KTS Trần Anh Tùng: Không phải cứ đắp nhiều đồ nội thất đắt tiền, nhãn mác xa xỉ là sang trọng và đẳng cấp

“Có những lỗi có thể tránh khỏi khi dạn dày kinh nghiệm, nhưng có những lỗi bất khả kháng thì đành chịu, cố gắng tìm biện pháp để xử lý”, KTS Trần Anh Tùng chia sẻ.

Vừa làm kiến trúc sư, vừa là nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng MXH - nghe có vẻ không mấy liên quan nhưng tất cả lại hội tụ ở KTS Trần Anh Tùng. Vốn tự nhận mình là một người "cực đoan", "không hề có lý luận", KTS Trần Anh Tùng nhận được rất nhiều quan tâm qua những đoạn clip chia sẻ quan điểm cá nhân về kiến trúc, nội thất,...

Khen có, chê có, thậm chí là cả tranh cãi bởi những góc nhìn mà nam KTS đưa ra. Thế nhưng nghệ thuật là vậy, sáng tạo là vậy, luôn không có đúng - sai mà sẽ là điều khiến nhiều người phải bàn luận.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn bày tỏ sự ấn tượng với hành trình trong nghề của KTS Trần Anh Tùng. Khẳng định làm KTS không giàu nhưng mang lại thu nhập ổn định cho cuộc sống, được làm những công trình biệt thự xa hoa, hoành tráng và quan trọng hơn là được thỏa niềm đam mê của bản thân là những gì khiến anh bám trụ với công việc này.

KTS

TRẦN ANH TÙNG

  • Nickname: Tùng Râu

  • Sinh năm 1993

  • Tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc Hà Nội

  • Founder công ty Modulor Design

  • Một số công trình tiêu biểu: Biệt thự Majestic Villa Thanh Hóa, HTCL Apartment, Biệt thự Quảng An,...


Làm việc với giới thượng lưu nhưng luôn giữ khoảng cách nhất định

Tuổi 30 với 10 năm kinh nghiệm trong nghề KTS và có được mối quan hệ với giới thượng lưu, thu nhập tốt,... anh đã phải trải qua một hành trình như thế nào?

Mình cũng chưa có thành tựu gì quá nổi bật đâu, chỉ may mắn được tiếp xúc với tệp khách hàng là những người vừa có tiền, giàu kiến thức. Công trình của mình chủ yếu chỉ từ 1000m2 trở xuống và tập trung vào nhà ở. Mình cũng không dám chắc đó có được gọi là “mối quan hệ” với giới thượng lưu hay không, mình chủ yếu chỉ làm đúng công việc, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài phạm vi đó, mình luôn giữ khoảng cách nhất định.

Thu nhập có thể nói đủ sống và tốt so với mặt bằng chung chứ không quá dư dả. Mình tập trung phát triển sự nghiệp, trải nghiệm và kinh nghiệm, uy tín cá nhân trong khoảng thời gian đầu của nên tiêu tốn cũng nhiều.

Bản thân mình học việc từ khá sớm, từ năm 3 Đại học đã có cơ hội tiếp xúc với công việc ở văn phòng của thầy giáo. Vì còn non nớt, hạn chế nhiều nên mình dường như làm việc quên giờ giấc để nâng cao tay nghề. Đến khi tốt nghiệp và chuẩn bị lập gia đình, mình quyết định dừng công việc ở văn phòng của thầy giáo và thử sức ở một vài môi trường mới. Song, không phù hợp nên tự mở văn phòng riêng.

Đó là chuỗi ngày loay hoay với đủ mọi thứ, thời gian hoàn toàn dành cho công việc và nghiên cứu, tìm hướng đi để phát triển sự nghiệp, bỏ bê cả đam mê thể thao. Dần dần công việc của mình phát triển, ổn định hơn và đạt được những thứ mà thú thực là trước giờ mình chưa từng nghĩ tới sẽ đạt được khi chỉ 30 tuổi.

