Mới đây, nhân dịp 8/3, tập talkshow đặc biệt Here To Hear đồng hành cùng PNJ và Google đã chính thức lên sóng với sự góp mặt của 3 khách mời nữ: Chị Hà Lâm Tú Quỳnh (Giám đốc Truyền thông Google Châu Á - Thái Bình Dương, phụ trách Việt Nam); Chị Trần Thu Hà (mẹ Xu Sim) - Nhà báo và tác giả của 3 cuốn sách nổi tiếng; Chị Chu Thanh Trang - Quản lý cao cấp Chiến lược thương hiệu PNJ.
3 khách mời cùng MC Tuyền Tăng đã cùng trò chuyện, đưa ra những quan điểm, góc nhìn và trải nghiệm của cá nhân xoay quanh “Mỹ quyền”. Bên cạnh đó đại diện Google cũng cung cấp những thông tin thú vị và đầy bất ngờ về các xu hướng tìm kiếm về những chủ đề liên quan đến phụ nữ tại Việt Nam.
Mỹ quyền không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài
Trong tưởng tượng của rất nhiều người, nữ quyền đồng nghĩa là ghét đàn ông và không nữ tính. Hoạt động nhiều trên MXH, chị Trần Thu Hà cho biết từng gặp không ít những bài đăng thể hiện sự mạnh mẽ như: không cần đàn ông, không vào bếp, không cần mặc áo ngực,... Tuy nhiên đây được gọi chung là “nữ quyền độc hại” - cố rũ bỏ những thiên tính nữ, gồng mình làm những việc của đàn ông.
Cũng chính những định kiến này khiến việc phụ nữ ăn mặc bánh bèo, điệu đà hoặc ngược lại là những phụ nữ không thích trưng diện cho bản thân và dành nhiều thời gian chăm lo cho chồng con đều bị xem là không biết nữ quyền. Thực tế, nữ quyền đơn giản là quyền bình đẳng, quyền tự do và quyền làm chủ bản thân của phái nữ. Còn mỹ quyền là một trong những quyền cơ bản vốn dĩ của nữ quyền.
Khi MC Tuyền Tăng nhắc đến từ “bánh bèo”, chị Tú Quỳnh cho hay cụm từ này thường hay được gắn thêm với “vô dụng”. Tuy nhiên cách nói vậy vô tình tạo nên một cái nhìn khác, làm rào cản với những người phụ nữ muốn làm đẹp. Giống như việc con gái mặc định phải tóc dài, không được để tóc ngắn. Chị Tú Quỳnh và chị Thanh Trang đều cho rằng, kiểu tóc không thể định hình tính nữ của ai đó mà chỉ đơn giản là cách thể hiện bản thân.
Chị Hà Lâm Tú Quỳnh - Giám đốc truyền thông Google châu Á - Thái Bình Dương phụ trách Việt Nam
Có rất nhiều định kiến xung quanh vẻ đẹp. Ngay cả mỹ quyền - quyền làm đẹp của mỗi người cũng khác nhau. Chị Quỳnh cho rằng không phải ai cũng có nhu cầu đẹp mọi lúc mọi nơi. Do vậy mỹ quyền là quyền tự do làm đẹp, tự do lựa chọn của mỗi người nhưng cái đẹp phải được nhìn nhận đúng tình huống, đúng ngữ cảnh, đẹp cho mình và cho xã hội mới là nét đẹp thật sự.
Chị Trần Thu Hà - Tác giả sách, nhà báo
Đối với chị Trần Thu Hà, mỹ quyền lại được nhìn nhận thêm ở một khía cạnh khác: “Mỹ quyền với mình không phải một bộ quần áo đẹp hay trang điểm đẹp mà là sống đẹp. Tức là một tư duy hay một trái tim đẹp thì mọi lúc mọi nơi mình đều có điều đó”. Và mỹ quyền không giới hạn độ tuổi, dù 5, 10, 20 hay 60 tuổi thì ai cũng có quyền tự lựa chọn được đẹp theo cách mà mình mong muốn.
Tặng hoa ngày lễ vô tình “đóng khung” phụ nữ, đâu phải ai cũng thích hoa hồng và chờ được nhận quà?
Nhân dịp 8/3, MC Tuyền Tăng đưa ra cho 3 khách mời về chủ đề quà tặng cho những người phụ nữ.
