần cô lo sợ rằng mình sẽ vì đồng lương cao mà mãi hài lòng với công việc an nhàn, không đòi hỏi trí óc nhiều và rất có thể biến mình thành kẻ bỏ đi?
Bàn về câu chuyện này, chị Nguyễn Hà Linh, Founder group Nghiện Nhà đã chia sẻ trải nghiệm của chính bản thân mình khi 24 tuổi.
Năm đó chị Hà Linh quyết định thử sức "apply" xin ứng tuyển vào một công ty nước ngoài, được làm "nhân viên" chuyên nghiệp thì sẽ như nào. May mắn trúng tuyển được nhận vào làm trợ lí của công ty Mckinsey và đó có lẽ là quãng thời gian thật nhiều hoài niệm và là một cơ hội để chị Hà Linh hoàn thiện bản thân mình hơn.
10 năm về trước, mức thu nhập ngàn đô thêm rất nhiều phụ cấp cho vị trí trợ lí là một mức lương trong mơ, và rất nhiều người mong muốn vào vị trí đó. Nhưng cũng có rất nhiều người trước mình tự rời khỏi vị trí này vì nghĩ rằng tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh hay cử nhân du học bao năm nước ngoài lại đi dọn bàn ăn, và dù là với mức lương "trong mơ". Công việc như vậy, ngoài mức lương cao thì nó không đem lại được giá trị phát triển cho bản thân khi ngày ngày chạy vòng quanh đặt lịch họp, order đồ ăn cho mọi người, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn cho mọi người trong team.
Chia sẻ quan điểm của mình, chị Hà Linh cho biết: "Mình nghĩ rằng mỗi công việc, đều sẽ cho ta giá trị không chỉ là tiền bạc, mà có ở nó rất nhiều bài học trải nghiệm mà nếu ta học cách trân quý thì nó sẽ trở thành những vũ khí vô cùng quý giá tích luỹ được trong những năm tháng còn trẻ?".
Thời điểm đó, chị Linh là trợ lý của khoảng 30 người trong team. Vì thế, chị thường phải đến sớm hơn mọi người, thậm chí đêm khuya vẫn trực điện thoại để xem có ai trong team ở lại họp muộn cần hỗ trợ không hay sếp họp xong đêm ra sân bay lái xe đón được chưa vì các sếp đều không biết tiếng Việt, lại hay họp muộn giờ…
Ngay cả trong ngày nghỉ, chị Linh vẫn luôn phải trực điện thoại, check email để sắp xếp hỗ trợ mọi người, tìm phòng họp cho thứ 2.. Theo chị, trải nghiệm công việc "luôn chân luôn tay, luôn cả đầu óc" như vậy đã đem lại cho chị những giá trị quý giá:
Thái độ không gì là không thể trong mọi tình huống
Công việc của một trợ lý luôn nhiều nhiệm vụ cùng lúc, từ đặt vé máy bay, lịch họp đến hỗ trợ hơn 30 người khác nhau trong 1 ngày sẽ là môi trường tuyệt vời để rèn luyện cho bạn tinh thần hoàn thành tất cả các checklist có trong ngày, không bỏ sót việc gì.
Đó cũng là cơ hội để bạn thử thách chính mình khi còn trẻ.
Trong công việc vẫn có những "ca khó" ví dụ như chỉ là việc đặt được phòng họp đúng, chuẩn thời gian cần cho team trong thời gian sát nút. Khả năng hoàn thành nhiệm vụ gần như bằng 0 thì chị Hà Linh đã vẫn có thể "tìm được cách" riêng của mình hoàn thành nhiệm vụ.
Tinh tế trong giao tiếp
Việc phải làm sao thiết lập được những mối quan hệ đặc biệt một cách khéo léo với các phòng ban khác nhau, các ban trợ lí khác nhau trong tập đoàn rất quan trọng. Những mối quan hệ đó sẽ giúp bạn có thể đạt được những việc mà những người cũ bảo là không thể làm việc hay hợp tác được cùng.