Dù mở công ty riêng nhưng không thấy anh tự quảng bá mình là một CEO hay founder của văn phòng kiến trúc?

Mình tốn 3 triệu để đăng ký kinh doanh và có danh xưng giám đốc nhưng thú thực tên công ty khó nhớ quá nên mình thường không sử dụng.

Giống nhiều người, thời kỳ bùng nổ khởi nghiệp, mình cũng mơ mộng về công ty tự vận hành, làm CEO,... Mình còn đăng ký khóa học về quản trị doanh nghiệp để có thể xây dựng công ty tốt nhất. Song, mình tự thấy bản thân sẽ là 1 CEO rất kém. Nên mình quay trở lại là KTS, NTK nội thất chuyên tâm. Làm việc với 1 văn phòng giống như 1 cửa tiệm may bespoke suit nho nhỏ ở Savile Row, nơi mà ông chủ cửa hàng là người hiểu rõ nhất về sản phẩm, làm với sự say mê mà không quá tham vọng phải làm điều gì vĩ đại cho quá nhiều người, cứ cặm cụi may những bộ suit đẹp đẽ cho khách hàng tìm tới mà thôi.

KTS Trần Anh Tùng: Không phải cứ đắp nhiều đồ nội thất đắt tiền, nhãn mác xa xỉ là sang trọng và đẳng cấp - Ảnh 2.

Kiến trúc là nghề nghiệp thiên về sáng tạo và thẩm mỹ, đồng nghĩa sẽ không có quan điểm đúng sai và dễ gây tranh cãi. Lý do nào khiến 1 KTS lại quyết định làm nhà sáng tạo nội dung trên MXH?

Trước khi có khái niệm nghề sáng tạo nội dung, mình đã thường chia sẻ các quan điểm thiết kế cá nhân. Đến năm 2018, vì áp lực tìm kiếm khách hàng, lại không có kinh phí, mình làm kênh YouTube chuyên chia sẻ kinh nghiệm đến với tệp khách là người có nhu cầu xây nhà và làm nhà. Khi đó cũng có thành công nhất định nhưng mình lại nghỉ vì làm YouTube khá mất thời gian, không thể cáng đáng trọn vẹn. Cho đến cuối năm 2022, mình thử làm nội dung trên TikTok và bắt đầu viral hơn.

Điểm cộng là mình được biết đến nhiều hơn. Một số bạn trẻ cũng làm nghề có tâm sự thì mình truyền được cảm hứng làm nghề 1 cách say mê cho các bạn, vậy là mình thấy đã thành công.

Điểm trừ có lẽ là tốn khá nhiều chi phí để đầu tư như máy ảnh, micro,.. mà lại không kiếm được thu nhập từ đó. Ngoài ra, mình bị nhận ra nhiều hơn, nhiều khi bối rối không biết cư xử thế nào cho phải phép, vì trước giờ mình khá là thoải mái với người thân quen nhưng khép kín với phần còn lại.

“Cực kỳ cực đoan”, “một KTS không hề có lý luận” là những cụm từ anh tự mô tả chính mình. Phải chăng anh là người cá tính mạnh, thích đi ngược quan điểm đám đông và đó cũng là cách để KTS “tạo nét”?

Những cụm từ trên mô tả 1 phần tính cách của mình. Mình là người lý tưởng hóa gần như tất cả mọi thứ 1 cách khá cực đoan, nhưng lại thiên về logic và hành động nhiều hơn. Có rất nhiều tình huống xử lý thiết kế, để đảm bảo tính cân đối hoặc theo 1 “quy chuẩn”nào đó mình đặt ra, mình phải tốn rất nhiều công sức tư duy, đôi khi phải thay đổi cả 1 phương án.

Còn câu ”không hề có lý luận” thì tính mình thích nhả nhớt và đùa cợt. Và thực sự, mình cũng không thích lý luận trong kiến trúc. Vì 1 công trình đẹp và tiện dụng thì bản thân nó phải logic, không thể cứ vin vào tư tưởng thiết kế hay những ngôn từ cao siêu để thiết kế công trình được.

