13 dấu hiệu nhận biết chứng trầm cảm sau sinh

Có nhiều trường hợp người mẹ bị trầm cảm sau sinh nhưng lại cho rằng đây chỉ là chút bất ổn trong tâm lý, không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu không được nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh thì việc điều trị sẽ có thể trở nên khó khăn hơn.

Trầm cảm sau sinh xảy ra phổ biến nhất là trong 3 tuần đầu tiên sau khi sinh. Trên thực tế, một vài dấu hiệu của bệnh có thể nhận biết từ khá sớm. Phụ nữ có dấu hiệu sau sẽ cần nghĩ ngay tới việc đang có khả năng mắc trầm cảm sau sinh:

1. Hội chứng Baby Blues không thuyên giảm

- Hội chứng Baby Blues có thể xảy ra  sau khi sinh từ 1-3 ngày. Nó có thể kéo dài từ 10 ngày đến vài tuần. Nếu mẹ mắc phải hội chứng này thì cảm xúc và tâm trạng sẽ thay đổi thất thường. Mẹ có thể khóc lóc, ủ rũ nhưng có thể cười ngay sau đó. 

- Vì có sự tương đồng với trầm cảm sau sinh nên có rất nhiều người nhầm lẫn. Đa phần nếu tâm lý của mẹ bị ảnh hưởng bởi hội chứng Baby Blues thì có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Thường thì tâm trạng của người mẹ sẽ hơi ủ rũ trong 2 tuần đầu sau sinh. Chị em sẽ cảm thấy tốt hơn sau đó. Tuy nhiên, nếu mẹ vẫn còn buồn hoặc tuyệt vọng trong nhiều tuần sau nữa thì có thể mẹ đã bị trầm cảm sau sinh.       

2. Suy nhược cơ thể

Sau khi sinh con, rất nhiều bà mẹ có cảm giác đau khổ, vô vọng. Thậm chí có thể vô cớ khóc lóc cả ngày và tự cảm thấy bị những người xung quanh bỏ rơi. Những cảm xúc tiêu cực này sẽ làm cho mẹ bầu không thiết tha tới việc chăm sóc bản thân nên có thể sẽ làm cho cơ thể bị suy nhược. Dần dần sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. 

3. Gặp căng thẳng nghiêm trọng

Khi bị trầm cảm, người mẹ thường có cảm giác căng thẳng. Bất kỳ một nguyên nhân nào trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể làm nỗi buồn của mẹ trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ như việc mâu thuẫn với chồng hoặc các thành viên trong gia đình khi không được giúp đỡ chăm sóc em bé. Lúc này, mẹ khó có thể thư giãn được. Loại căng thẳng này cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh và không thể giải quyết bằng thuốc an thần.  

13 dau hieu nhan biet chung tram cam sau sinh - 1

Khi bị trầm cảm, mẹ sẽ có những cảm xúc căng thẳng rất nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

4. Có cảm giác ám ảnh, lo lắng

Trầm cảm sau sinh có thể khiến người phụ nữ cảm thấy ám ảnh, lo lắng về một vấn đề nào đó. Một vài người mẹ sẽ luôn luôn trong tình trạng lo lắng mình không phải là một người mẹ tốt mặc dù con không bị ốm, sinh non hay gặp bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe. Có trường hợp người phụ nữ lại cảm thấy sợ hãi, ám ảnh, có cảm giác mình là mối nguy hại đối với những người thân trong gia đình. Những nỗi lo sợ, ám ảnh này thường là triệu chứng của bệnh trầm cảm. 

5. Mất tập trung

Nếu rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh, người phụ nữ sẽ trở nên xao nhãng. Khi thực hiện các hoạt động như xem tivi, đọc sách, trò chuyện rất khó có thể tập trung. Đối với nhiều người thì trí nhớ còn bị suy giảm, cảm thấy mọi điều trong cuộc sống đều thật tồi tệ. 

