Hành trình mang thai 9 tháng 10 ngày không phải là điều dễ dàng, trong suốt thời gian này mẹ bầu phải chịu đựng biết bao nhiêu khổ cực. Tuy nhiên, mang thai không chỉ là việc của mẹ bầu, mỗi hành động, lời nói của người chồng cũng có tác động rất lớn tới tâm trạng của người mẹ, thậm chí là sự phát triển của thai nhi.
Dưới đây là 5 điều người chồng không được làm khi vợ mang thai kẻo ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi:
1. Trách mắng mẹ bầu
Mẹ bầu hay cáu gắt, khóc lóc có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. (Ảnh minh họa)
Khi mang thai, tính khí của người phụ nữ có thể xấu đi, dễ cáu gắt, rất nhạy cảm và dễ xúc động,... Vào thời điểm này, điều mà bà bầu cần nhất là sự bao dung và chăm sóc của người chồng. Vì vậy, người chồng không nên mất bình tĩnh mà trách mắng, gắt gỏng với vợ trong quá trình mang thai chỉ vì những vấn đề nhỏ nhặt.
Nếu mẹ hay cáu gắt, khóc lóc trong thai kỳ thì rất dễ ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý và hệ thần kinh của thai nhi. Những đứa trẻ sau khi được sinh ra dễ bị tăng động, tự ti, rối loạn hành vi, thậm chí là chậm nói. Để trở thành một ông bố tốt, người chồng nên thường xuyên nhắc nhở bản thân để tránh mất bình tĩnh mà trách mắng mẹ bầu.
2. Hút thuốc lá trước mặt mẹ bầu
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe của bản thân người hút và khói thuốc còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Trong 3 tháng đầu, mẹ bầu hít phải khói thuốc lá có thể khiến thai nhi chậm phát triển, tăng khả năng bị dị tật bẩm sinh và làm tăng nguy cơ sảy thai của mẹ. Vì vậy, khi vợ mang thai, người chồng bỏ được thuốc lá là tốt nhất và tuyệt đối không hút thuốc trước mặt vợ khi không thể kiểm soát được cơn thèm của mình.
3. Nghiện chơi game, bỏ qua cảm xúc của mẹ bầu
Khi vợ mang thai, những ông bố tương lai không nên suốt ngày cắm mặt vào máy tính, điện thoại để chơi game. (Ảnh minh họa)
Phụ nữ mang thai tâm trạng thường không ổn định, dễ lo lắng và đặc biệt cần sự đồng hành, chăm sóc của người chồng nhiều hơn. Vào thời điểm này, các ông bố tương lai không thể nghiện chơi game, điện thoại mà bỏ qua cảm xúc của người vợ.
Mặc dù thai nhi đang nằm trong bụng mẹ nhưng lại là đứa con chung của hai vợ chồng. Nếu chồng chăm sóc vợ chu đáo, thường xuyên trò chuyện với vợ và đứa con chưa chào đời thì chắc chắn tâm trạng của mẹ bầu sẽ rất thoải mái và vui vẻ, có lợi cho sự phát triển của thai nhi.
4. Không giúp đỡ mẹ bầu làm việc nhà
Trên thực tế, các cặp vợ chồng cần phải chia sẻ việc nhà với nhau và khi vợ mang thai, chồng cần giúp đỡ vợ nhiều hơn. Những việc như mang vác vật nặng, dọn chất thải vật nuôi hay những việc cần trèo, tiếp xúc với hóa chất,... thì chồng nên giúp vợ vì những công việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại cho sự phát triển của thai nhi.
5. Ham muốn tình dục
Nếu mẹ bầu không muốn làm "chuyện ấy", các ông chồng chớ gượng ép vì khi mang thai người mẹ đã phải chịu đựng rất nhiều sự khó chịu về thể chất. (Ảnh minh họa)
Khi mang thai, nhiều người phụ nữ sẽ suy giảm ham muốn tình dục do gặp khó chịu về thể chất. Có lẽ các cặp đôi chỉ sinh hoạt vợ chồng được 1-2 lần cho đến khi ham muốn tình dục của phụ nữ mang thai trở lại vào đầu tam cá nguyệt thứ 2.
Trong 3 tháng giữa thai kỳ, bạn có thể được vợ “chiều” nhiệt tình trong chuyện chăn gối. Tuy nhiên, các cặp đôi nên làm “chuyện ấy” nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng tới thai nhi. Ngược lại, Nếu mẹ bầu không muốn, người chồng chớ nên ích kỷ mà ép buộc vợ khiến họ khó chịu.