Mình ngông từ trước khi làm KTS, còn việc “tạo nét”, mình coi đó là cách giới thiệu bản thân với người khác, một cách rõ ràng, nhất là khách hàng. Nếu ai hợp thì sẽ quý, còn ai không hợp thì thôi. Đó cũng là 1 cách mình tiết kiệm thời gian.

KTS Trần Anh Tùng: Không phải cứ đắp nhiều đồ nội thất đắt tiền, nhãn mác xa xỉ là sang trọng và đẳng cấp - Ảnh 3.

Nhiều người nói KTS Tùng Râu “ngoa”, điều này có gây ra những trường hợp “bất ổn” nào với khách hàng không?

Mình có cách dùng câu từ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các tác phẩm văn học trào phúng, cộng thêm tính thẳng thắn nên những trường hợp không ổn thì mình sẽ nói ngay, trực diện, không lòng vòng. Với khách hàng mình mình vẫn lịch sự, lễ phép và đúng mực.

Mình đồng hành với khách hàng trong suốt thời gian thiết kế, xây nhà và làm nội thất, nên cũng muốn mọi người biết tính cách của bản thân. Mình quan niệm, thà không làm từ đầu con hơn khi làm việc nảy sinh bất đồng. Vì trong quá trình xử lý công việc, nhất là nhà ở, có rất nhiều luồng ý kiến, mình phải ở giữa để cân đối và đôi khi phải quyết liệt để bảo toàn thời gian, công sức và tâm sức của mình lẫn khách hàng. Tất nhiên phiên bản ngoài đời thực sẽ khác, mình từ tốn, nhẹ nhàng nhưng cương quyết.

KTS Trần Anh Tùng: Không phải cứ đắp nhiều đồ nội thất đắt tiền, nhãn mác xa xỉ là sang trọng và đẳng cấp - Ảnh 4.

Làm gì cũng sẽ có lỗi, kể cả là làm penthouse

Anh từng công khai phí thiết kế và bị nhận xét “ngáo giá”. Anh có thể giải thích rõ hơn về mức giá này bao gồm những công đoạn gì?

Đó là mức phí cơ bản của bên mình, lấy để làm tham chiếu cho khách hàng. Chi phí thiết kế ngoài thị trường vô cùng đa dạng, được cấu thành từ nhiều yếu tố. Cũng có những đơn vị phí thiết kế còn cao hơn bên mình nhiều, gấp đôi thậm chí gấp 5-7 lần.

Mức phí thiết kế của mình bao gồm cả việc tư vấn - thiết kế và đồng hành cùng khách hàng trong suốt quá trình thiết kế và thi công. Để miêu tả dễ hiểu, nó gần giống như 1 người bạn có nghề, công tâm, muốn mang tới cho chủ nhà những gì tốt nhất phù hợp với kinh tế của họ.

Định giá quá cao có phải cách để “lọc” khách hàng, anh chỉ hướng đến những dự án lớn hoặc tệp khách thượng lưu?

Mức giá này chưa phải quá cao và khách hàng của mình cũng không hoàn toàn nằm trong giới thượng lưu. Nếu tính chi phí dành cho thiết kế đối với các khách hàng của mình sẽ nằm trong khoảng 10% tổng đầu tư công trình (trở xuống). Có nhiều khách hàng của mình rất giản dị, nhưng muốn xây 1 ngôi nhà thực sự ưng ý từng chút một, hoặc là thấy mình hợp gu nên liên hệ với mình.

Như mình đã nói, giá được cấu thành từ nhiều yếu tố, và mức giá mà mình đưa ra là mức giá đủ để mình chuyên tâm vào công việc, 1 cách công tâm.

Tuy nhiên sang trọng và đẳng cấp có phải cứ đắp thật nhiều đồ đắt tiền vào nhà?

Nhận định này vừa đúng, vừa không đúng.

