Chị Trần Thị Lam Khoa (SN 1990) sinh ra và lớn lên ở vùng nôn thôn nghèo khó trong gia đình có 13 anh chị em. Từ nhỏ chị đã luôn phấn đấu để vượt lên số phận của chính mình nhờ câu nói “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”. Năm 2014, chị sang Bỉ du học sau khi giành được suất học bổng học thạc sĩ toàn phần 2 năm rồi về quê hương làm việc và luôn cố gắng để hoàn thiện bản thân nhiều hơn.
Sau này chị có cơ duyên gặp ông xã người Pháp hơn 6 tuổi. Cả hai tự nhận thấy sự đồng điệu về tâm hồn và có cùng lý tưởng sống nên quyết định về chung một nhà để cùng xây dựng mái ấm viên mãn như cả hai hằng ao ước.
Chị Khoa đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc ở trời Âu.
Lần đầu mang bầu ở Pháp phải tự lo liệu hết mọi việc
Ông xã chị Khoa sinh năm 1984 hiện đang làm việc cho một tập đoàn về công nghệ có trụ sở chính ở Paris đồng thời anh cũng tự khởi nghiệp. Còn chị Khoa hiện làm hợp đồng CDI cho một tiệm nail ở trung tâm thương mại gần nhà 4 ngày/tuần. Chị cũng đồng sáng lập của một cửa hàng chuyên bán thiết bị, dụng cụ và thức ăn cá cảnh ở Việt Nam và 1 dự án khởi nghiệp về thương mại điện tử.
Sau khi anh chị đã ổn định về nơi ở, công việc và thời gian chung sống với nhau đủ để quyết định sẽ cùng nhau đi tiếp, anh chị đã lên kế hoạch có em bé luôn. Khi thấy que thử lên 1 vạch đậm và 1 vạch mờ vợ chồng chị đã rất vui, đặc biệt ông xã chị mừng như mẹ đi chợ về.
“Nhận được tin vui có bầu, mình vừa hạnh phúc, vừa nôn nao, vừa lo lắng vì không biết mọi thứ sẽ như thế nào, có như trong tưởng tượng không?”, chị Khoa chia sẻ.
Biết chị mang bầu mọi người cưng như công chúa.
Từ ngày biết chị có bầu, mọi người trong nhà ai cũng xem chị như công chúa, mẹ chồng dù lớn tuổi vẫn xách đồ cho chị, bà luôn dặn ông xã chị chú ý chăm sóc cho bà bầu và không để chị làm gì nặng. Còn ông xã chị tối tối lại xoa xoa bụng tâm sự với con và thơm con. Anh luôn nhường nhịn, dịu dàng, nhẹ nhàng và luôn dành những lời ngọt ngào cho chị.
Tuy nhiên, cấn thai vào đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, bị phong tỏa nên quá trình đi khám thai của chị có rất nhiều trở ngại. Đặc biệt mới sang Pháp nên chị gặp khó khăn về giao tiếp. Mỗi lần đi khám thai ông xã chở đến phòng khám chị phải tự lo liệu hết mọi thứ.
Không chỉ vậy, chị còn gặp khó khăn khi bị tiểu đường thai kỳ. Chính vì vậy chế độ ăn uống luôn phải chú trọng. Chị phải tự kiểm tra đường huyết tại nhà trước và sau khi ăn để cập nhật thông tin lên ứng dụng của bệnh viện. Từ đó, bác sĩ sẽ theo dõi thông tin và có biện pháp can thiệp kịp thời qua ứng dụng.
Cả thai kỳ chị tăng vỏn vẹn 9kg. May mắn trong suốt quá trình mang thai chị không bị nghén, bị hành hay xấu đi mà hoàn toàn ngược lại. Mọi người ai cũng khen chị mang bầu xinh hơn và trông rất hạnh phúc giống như câu “phụ nữ đẹp chưa chắc đã hạnh phúc nhưng phụ nữ hạnh phúc chắc chắn là người xinh đẹp nhất”.
Chị mang bầu được khen xinh hơn.
Con chào đời không giống tưởng tượng
Bé nhà chị Khoa chào đời nặng 3,350kg vào tháng 9/2020. Nhớ lại ngày đi sinh bé của mình, chị Khoa kể, hơn 40 tuần con chưa chịu ra nên bác sĩ khuyên chị nhập viện để kích đẻ vì sợ con lớn quá phải mổ.
Vậy là tối 28/9 chị nhập viện và được bác sĩ cho đặt thuốc. 5h30 sáng hôm sau chị bắt đầu có dấu hiệu đau bụng nhẹ và được tập giảm đau trên quả bóng. Mãi đến chiều tối chị đau chuyển dạ nhiều nên được tiêm giảm đau. Và 7h tối khi mở 10 phân chị được lên bàn đẻ.
“Lên bàn đẻ mình vừa mừng vừa hồi hộp khó tả. Nhìn bụng ai cũng nói con nhỏ mà mẹ rặn muốn hụt hơi luôn. Lần đầu thấy con mình tự hỏi trời ơi con giống ai thế? hoàn toàn không giống như tưởng tượng vì mình mong con sẽ giống bố mắt to, mũi cao. Tuy nhiên con lại giống mẹ nhiều hơn, mắt mí lót, 2 cánh mũi tẹt”, chị Khoa chia sẻ.
Chị sinh thường bé.
Vì chị Khoa có đầy đủ giấy tờ định cư hợp pháp nên được hưởng tất cả những phúc lợi như công dân Pháp. Quá trình khám thai và đi sinh ở bệnh viện hoàn toàn không mất phí. Thuốc, thiết bị y tế cần thiết, máy đo đường huyết, máy hút sữa, thiết bị tập phục hồi sau sinh hoàn toàn miễn phí. Phòng sinh ở bệnh viện tiêu chuẩn như những phòng sinh ở bệnh viện phụ sản tư ở Việt Nam.
Sau sinh chị được chăm sóc sức khỏe và 1 năm có thể ổn định, trở lại công việc.
Sau khi ra viện, nữ hộ sinh còn đến tận nhà để thăm khám sức khỏe cho mẹ và bé. Đồng thời, nữ hộ sinh quan sát, đánh giá chỗ ăn ở xem có đạt tiêu chuẩn về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm,... tuyên truyền về kế hoạch hoá gia đình, văn hoá, cách chăm sóc, giáo dục trẻ em và quyền lợi của mẹ và bé... Sau 3 tháng chị đi tập phục hồi sau sinh (tập cơ sàn chậu) để phục hồi đường âm đạo và xương chậu. Từ 11 tháng, chị đã cho bé đi đi lớp tư nhân và anh chị đã ổn định cũng như trở lại với công việc sau 1 năm sinh con.
Sau sinh ông xã còn mua tặng mẹ con chị một ngôi nhà mới để cả nhà sống thoải mái hơn. Anh cũng lên kế hoạch mua xe hơi mới để gia đình di chuyển thuận lợi an toàn và tiết kiệm, giúp con gái đi du lịch khám phá nhiều hơn.