Chị Chu Thanh Trang - Quản lý cao cấp Chiến lược thương hiệu PNJ
Chị Trang cho rằng, không thể đánh đồng tất cả những người phụ nữ với nhau và ngày 8/3 không phải chỉ để “đòi quà”. Bởi tinh thần ngày 8/3 nằm ở việc phụ nữ biết được quyền hoặc nhận thấy quyền làm đẹp, mỹ quyền của chính mình. Họ có thể tự do lựa chọn, tặng quà để tôn vinh bản thân chứ không chỉ là chờ nhận quà từ ai khác.
Còn với chị Quỳnh, chị chia sẻ bản thân cảm thấy không thoải mái khi năm nào các công ty cũng cho nhân viên nam tặng hoa hồng cho đồng nghiệp nữ. Bởi điều này tạo thành điều lệ rập khuôn, khiến nhiều người nghĩ rằng phụ nữ chỉ thích tặng hoa trong khi họ có nhiều mong muốn, sở thích khác.
Nói thêm về điều này, chị Tú Quỳnh cho rằng thay vì chờ xã hội thay đổi, bản thân mỗi người phụ nữ phải là người thay đổi; và thay vì tìm kiếm theo chuẩn mực xã hội mong đợi, bản thân mỗi người hãy bắt đầu tìm kiếm những điều khiến họ thể hiện tự tin bản sắc của mình, trở nên dũng cảm, mạnh mẽ, thông minh, độc lập để từ đó có thể tự tạo hạnh phúc cho chính bản thân mình - đây cũng chính là thông điệp mà chiến dịch #Searchforchange của Google mong muốn truyền tải đến mọi người phụ nữ ở Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Và cũng trong chiến dịch này, Google chia sẻ một số dữ liệu thú vị cho thấy xu hướng tìm kiếm về các vấn đề liên quan đến phụ nữ đang dần thay đổi, những tìm kiếm này có xu hướng tập trung nhiều vào cá nhân hơn thay vì các quy chuẩn xã hội như ngày xưa. Cụ thể, các chủ đề tìm kiếm như giáo dục, phụ nữ và đầu tư, vẻ đẹp và sức khỏe thể chất hoặc thậm chí là vai trò giới tính ghi nhận lượt tìm kiếm tăng trưởng đáng kể tại Việt Nam. Các cụm tìm kiếm "giáo dục dành cho nữ" hay "định kiến giới", "bình đẳng giới" đạt mức cao nhất từ trước đến nay trong năm 2022.
Ngoài ra, cả 3 khách mời đều nhận định làm đẹp trước hết phải cho bản thân, sau đó mới là dành cho những người yêu thương. Ngay cả khi người phụ nữ làm công việc nội trợ, chăm con cũng có quyền chọn ăn mặc, làm đẹp theo sở thích. Không nên bị đóng khung là mẹ, là vợ hay chỉ ở nhà thì không được trang điểm.
Tuy nhiên, nếu bản thân họ chọn sự bình dị thì vẫn nên được tôn trọng vì đó là ý thích cá nhân. Những người phụ nữ ấy không nên bị phát xét hay đo lường dựa trên thước đo “đẹp để giữ chồng”. Đúng rằng chúng ta có quyền lựa chọn làm đẹp vì ai, vì bất kỳ lý do gì nhưng đừng trao quyền quyết định vẻ đẹp của mình vào tay người khác.
Bởi mỹ quyền vốn không có và cũng không cần khuôn mẫu, mỗi người phụ nữ đều có những nét đẹp riêng, những cá tính riêng, những suy nghĩ và giá trị cốt lõi riêng, có quyền làm đẹp riêng. Trong cuộc sống hàng ngày, họ cũng có những trải nghiệm riêng, những vất vả khó nhọc riêng.
Vậy nên những cô gái xinh đẹp à! Hãy thấu hiểu bản thân, gạt bỏ sang một bên những định kiến xã hội để tự tin thể hiện mình, làm đẹp cho bản thân không chỉ vẻ bề ngoài mà còn là tri thức, tâm hồn và tỏa sáng theo cách riêng mà không cần theo bất kỳ thước đo chuẩn mực nào hay chịu tác động trước bất kỳ biến động nào của ngoại cảnh nhé!