Hình ảnh hộp cơm trưa với “background” là bàn phím và màn hình máy tính đã quá quen thuộc với dân văn phòng. Và hẳn trong số những độc giả ở đây, không ít người thường xuyên ăn tại bàn làm việc, thậm chí có người tay trái cầm đũa, tay phải vẫn đang di chuột.
Thực ra, với nhiều công ty, điều này chẳng to tát gì, miễn sao nhân viên của họ làm việc hiệu quả là được. Nhưng có một vài nơi lại rất khắt khe về môi trường làm việc cũng như giờ nghỉ ngơi của nhân viên.
Tòa nhà lập quy định chung về bữa trưa
Lê Thị Nga đang làm tại một công ty đa quốc gia ở Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) tiết lộ: “Tòa nhà công ty mình thông báo rõ ràng nhân viên tuyệt đối không được ăn tại bàn làm việc. Kể cả bạn mua đồ ở căng tin, đặt bên ngoài hay tự nấu mang đi, đều không được châm chước bởi là quy định chung.”
“Thường thì cứ 12 giờ trưa là mình và các đồng nghiệp sẽ 'tạm dứt' công việc và cùng nhau di chuyển xuống nhà ăn. Vào mùa hè, sau khi ăn xong, các nhóm sẽ rủ nhau đi đánh cầu lông hay dạo quanh công viên gần đó chờ tới giờ làm chiều, nhưng mùa đông thì chúng mình chủ yếu sẽ đi ngủ thôi”, nữ nhân viên cho biết.
Nhưng đã có giải pháp vẹn toàn
Nếu chỉ nghe qua chia sẻ phía trên kia, có lẽ một vài người đã bắt đầu suy diễn rằng công ty này hẳn phải “bắt chẹt” nhân viên lắm đây, riêng khoản ăn uống đã khó rồi. Thế nhưng, “một nửa của sự thật không phải sự thật”, đưa ra quy định, nhưng cũng có giải pháp kèm theo.
“Tòa nhà mình làm việc đã dành không gian riêng cho nhu cầu ăn uống của nhân viên. Tổ hợp này bao gồm một nhà ăn chính và một nhà ăn phụ”.
“Khu vực căng tin phục vụ cơm với mỗi suất có giá từ 15 đến 20 tệ (khoảng 52.000 - 70.000 đồng). Số tiền này sẽ do nhân viên tự chi trả, tùy theo nhu cầu ăn uống của mỗi người." Đương nhiên, đồ ăn nấu cho tập thể thì chỉ được ở mức khá nên Nga tự chấm cho đầu bếp công ty 7/10 điểm chất lượng.
“Một điểm cộng là thực đơn đều được thay đổi liên tục, có thời điểm, mình để ý cả một tuần các món ăn chính không hề trùng nhau. Nhưng sẽ chủ yếu là các ẩm thực đặc trưng của Trung Quốc như vịt quay, gà xào, rau xào… Và mình thích nhất món đậu phụ Tứ Xuyên, ai ăn cay được chắc cũng mê mẩn như mình”.
Không chỉ phục vụ những ai gọi đồ ở căng tin, công ty này cũng tạo điều kiện tốt nhất đối với các nhân viên tự chuẩn bị đồ ăn cho mình vào bữa trưa. Bởi thế mà, khu vực ăn uống dành cho người mang cơm bên ngoài vào đã được sắp xếp và trang bị đầy đủ tiện nghi.
“Bạn nào mang đồ ăn đến sẽ để ở trong hai chiếc tủ giữ lạnh cỡ bự. Còn có một dãy lò vi sóng để hâm thức ăn, vì số lượng lớn nên mọi người cứ xếp hàng tuần tự để dùng chứ cũng không phải chen lấn xô đẩy gì cả. Ngoài ra, cũng có luôn khu vực thùng rác và rửa chén bát, hộp cơm”, Nga kể.
Trà chiều cố định 1 tuần/lần
Làm việc trong môi trường công ty đa quốc gia, Nga và các đồng nghiệp cũng được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc trên thế giới. Trong đó không thể không kể tới bữa trà chiều hằng tuần. Nhưng sẽ không phải kiểu uống trà truyền thống như của Trung Quốc mà ở công ty này là sự kết hợp giữa bữa xế của người bản địa và “tiệc trà” sang chảnh như người Anh.
“Trong một tuần làm việc chúng mình sẽ có một buổi trà chiều, nhưng tổ chức thứ mấy thì công ty sẽ thông báo vào đầu tuần”.
“Có hôm là đồ ăn mặn, hôm ăn ngọt như trà sữa và các loại bánh ngọt. Ngoài ra, còn được cung cấp miễn phí những đồ ăn vặt như bánh kẹo, snack hay nước có ga. Nếu mùa hè, chúng mình còn có bữa tiệc kem nữa” , Nga chia sẻ.
Chi phí khi sinh sống ở Thành Đô
Thành Đô một trong những thành phố lớn - trung tâm giao thông vận tải và giao thương quan trọng bậc nhất Trung Quốc, do đó, cuộc sống và công việc những người ở đây cũng có những điểm riêng.
Nga kể: “Mình thuê căn hộ mini cách công ty 10km, ở một mình, với mức giá tính ra tiền Việt sẽ vào tầm 10 triệu đồng. Phương tiện di chuyển hằng ngày của mình chủ yếu bằng tàu điện ngầm. Mỗi lần đi lại từ nhà tới công ty, rồi lại từ công ty về nhà, mình sẽ tốn khoảng 45 phút với 2 lần chuyển tuyến”.
“Làm ở mảng marketing, lại trong công ty đa quốc gia nên có nhiều lúc hơn 1 giờ đêm vẫn còn thức để trao đổi với các đối tác, bởi sự khác biệt về múi giờ. Cũng có rất nhiều dự án đưa ra gấp nhưng lại đòi hỏi phải hoàn thành kịp tiến độ và KPI, nên không tránh khỏi áp lực”, Nga chia sẻ.
Sau 2 năm bước chân vào cuộc sống công sở ở Thành Đô, mặc dù cũng có những khó khăn nhất định, song nữ nhân viên người Việt thừa nhận cô nhận được nhiều hơn mất:
“Tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Tứ Xuyên vào năm 2020, mình đã quyết định ở lại làm việc bởi nơi đây đa phần là những công ty có liên quan đến ngành học của mình. Và hơn hết, mình được tích lũy kinh nghiệm trong môi trường quốc tế, được học hỏi thêm nhiều từ các đồng nghiệp. Cơ hội này không phải ai cũng có nên mình rất trân trọng”.
“Mình cũng đã nhận được một số lời mời làm việc đến từ các công ty ở thành phố Thượng Hải, Bắc Kinh hay Thâm Quyến… Tuy nhiên, mình chưa có ý định thay đổi và sẽ cân nhắc kỹ hơn khi họ đáp ứng được tiêu chí làm việc và phù hợp với sự nghiệp sau này”, chia sẻ của chủ nhân kênh Youtube Nana in China.
Ảnh: Nana in China