Đúng là những người sang trọng và đẳng cấp thì có nhu cầu tự nhiên phải dùng những đồ thật tốt, với dịch vụ thật xịn. Nhưng nếu ngoài yếu tố nhãn mác và tiền nong ra không còn gì cả, thì không thể gọi là sang trọng và đẳng cấp được. Gọi là nhà của người nhiều tiền thì được.

Dù vậy không tránh được khi những công trình biệt thự, penthouse trong quá trình sử dụng gặp tình trạng dột nước mưa, tường nứt,...? Lỗi này thường đến từ đâu và cách khắc phục như thế nào?

Đã làm thì kiểu gì cũng có lỗi. Trong ngành của mình, ai tự vỗ ngực nói rằng tôi hoàn hảo, tôi chưa từng dính lỗi, là nói xạo. Có những lỗi có thể tránh khỏi khi dạn dày kinh nghiệm, nhưng có những lỗi bất khả kháng thì đành chịu, cố gắng tìm biện pháp để xử lý.

Làm nhà, điều mà mình cùng anh em thi công lo ngại và quan tâm nhất là chống thấm, dột. Đặc điểm khí hậu ở miền Bắc Việt Nam khá khắc nghiệt nên công trình cũng có nhiều nguy cơ bị thấm hơn. Thậm chí xử lý tốt nhà mình nhưng có nhiều khi nhà hàng xóm lại ngấm nước sang. Khi đã bị thấm dột, cách khắc phục là tìm ra nguyên nhân, các vấn đề hiện hữu và tìm giải pháp sửa. Phòng hơn chống, những phần nào mình có thể tính toán trước thì nên làm tốt, để xảy ra rồi thì xử lý rất mất thời gian và công sức.

KTS Trần Anh Tùng: Không phải cứ đắp nhiều đồ nội thất đắt tiền, nhãn mác xa xỉ là sang trọng và đẳng cấp - Ảnh 9.

Hiện tại với những người không trong ngành, họ thường biết đến xu hướng thiết kế Less Is More hay Minimalism là chủ yếu và cho rằng phong cách tân cổ điển có phần “sến”. Anh nghĩ sao về nhận định này, có hiểu nhầm nào về mặt kiến trúc không?

Với người không trong ngành, mình hoàn toàn hiểu và thông cảm với họ khi mối quan tâm của họ không phải là phong cách này, nguyên lý kia rồi tư tưởng thiết kế, hay là tính thẩm mỹ cá nhân.

Còn nói riêng về Less is more hay Minimalism hay bất kỳ 1 trường phái nghệ thuật - kiến trúc nào cũng đều có 1 câu chuyện và bối cảnh hình thành. Nhưng mình nghĩ không nên quá hà khắc về phong cách, miễn là người sống trong không gian đó phù hợp với tinh thần mà không gian đó mang lại. Mình làm tân cổ điển nhiều, nhưng mình cũng làm hiện đại nhiều, và mình thấy phong cách nào cũng có vẻ đẹp riêng, miễn là phải làm “tới” hoặc ít nhất là làm sạch nước cản. Phong cách không xấu, vẽ và làm nhà xấu mới xấu.

KTS Trần Anh Tùng: Không phải cứ đắp nhiều đồ nội thất đắt tiền, nhãn mác xa xỉ là sang trọng và đẳng cấp - Ảnh 10.

Làm nhiều nhà biệt thự, phong cách tân cổ điển nên anh thường bị so sánh với 1 NTK khác. Trong giới KTS, sự so sánh giữa công trình này với công trình khác, KTS này với NTK khác có phải điều tối kỵ?

Trong giới KTS, cũng hay so sánh các công trình với phong cách giống nhau, hay người này với người khác. Mình nghĩ, đó không phải điều tối kỵ, chỉ là nếu bạn cũng đang làm nghề, thì nên dành thời gian cho hoàn thiện bản thân nhiều hơn là trở thành khán giả để đi so sánh.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

KTS Trần Anh Tùng: Không phải cứ đắp nhiều đồ nội thất đắt tiền, nhãn mác xa xỉ là sang trọng và đẳng cấp - Ảnh 11.