6. Thay đổi về giấc ngủ

Mặc dù, khi có em bé thì giấc ngủ của người mẹ ít nhiều cũng có sự xáo trộn. Tuy nhiên, nếu có những dấu hiệu sau đây thì có thể mẹ đã bị trầm cảm sau sinh:

- Khi con đang ngủ cũng không thể nghỉ ngơi.

- Bất cứ lúc nào cũng trong tình trạng ngủ.

- Thao thức đến gần sáng hoặc mất ngủ trắng đêm.

- Gặp ác mộng khi ngủ và không thể ngủ lại được.

7. Mất hứng thú tình dục 

Điều này có thể xảy ra với bà mẹ bị trầm cảm sau sinh và kéo dài trong một thời gian. Vì thế rất cần sự chia sẻ, cảm thông từ phía người chồng. Trong trường hợp này, người chồng cần an ủi, động viên, vỗ về để người vợ có cảm giác được yêu thương, trân trọng.

8. Gặp khó khăn khi đưa ra quyết định 

Sau khi sinh, có thể người mẹ sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Thế nhưng nếu chị em khó có thể đưa ra quyết định đối với một số việc như: có nên rời giường hay không; đi tắm hay thay tã cho bé thì cũng có thể là dấu hiệu sớm của chứng trầm cảm sau sinh. 

9. Không còn hứng thú với những điều mình thích

Một dấu hiệu rất đáng lo ngại là khi người mẹ không còn cảm thấy hứng thú với những sở thích trước đây cũng mình nữa. Đây là lúc mà chị em cần phải đến gặp bác sĩ để trao đổi về những thay đổi trong tâm trạng và thói quen của bản thân. 

10. Ăn uống không điều độ

Sau khi sinh, chế độ ăn uống cân bằng, khoa học của người mẹ là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp mẹ phục hồi sức khỏe cũng như có lượng sữa dồi dào cho bé. Thế nhưng khi bị trầm cảm, mẹ sẽ ăn rất ít, không muốn ăn. Có trường hợp lại ăn rất nhiều, mất kiểm soát. Điều này sẽ gây ảnh hưởng khá nhiều tới việc sinh hoạt và sức khỏe của mẹ.

11. Xuất hiện suy nghĩ về việc làm hại bản thân và con 

Việc mẹ có những ý nghĩ về việc tự tử, làm tổn thương chính mình hoặc em bé thì đó chính là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh. Nặng hơn đó có thể đó là rối loạn tâm thần sau sinh. Khi đã có ý nghĩ tự tử hoặc khủng hoảng nghiêm trọng thì chị em cần có sự trợ giúp từ các chuyên gia.  

13 dau hieu nhan biet chung tram cam sau sinh - 3

Một trong những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh là mẹ xuất hiện suy nghĩ về việc làm hại bản thân và con. (Ảnh minh họa)

12. Ngại tiếp xúc, nói chuyện

Một trong những dấu hiệu hết sức rõ ràng của bệnh trầm cảm sau sinh là mẹ ngại tiếp xúc hay nói chuyện với người khác, dần dần xa lánh người thân, bạn bè. Thậm chí nhiều người phụ nữ còn không muốn gần gũi với con. Tình trạng này sẽ làm nặng nề thêm cảm giác bị cô lập, thiếu sự đồng cảm của mẹ.

13. Tâm trạng thay đổi thất thường

Hầu hết, sau khi sinh con xong, tâm trạng người mẹ sẽ có những thay đổi nhất định, đặc biệt là trong 2 tuần đầu sau khi sinh. Mẹ có thể cười rồi lại khóc ngay được. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này kéo dài nhiều hơn 2 tuần và có diễn biến ngày một nghiêm trọng hơn thì rất có thể là trầm cảm sau sinh. 

Trầm cảm sau sinh nếu được phát hiện sớm thì sẽ thuận lợi hơn trong việc điều trị. Vì thế, khi mẹ có dấu hiệu của trầm cảm sau sinh thì có thể đến bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

Trầm cảm sau sinh phát hiện thế nào, có chữa được không?
Theo Hường Cao (T/h) (thoidaiplus.giadinh.net.vn)