Trên Zhihu có một câu hỏi như này: "Bạn nghĩ thói quen cao cấp giữa con người với con người với nhau là gì?". Thật ra đó chỉ gói gọn trong 2 từ chân thành.
George Washington từng nói: "Mặc dù sự chân thành không phải là vũ khí nhưng nó có thể quét sạch mọi khó khăn trở ngại".
Rousseau cũng nói rằng sự chân thành là bất khả chiến bại.
2 từ "chân thành" tưởng chừng đơn giản nhưng sức mạnh của nó là vô song.
Sự chân thành tiết kiệm rắc rối
Trong cuộc sống, chúng ta đều sợ rắc rối. Một số rắc rối không phải do mọi thứ khó khăn mà do thiếu chân thành từ chúng ta.
Một người yêu cầu bạn phải làm điều gì đó nhưng bạn không thể làm được. Vì sĩ diện bản thân, bạn đành gật đầu đồng ý. Kết quả là sau đó, bạn phải vất vả nhờ mọi người xung quanh giúp đỡ và kết nối. Bạn phải đứng ra gánh vác, lo liệu mọi thứ.
Những rắc rối kiểu như vậy đều do người khác mang đến cho bạn. Nhưng thực tế do bạn không chân thành với chính bản thân mình và với họ, vì sĩ diện mà chịu khổ, cuối cùng chuốc lấy phiền phức.
Nếu ngay từ đầu bạn đã có tấm lòng chân thành và làm mọi việc theo khả năng của mình thì sau này sẽ không rơi vào tình huống oái ăm, chịu áp lực từ nhiều phía.
Nhà tâm lý học Wu Zhihong cho biết: "So với những phẩm chất khác, sự chân thành đôi khi có thể ngăn chặn nhiều điều xấu ngay từ khi nó còn là trứng nước".
Đối mặt với chính mình và người khác một cách chân thành, làm những gì bạn có thể và đừng cố gắng thể hiện nếu bạn không có khả năng. Bằng cách này, bạn có thể cắt đứt gốc rễ của những rắc rối, sống một cuộc đời hạnh phúc và thư thái.
Sự chân thành tạo nên thái độ được tôn trọng
Shen Congwen, 26 tuổi, được một trường đại học mời về giảng dạy.
Vào thời điểm đó, do mới ra trường nên anh còn nhút nhát, dè dặt. Hơn nữa, kiến thức của anh cũng chưa sâu rộng bằng những đồng nghiệp lâu năm.
Lần đầu đứng trên bục giảng, phía dưới rất nhiều sinh viên, Shen Congwen không khỏi lo lắng, sợ sệt. Anh đứng hình trong khoảng 10 phút, không nói được một lời nào.
Sau đó trong giờ giảng, anh hồi hộp, vội vàng hoàn thành nội dung bài trong ít phút ngắn ngủi. Vì thế, nội dung bài giảng còn nhiều thiếu sót. Trong lớp vang lên những tiếng xì xào bàn tán, thậm chí có sinh viên còn buông lời trêu ghẹo, mỉa mai.
Lấy hết bình tĩnh, Shen Congwen cầm phấn trắng viết lên bảng một dòng chữ ngay ngắn: "Hôm nay là tiết dạy đầu tiên trong đời tôi nên tôi không giấu nổi sự lo lắng". Cả lớp lặng đi, không còn nghe thấy những lời chế giễu nữa. Các sinh viên đứng dậy chào anh, vỗ tay nồng nhiệt và dành cho anh nụ cười động viên.
Sự chân thành là cơ sở để nhận được sự tin tưởng và tôn trọng từ người khác. Chỉ khi bạn chân thành với người khác, họ mới mở lòng với bạn và sẵn sàng xây dựng mối quan hệ sâu sắc với bạn.
Kể từ đó, các tiết giảng dạy của Shen Congwen đều diễn ra thuận lợi. Các em sinh viên đều chăm chú nghe giảng. Một phần họ bị thu hút bởi kiến thức sâu rộng của anh, một phần vì kính nể sự thật thà, khiêm tốn của anh.
Có một câu nói như thế này: "Sự chân thành sẽ không làm tổn thương người khác, cũng không làm người khác thất vọng. Chỉ có sự mập mờ, đen tối mới khiến người khác tổn thương". Sự chân thành là cầu nối vững chắc nhất giữa con người với nhau.
