Trẻ con quả thực nuôi dạy không dễ, ở nhà với bố mẹ thì không sao chứ hễ đến tuổi đi học, ra ngoài là phụ huynh lại lo đến sốt vó. Sợ con gặp chuyện gì bất trắc nên mỗi ngày đều quan sát mọi hành vi, biểu cảm của đứa trẻ, nhất là khi con từ trường về nhà.
Con gái tôi năm nay chính thức bước vào lớp 2. Con được nhận xét là một đứa trẻ tình cảm và thân thiện, hẳn cũng vì như thế nên ở lớp thầy cô hay bạn bè cũng đều yêu mến cả. Thấy vậy, tôi cũng yên tâm hơn phần nào vì con hòa nhập tốt ở “ngôi nhà thứ 2” này.
Thế nhưng rồi suốt hơn 1 tuần nay, tôi bỗng nhận ra con bé có tâm sự gì đó nhưng chưa kể với mẹ. Ngày nào đi học về con cũng ra sau hè rất lâu. Hành vi lạ lùng, mờ ám này của con khiến tôi không khỏi lo lắng. Trong suy nghĩ, tôi còn đoán già đoán non là có thể đứa trẻ đã bị ai đó bắt nạt. Và rồi một lần lén đi theo con, tôi điếng người khi thấy bé đang ngồi nói chuyện, lẩm bẩm điều gì đó với một chậu cây.
Ảnh minh hoạ
Tiến lại gần để nghe rõ hơn thì lúc này tôi càng thất kinh khi biết được sự thật rằng, chậu cây đó do một bạn học thân thiết của con bé ở trong lớp tặng cho nó. Tuy nhiên, hiện tại người bạn này đã “qua thế giới bên” kia vì mắc bệnh hiểm nghèo không cứu chữa được. Ở lớp, con và cô bạn quá cố có mối quan hệ khá thân thiết.
Sự ra đi đột ngột của người bạn dường như cũng là một cú sốc khó chữa lành của con gái tôi. Chậu cây là kỷ vật mà trước khi mất, người bạn ấy đã tặng cho con gái. Hoá ra, mỗi ngày sau khi đi học về, con đều ra sau vườn để tưới nước cho chậu cây. Đứa trẻ xem đó như sự hiện thân của bạn mình, rồi luyên thuyên tâm sự với cái cây về những gì xảy ra suốt 1 ngày ở lớp học.
Tôi không biết ở độ tuổi còn nhỏ như thế, con nhận thức ra sao về “cái chết”, thế nhưng khi nghe con nói: “mình nhớ bạn, không có bạn ở lớp mình thật sự chả muốn đi học tí nào, nhưng mình sẽ cố gắng không buồn nữa nên bạn đừng lo nha, phải thật mạnh khoẻ ở thế giới mới nhé”, thì tôi không thể nào kìm nén được cảm xúc của mình.
Ảnh minh hoạ
Mới lớp 2 thôi nhưng thứ tình cảm bạn bè của tụi nhỏ dành cho nhau thật đáng để những người lớn như tôi đây học tập. Sự mất mát là thứ cảm xúc rất khó chữa lành, tôi chỉ hy vọng con gái sẽ không vì chuyện này mà suy sụp tinh thần. Nhưng nếu chẳng may tình huống đó xảy ra, có lẽ tôi cần dạy cho con hiểu hơn về sự sống và cái chết, tiểu học cũng được xem là độ tuổi phù hợp để dạy về vấn đề này rồi, bố mẹ nhỉ…
Tâm sự từ độc gia moclinh…@gmail.com
Dù là con người hay động vật thì quy luật "có sinh, có diệt" là không thể tránh khỏi. Vậy nên trẻ ở từng độ tuổi khác nhau, việc bố mẹ giáo dục về cái chết cho con cần được áp dụng phù hợp. Nếu không trẻ sẽ rất dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng về mặt tinh thần, tổn thương tâm lý khi đối diện với điều này.
Ngược lại, khi được bố mẹ giáo dục cẩn thận, trẻ có thể tránh được những cú sốc khi đối diện với các nỗi buồn trong cuộc sống, học cách chấp nhận và tự chữa lành chính bản thân để có thể sống vui vẻ và tích cực mỗi ngày.
Đối với trẻ nhỏ, từ 3 đến 5 tuổi, trẻ thường chưa hiểu rõ khái niệm cái chết. Ở độ tuổi này, cách truyền đạt thông tin nên nhẹ nhàng và đơn giản. Cha mẹ có thể sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, ví dụ như nói rằng "Ông/bà không còn ở đây nữa" mà không cần đi sâu vào chi tiết. Thay vào đó, hãy tập trung vào cảm xúc và cách thể hiện tình cảm thương nhớ về người đã mất.
Khi trẻ bước vào độ tuổi tiểu học, từ 6 đến 12 tuổi, trẻ bắt đầu có khả năng tư duy trừu tượng và hiểu rõ hơn về cái chết. Đây là thời điểm thích hợp để chia sẻ những khái niệm phức tạp hơn, như sự vĩnh hằng và chu kỳ của sự sống. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ đặt câu hỏi và thể hiện cảm xúc của mình, đồng thời giúp trẻ hiểu rằng cái chết là một phần tự nhiên của cuộc sống.
Đối với thanh thiếu niên, từ 13 tuổi trở lên, trẻ đã có khả năng suy nghĩ sâu sắc hơn về sự sống, cái chết, và ý nghĩa của cuộc sống. Bố mẹ có thể thảo luận một cách thẳng thắn về chủ đề này, bao gồm cả các khía cạnh triết lý và tâm lý. Việc khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động tưởng niệm hoặc tình nguyện giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh khó khăn cũng là một cách giáo dục ý nghĩa.