34 tuổi mới được làm mẹ còn ông xã 41 tuổi mới được làm bố nên khoảnh khắc chào đón thiên thần nhí mới đây khiến chị Hiền và anh Rémy Chazotte không thể nào quên.
Tổ ấm nhỏ của chị Hiền.
Kiêng luôn 1 năm "chuyện ấy" để giữ con
Sau gần 3 năm sang Pháp, hiện nay chị Hiền đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc bên ông xã Rémy Chazotte và thiên thần nhí đầu lòng mới chào đời cách đây không lâu. Chia sẻ về câu chuyện của mình, chị Hiền cho biết, chị sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Ông xã chị làm công việc văn phòng chuyên về hồ sơ xuất nhập hàng hóa tại cảng. Cả 2 quen nhau qua một người bạn chung giới thiệu vào đầu năm 2017. Người này làm cùng với cơ quan ông xã ở Pháp và giúp chị rất nhiều trong việc dịch thuật thời gian đầu chị chưa biết nói tiếng Pháp.
Sau khi tìm hiểu gần 1 năm, anh chị quyết định kết hôn và về chung một nhà vào cuối năm 2017. Chị theo chồng sang Pháp vào đầu tháng 1/2018. Tuy nhiên phải hơn 1 năm sau vợ chồng chị mới nhận tin vui có em bé đầu lòng. Đến bây giờ, chị vẫn nhớ như in khoảnh khắc khi tỉnh dậy vào lúc 3h sáng thử thai, mắt nhắm mắt mở nhìn que thử thai 2 vạch và ngồi thụp xuống đất không tin vào mắt mình. Còn ông xã chị khi biết vợ có thai mừng khôn xiết bởi cuối cùng bao mong ngóng của 2 vợ chồng đã trở thành hiện thực.
“Lúc có thai ông xã mình 40 tuổi rồi, mình cũng ngoài 30 nên cả 2 rất mong ngóng. Đến tận bây giờ ông xã mình vẫn giữ que thử thai để làm kỷ niệm”, chị Hiền nhớ lại.
Chị mang bầu khi ngoài 30 tuổi nên khá lo lắng.
Mang thai ngoài 30, ở độ tuổi khá lớn nên chị Hiền khá lo lắng về tình hình con. May mắn chị không bị nghén ngẩm nhiều, ăn được nên em bé trong bụng phát triển khá tốt. Đồng thời chị uống vitamin bác sĩ kê, uống sữa tươi và ăn bánh ngọt mỗi sáng, ăn nhiều hoa quả, rau xanh, các loại ngũ cốc, hạt bổ sung dưỡng chất cho thai nhi nên vào con mà không vào mẹ nhiều.
“Quá trình mang thai mình cũng thèm đồ ăn Việt nên hay nhờ người nhà mua giúp đồ Việt rồi tự nấu ở nhà ăn vì chồng mình cũng rất thích đồ ăn Việt. Mình không ăn cơm nhiều vì nhiều tinh bột, mình ăn được tất cả các loại đồ ăn từ thịt trứng tôm cá, hải sản nên quá trình mang thai tăng 13kg”, chị Hiền cho hay.
2 vợ chồng mang bầu ở độ tuổi khá muộn nên từ khi nhận tin vui chị cẩn thận kiêng luôn “chuyện ấy”. Ông xã hiểu và sợ ảnh hưởng đến con nên cũng đồng ý với chị. Mãi đến sau sinh được hơn 3 tháng vợ chồng chị mới bắt đầu lại. “Từ lúc bầu xong mình cũng không có nhiều cảm giác cho chuyện đó. Sau sinh 3 tháng vợ chồng mình cũng bắt đầu lại nhưng vì con nhỏ nên không được thoải mái như trước nữa”, chị Hiền chia sẻ.
Ông xã thở hồng hộc khi vợ vỡ ối
Theo chị Hiền, dịch vụ khám thai ở Pháp rất tốt, bệnh viện hẹn hàng tháng để kiểm tra định kỳ. Bên cạnh đó có 3 mốc bắt buộc phải kiểm trai khi em bé được 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng. Tuy nhiên mỗi khi gần đến ngày hẹn mọi người đều được y tá gọi điện nhắc nhở để đến đúng hẹn. Sinh con lần đầu nên chị Hiền chọn bệnh viện tư để hưởng dịch vụ tốt hơn. Mặc dù vậy nhưng nhờ có bảo hiểm nên chị không hề phải lo lắng vấn đề chi phí khi sinh.
“Bên này cũng có dịch vụ sinh tuỳ theo nhu cầu, có thể sinh ở nhà hoặc bệnh viện, hoặc sinh dưới nước với 1 phòng riêng biệt thoải mái tiện nghi…. Mình sinh đúng ngày dự sinh nên em bé nặng 3,5 kg. Khi mình vỡ ối ở nhà kêu anh xã mà anh thở hồng hộc vì lo lắng, cuống cuồng hơn cả mình”, chị Hiền cười.
Chị sinh bé ở tuần 41.
Sinh con vào mùa COVID-19 nhưng may mắn ở Pháp vừa bỏ phong tỏa lần 1 nên ông xã chị vẫn được vào phòng sinh cùng. Cả 2 đêm 2 vợ chồng thức trắng, ông xã luôn ngồi bên hỏi han, nắm tay động viên chị. Và khi thấy con lần đầu tiên, được bác sĩ đặt con lên người da kề da, chị đã khóc trong hạnh phúc.
“Bác sĩ an ủi mình bảo ổn rồi không sao cả, còn anh xã xoa đầu mình bảo con đây rồi, tất cả ổn rồi. Sau sinh các bác sĩ rất quan tâm, 1 ngày có không biết bao nhiêu lượt bác sĩ, y tá vào kiểm tra đo huyết áp rồi hướng dẫn cách cho con bú, ngay cả ban đêm cũng được kiểm tra hỏi han thường xuyên, nói chung dịch vụ bên này rất tốt. Sau sinh nhà nước hỗ trợ khoảng 1 ngàn EURO (khoảng 27 triệu), mỗi tháng được gần 200 EURO (khoảng hơn 5 triệu) tiền bỉm sữa cho bé đến năm 3 tuổi”, chị Hiền chia sẻ.
Sau sinh còn yếu chưa nấu ăn ngay được nhưng nhờ mẹ chồng Tây tâm lý, thường xuyên nấu đồ ăn rồi mang hoa quả đến cho chị, ông xã cũng phụ chị dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm nên chị đỡ vất vả phần nào. Đặc biệt ông xã thương, hiểu vất vả của chị khi thức cho con bú, bế con khóc nên dù chị có cáu gắt anh cũng vẫn luôn nhịn, an ủi chị. Nhờ đó, bà mẹ Việt nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau sinh.