Sự chân thành có thể mang lại hiệu quả cao trong mọi việc
Nhà kinh doanh Yang Tianzhen đã viết trong cuốn sách: "Hãy nghiêm túc với bản thân" như sau: "Nếu bạn hỏi tôi điều gì là quan trọng nhất trong giao tiếp? Tôi sẽ đưa ra câu trả lời rõ ràng: Sự chân thành, không một thứ nào khác có thể thay thế. Sự chân thành là cách giải quyết vấn đề nhanh nhất".
Chỉ khi mọi người đối xử chân thành với nhau thì mọi việc mới trở nên đơn giản hơn, hiệu quả công việc được nâng cao. Sự chân thành là cách hiệu quả nhất trong giao tiếp và trong công việc. Đó chính là đường truyền tải thông tin ngắn nhất, chính xác nhất.
Nếu bạn không chân thành ngay từ đầu thì mọi nỗ lực của bạn giống như việc xây tháp trên cát. Sớm muộn gì cũng phải phá bỏ và làm lại từ đầu.
Chân thành có thể thúc đẩy sự cố gắng
Có 2 thanh niên được một thầy dạy lái xe. Nhiều lúc vị thầy bị đẩy vào thế nóng vội, giận quá mắng nặng lời 2 thanh niên. Thậm chí, nhiều khi vị thầy còn mắng học viên là "kém thông minh", "thiểu năng".
Nghe vậy, 2 học viên không hề tự ái, xấu hổ mà còn chân thành bày tỏ: "Đúng vậy, em có phần không được thông minh, nhanh nhạy. Nhưng chỉ cần thầy dành nhiều thời gian hướng dẫn, em sẽ nỗ lực và tiến bộ".
Không có gì xấu hổ khi bạn thừa nhận mình ngốc nghếch, thiếu hiểu biết. Thực ra, thừa nhận mình sai, mình chưa hiểu chính là bước đầu cho sự hiểu biết.
Chỉ bằng cách thừa nhận, chúng ta mới học được phép khiêm tốn và ý chí nghị lực vượt qua khó khăn. Đây cũng chính là cách giúp chúng ta tồn tại được trong môi trường đầy biến động.
Nhà tâm lý học Caroline Drucker trong một bài giảng đã khuyến khích sinh viên: "Chỉ khi chân thành đối mặt với những sai sót của bản thân, chúng ta mới có thể thực sự trưởng thành và không ngừng hoàn thiện".
Chân thành giúp chúng ta có thể sống thẳng thắn
Bi Shumin đã nói trong cuốn sách "Hạnh phúc vừa phải" như sau: "Sự chân thành so với đạo đức giả có thể chịu được bài kiểm tra của thời gian và sự giám sát".
Cô ấy nói rằng bản thân hiếm khi nói dối trong cuộc sống. Bởi vì nói dối, bạn cần nhiều lời mỹ miều để che đậy khiến chính bạn cảm thấy mệt mỏi. Người gian dối luôn ẩn chứa lo lắng trong lòng, không thể hành xử ngay thẳng, cả đời sống trong sợ hãi.
Chỉ những người chân thành mới có lương tâm trong sáng và sống một cuộc đời thẳng thắn, thực tế.
Theo một nghiên cứu tâm lý: "Một nguyên nhân quan trọng khiến con người mắc bệnh tâm thần là đắm chìm trong sự không thành thật trong thời gian dài.
Sự lừa dối bản thân dẫn đến việc tích tụ cảm giác tội lỗi và sự méo mó sâu bên trong tâm hồn. Do đó những gì bạn nhìn thấy và suy nghĩ thường không khớp với sự thật khách quan. Và bạn không thể là con người thật của mình".
Sự chân thành là chiếc ô tốt nhất cho tâm hồn. Chỉ một người chân thành mới có thể tự chủ và sống một cuộc sống chất lượng cao.
Trong thời đại này, nhiều lề thói và cám dỗ lẫn nhau, chúng ta đã làm việc rất cố gắng rồi, đừng tự chuốc thêm phiền toái cho mình. Chân thành là liều thuốc của cuộc sống. Và không thành thật là gốc rễ cho mọi tai hoạ.
Không có con đường dẫn đến sự chân thành, sự chân thành chính là con đường. Bởi sự chân thành có thể giúp chúng ta giảm bớt rắc rối, được mọi người tôn trọng, mang lại hiệu quả công việc cao, thúc đẩy bản thân phát triển.