Tinh tế trong giao tiếp sẽ giúp bạn có thể lấy được lịch họp với sếp của đối tác đúng theo giờ sếp mình tiện nhất kể cả khi sát nút nhất. Điều này luyện cho bạn sự tinh tế khi trò chuyện với nhiều người với nhiều tính cách khác nhau, từ người khó tính nhất hay đồng bóng nhất sẽ vẫn thích giúp đỡ bạn.
Luyện cách dự đoán trước khi vấn đề xảy ra
Chị Hà Linh kể lại, quãng thời gian làm việc McKinsey chị phải xoay sở những ngày làm việc với 1 chuỗi các tình huống không tên có thể xảy đến bất chợt. Ví dụ như sếp bị hoãn chuyến bay, ảnh hưởng đến lịch họp ca sau, máy họp video bất chợt bị hỏng… Những tình huống đó rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống và thậm chí là phải tiên đoán cái gì có thể xảy đến để chuẩn bị sẵn phương án thay thế nếu nó thật sự đến. "Thực sự kỹ năng này là kỹ năng mình rất biết ơn cả quãng đường khởi nghiệp gian khó phải tự xoay xở những năm tháng đầu đời và đặc biệt là khoảng thời gian làm việc tại Mckinsey", chị Hà Linh chia sẻ.
"Mỗi ngày mình luôn tự hỏi, là một trợ lí, mình sẽ làm gì để có ích cho team? Việc team ăn kịp, bay kịp, họp kịp, đi chơi vui… đó là khi nhiệm vụ của mình hoàn thành tốt, cảm nhận được giá trị của mình đóng góp cho tập thể. Chứ không phải mình tự băn khoăn hoài nghi về giá trị của bản thân là gì? Khi mà trình độ đại học, đang đi làm chủ một trung tâm tiếng Anh lúc bấy giờ, lại đi bưng bê, photocopy, dọn bàn ăn, đi mua phở về cho sếp kịp ăn trước lúc họp,….", chị Hà Linh nói.
Theo chị, nếu không có vị trí trợ lý như vậy thì các sếp không thể hoàn thành được những việc to lớn hơn. Cũng nhờ trải nghiệm công việc trợ lý này, chị Hà Linh có thể ở những resort 6 sao, ở những căn biệt thự giá mấy nghìn đô mỗi đêm từ rất sớm.
Và trong khi cả team đang phải họp, thì chỉ có chân "trợ lí" mới có thời gian mà tận hưởng những giây phút thảnh thơi ngắm nhìn quan sát resort khi mà tất cả team đang vẫn phải họp bàn chiến lược, phải lăn lê team building, họp đến tận đêm khuya, mình thì được ăn đúng bữa, ăn ngon, ngủ đủ, dạo chơi trên bãi biển, chụp ảnh sống ảo.
"Chia sẻ những điều này, mình không có ý rằng mình tài giỏi hay gì vì những công việc đó không đòi hỏi bạn phải quá xuất sắc, và có chứ mình vẫn có lúc hoang mang, hoài nghi về giá trị của bản thân và cảm thấy mỗi ngày mở mắt ra mình vẫn làm những việc thế thì giá trị sống ở đâu? Mình có phải đang là 1 con robot kiếm tiền không?
Nhưng mình chỉ cho phép bản thân chìm trong sự suy nghĩ đó một chốc nhát thôi, vì thực sự 5 phút sau mình đã tự set chế độ quay về với thực tại, yêu thực tại, yêu tiền, yêu công việc vì mình hơn ai hết hiểu rằng khi bạn đủ yêu tiền yêu việc, mọi điều tốt đẹp hơn nữa sẽ đến với bạn một cách mà bạn không thể ngờ đến. Là thất bại hay không? Có giá trị hay không? Đều do cách bạn nhìn nhận và đánh giá nó", chị Hà Linh nhấn mạnh.
Ảnh: NVCC