Quen anh xã trong một lần sang đất nước Nhật Bản thăm anh trai du học, với chị Ngọc Thành (sinh năm 1987) thì cuộc gặp gỡ đó có lẽ là sự sắp đặt của số phận.
Kể từ lần đầu tiên gặp nhau chị Thành và chồng đã giữ liên lạc, sau 5 năm tìm hiểu không đủ lấp đầy nỗi nhớ và mong muốn được ở bên nhau mãi mãi, anh đã cầu hôn chị, một đám cưới hạnh phúc không lâu sau đó được diễn ra. Hiện tại, chị đang có cuộc sống viên mãn ở đất nước mặt trời mọc, trọn vẹn hơn cả chính là việc được thực hiện thiên chức người phụ nữ mang bầu, đón đứa con đầu lòng chào đời.
Tổ ấm nhỏ của gia đình chị Thành tại đất nước mặt trời mọc.
Chị Ngọc Thành kể, sau 2 năm kết hôn với rất nhiều những lần hụt hẫng vì ngỡ có bầu thì cuối cùng em bé cũng đến với bố mẹ vào một sáng sớm mùa thu dịu dàng. Ba tháng đầu thai kỳ chị ốm nghén rất nặng. Quãng thời gian đó hầu như chị chỉ nằm trên giường vật lộn với cảm giác tưởng như sắp chết khi phải đấu tranh với hàng loạt cơn nôn ói.
Các triệu chứng giảm dần và hết hẳn vào tháng thứ 4. Sau đó là những chuỗi ngày bình yên và tận hưởng cảm giác ngọt ngào khi sắp được làm mẹ trong trạng thái khoẻ mạnh và ổn định.
Theo lời mẹ 8X, ngày mang bầu chị luôn đếm số lần con đạp mỗi giờ để biết rằng bé vẫn ổn, có những lần em bé không quậy chút nào trong nhiều tiếng liền, khiến chị phải khóc lóc tức tưởi đến gặp bác sĩ để được xác nhận rằng con đang ngủ ngoan trong bụng mẹ.
Trải qua một hành trình thai kỳ nhiều kỷ niệm, nhờ có cơ sở khoa học về việc duy trì 1 lối sống lành mạnh nên chị Thành có 1 thai kỳ rất khoẻ mạnh khi tăng 9,5kg.
Nói về chế độ dinh dưỡng thai kỳ của bản thân, chị cho biết, hàng ngày chị uống rất nhiều nước khoáng thiên nhiên, chỉ ăn cơm gạo lứt. Khi thức giấc, việc đầu tiên của chị là uống 500ml nước, sau đó 30 phút sẽ ăn các loại trái cây nhiều enzyme như kiwi, chuối, dâu tây,… 40 phút đến 1 tiếng sau đó sẽ là bữa sáng.
Bữa ăn luôn được bắt đầu với rất nhiều salad rau củ tươi, tiếp theo là cá/hải sản và các món ăn phụ đi kèm. Hạn chế tối đa thịt động vật, đồ chiên xào, đồ uống có ga, đồ ngọt và nói không với đồ ăn nhanh. Thật may mắn nhờ có cơ sở khoa học về việc duy trì 1 lối sống lành mạnh nên chị có 1 thai kỳ rất khoẻ mạnh khi tăng 9,5kg.
Chị Thành sinh em bé ở tuần thứ 40. Dù đã tiêm gây tê màng cứng để sinh thường nhưng tư thế bé không thuận nên buộc phải mổ. “Mình vỡ ối lúc quá nửa đêm và nhập viện lúc 2h sáng, nhưng mãi đến buổi tối cùng ngày, khoảng 18 tiếng sau khi vỡ ối những cơn chuyển dạ mới bắt đầu. Ông xã đã thức trắng đêm ấy bên mình và cầu nguyện cho 2 mẹ con” – mẹ 8X kể.
"Vượt cạn" ở tuần thứ 40, chị Thành cùng gia đình hạnh phúc đón con gái đầu lòng chào đời nặng 3kg.
Đã gần 2 năm kể từ ngày hạ sinh em bé, nhưng chị vẫn nhớ y nguyên từng hành động và cảm xúc trong thời khắc vượt cạn. Theo lời chị, quá trình sinh con diễn ra khá nhanh, chỉ một vài thao tác em bé đã chào đời, nặng 3kg với đôi mắt hé mở và cái miệng xinh không ngừng gào khóc. Chị cũng vỡ oà theo, bác sĩ phụ trách gây tê đứng bên cạnh liên tục lau nước mắt cho chị. Ông xã và 1 y tá còn lại quay video và thu âm tiếng khóc của con. Mọi người đều cười nói rôm rả và chúc mừng gia đình.
Chị Thành cho hay, ở Nhật, mẹ bầu phải quyết định bệnh viện nơi mình sinh con từ khá sớm, để bác sĩ bệnh viện đó thăm khám cho thai phụ trong suốt thai kỳ đến khi sinh nở. Là người nước ngoài, vốn tiếng Nhật lại kém, nên chị đã chọn cho mình một bệnh viện có nhân viên nói được tiếng Anh.
Chia sẻ về trải nghiệm lần mang thai và sinh con ở nước ngoài, chị Ngọc Thành không ngần ngại tiết lộ: “Tại bệnh viện nơi mình chọn để sinh con có rất nhiều dịch vụ hữu ích. Bệnh viện có dịch vụ đưa đón tận tình. Cảm giác đi khám thai và đi đẻ được đưa rước tận cửa bằng Mercedes với lái xe riêng khiến mình có cảm giác thực sự của 1 “thượng đế”. Đến ngày sinh nở, mình không cần mang theo gì vì bệnh viện đã chuẩn bị rất chu đáo cho mọi nhu cầu của bạn và em bé từ cái bông ngoáy tai.
Ngoài ra, họ sẽ thu âm giây phút em bé cất tiếng khóc chào đời cùng lời nhắn nhủ cho con của bố và mẹ để làm thành đĩa CD tặng lại gia đình. Hai vợ chồng đều làm lời nhắn riêng cho con khá dài, được viện lồng ghép nhạc và làm rất xúc động. Mình đã khóc ngay những giây đầu tiên khi bật đĩa nhạc lên nghe. Họ còn làm 1 dây chuyền bằng bạc lồng 1 chiếc nhẫn nhỏ rất dễ thương để tặng bé.
Cuống rốn của bé cũng được đặt trong 1 hộp gỗ rất đẹp để đưa lại cho bố mẹ. Một khung hình lưu lại khoảnh khắc đầu tiên cả gia đình bên nhau cũng được viện chu đáo lưu lại và gửi tặng. Trước khi ra viện bố mẹ còn được tự chọn 1 bộ đồ cho bé được trưng bày ở sảnh, đồ rất đẹp nên việc lựa chọn khá khó khăn” – chị Thành dí dỏm chia sẻ.
Bên cạnh đó sẽ có chuyên gia dinh dưỡng cùng y tá đến tận phòng để tặng tài liệu và tư vấn chế độ ăn giúp mẹ hồi phục tốt sau sinh và có nhiều sữa. Hàng ngày, bệnh viện phục vụ 3 bữa ăn chính và 1 bữa trà chiều được nhân viên đưa đến tận phòng. Chị nói: “Món ăn nào cũng rất ngon miệng và đẹp mắt khiến mình cảm giác như đang dùng bữa tại nhà hàng vậy”.
Sau sinh bệnh viện phục vụ 3 bữa ăn chính và 1 bữa trà chiều được nhân viên đưa đến tận phòng. Đồ ăn ngon khiến chị có cảm giác như đang dùng bữa tại nhà hàng.
Theo lời chị Thành, trong bệnh viện có 1 phòng trang điểm với la liệt các loại mỹ phẩm. Ngày ra viện, chị sẽ được 1 nhân viên trang điểm chuyên nghiệp hỗ trợ làm đẹp, làm tóc thật rạng rỡ, để cùng chụp 1 tấm hình với chồng con và bác sĩ lưu lại kỷ niệm.
Về quà tặng, viện tặng quà rải rác từ khi mang bầu đến khi sinh, đặc biệt trong quá trình nằm viện sau khi sinh hầu như ngày nào y tá cũng mang quà tặng đến phòng mẹ. Thường là đồ dùng cho bé như: Sữa bột, bình sữa, xà phòng giặt dành cho trẻ, kem dưỡng da…
Chưa kể chị còn được trang điểm rạng rỡ để chụp ảnh cùng bác sĩ.
Chưa hết, khi em bé đã 1 tuổi rưỡi, bệnh viện vẫn liên lạc thăm hỏi và gửi lời mời đi dự tiệc Halloween ở 1 khách sạn gần đó. Tại đây, trẻ con được chơi trò chơi, xem ảo thuật, bố mẹ dùng tiệc buffer và bốc thăm trúng thưởng. Có gia đình may mắn nhận được voucher giá trị $500 đi nghỉ dưỡng ở 1 khách sạn gần núi Phú Sĩ. Gia đình chị Thành được tặng $100 mua sắm ở trung tâm thương mại.
Và những món quà mà bệnh viện dành cho em bé.
Tiết lộ về kinh phí sinh con tại xứ sở hoa anh đào, chị Thành cho biết: “Tổng chi phí cho việc sinh nở của mình rơi vào khoảng 220 triệu tiền Việt, trong đó đã bao gồm phí dịch vụ lưu máu cuống rốn cho con trong vòng 10 năm. Vì được chính phủ hỗ trợ 84 triệu và thêm 34 triệu do bảo hiểm chồng mình mua trước đó, nên số tiền thực tế vợ chồng mình phải bỏ ra tầm 100 triệu”.
Những vất vả, gian nan của việc nuôi nấng 1 đứa trẻ là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên nhìn lại hành trình đã qua chị Thành cảm thấy may mắn hơn so với những bà mẹ khác. Nhờ áp dụng những lời khuyên về phương pháp sống lành mạnh của bác sĩ nên hơn 1 năm nay bé không hề đau ốm lần nào.