Đã hơn 1 năm trôi qua nhưng nhớ lại khoảng thời gian mang bầu đi sinh bé Sam, chị Nguyễn Thị Bích Thơm (28 tuổi, Hải Phòng) vẫn ngỡ như vừa mới hôm qua. 26 tuần thai như ngồi trên đống lửa với tiền sử sản khoa nặng nề, có thể mất cả mẹ cả con nếu giữ lại con, chị Thơm buộc phải lên bàn sinh dù biết rằng cơ hội sống của con chắc chỉ là 1/1000.
Mặc dù, bé Sam chào đời chỉ 5 lạng nhưng bé đã kiên trì vượt qua mọi khó khăn để ở lại bên vợ chồng chị. Hiện nay, tuy bé 1 tuổi chỉ bằng trẻ 3 tháng tuổi khi nặng 5,6kg nhưng chị hạnh phúc vì bé nhanh nhẹn, hoạt bát và là một cô bé vô cùng đặc biệt.
Tổ ấm nhỏ hiện tại của chị Thơm.
26 tuần mang thai như ngồi trên đống lửa
Vợ chồng chị Thơm cưới nhau 4 năm, anh chị mới được hưởng niềm hạnh phúc lên chức bố mẹ. Chia sẻ về khoảng thời gian 4 năm đó, chị Thơm trầm ngâm nhớ lại những nỗi đau khi phải 3 lần 4 lượt mất con. Chị Thơm kể, chị có bầu mấy lần nhưng các con đều bỏ vợ chồng chị mà đi, một lần sảy sớm, 2 lần thai lưu khi 8-9 tuần khiến chị đau như đứt từng khúc ruột. Có thời kỳ chị đã suýt trầm cảm vì quá đau buồn, chị tự thu mình lại không tiếp xúc, nói chuyện với bất kỳ ai, kể cả bạn bè, anh em thân thiết. Và đã có lúc chị nghĩ mình chẳng thể còn cơ hội làm mẹ nên đã nghĩ đến việc buông tay để chồng đi tìm hạnh phúc mới.
“Khoảng thời gian ấy, mình rất dễ khóc. Chồng mình và bạn bè đã động viên, nói chuyện rất nhiều để mình bớt nghĩ, nhờ sự quan tâm ấy mình cũng vượt qua được nỗi đau. Mình cũng hay đi chùa thắp hương để nguôi bớt nỗi nhớ con và để tâm được an yên hơn, cầu cho các con siêu thoát”, chị Thơm chia sẻ.
Sau những nỗi đau, bé Sam đến với vợ chồng vô cùng bất ngờ. Chị không nghĩ có thể có con được tự nhiên bởi trước đó đi chụp tử cung vòi trứng, kết quả chị bị thông hạn chế 2 bên, khả năng có thai thấp. Đặc biệt, bác sĩ khuyên chị không nên để có bầu. Tuy nhiên sau niềm vui ấy, vợ chồng chị phải đối diện với nỗi lo khi đi khám chưa có noãn, khả năng không giữ được thai.
“Bác sĩ nói nếu sau 48h beta không tăng gấp đôi thì gần như không giữ được, may sao beta tăng gấp đôi. 6 tuần mình đi kiểm tra có tim thai, hai vợ chồng và cả bác sĩ nhìn nhau vui mừng không tả nổi vì coi như đã qua được cửa đầu tiên”, chị Thơm chia sẻ niềm hạnh phúc của mình.
26 tuần mang bầu chị Thơm như ngồi trên đống lửa.
Vậy là hành trình đầy ắp những mũi tiêm, nước mắt của chị Thơm bắt đầu từ đây. Từ tuần thứ 8-9, chị bị tụ dịch màng nuôi, ra máu nhiều phải tiêm thuốc liều cao. Chưa kể chị bị gen đông máu nên phải tiêm thuốc từ khi biết có thai. Quãng thời gian đó, chị phải đi lại Hà Nội suốt để khám, lấy thuốc. Và hàng ngày chồng chị cứ tự tiêm thuốc kháng đông máu cho chị đến mức bụng thâm tím rỉ máu, mông bị chai tụ cục đau và cứng không nằm nổi do tiêm Progesterone.
Lo lắng chồng chất lo lắng, khi mang bầu 16 tuần, bác sĩ chẩn đoán chị bị động mạch cổ tử cung cao khiến con không hấp thụ được và bị suy dinh dưỡng. Mặc dù vậy nhưng chị vẫn cố ăn, nôn xong chị lại ăn. Tuy nhiên, tuần nào đi khám động mạch cổ tử cung cũng cao đồng nghĩa con không hấp thụ được từ mẹ cứ còi mãi nên chị khá áp lực thời gian đó. Chưa kể 19 tuần chị bị hở eo cổ tử cung suýt sinh non, phải lên Hà Nội khâu eo và nằm treo chân ở nhà giữ thai.
“Mình nghén nhiều nôn ngày 7-8 lần từ khi mới bầu đến gần lúc sinh vẫn nôn, suốt ngày phải ôm chậu để nôn. Dẫu vậy, mình vẫn cố ăn, cứ nôn xong là ăn. Mang thai mình bị sút 5kg”, chị Thơm cho biết.
7 tuần nằm treo chân ở nhà những tưởng con đã ổn nhưng nào ngờ đến hơn 26 tuần, chị Thơm thấy mình tăng cân bất thường, chân mặt phù, hoa mắt, đau đầu, ra phòng khám kiểm tra bị tiền sản giật phải nhập viện tỉnh cấp cứu gấp vì quá nặng, nguy hiểm tính mạng.
Đến bây giờ, nhớ lại khoảng thời gian đó, chị Thơm vẫn chưa hết hoang mang bởi chị được cấp cứu tại Viện phụ sản Hải Phòng nhưng không đáp ứng bất kì thuốc gì, chị nôn và đau đầu không ngừng. Bác sĩ còn lắc đầu “con nhẹ quá có 670g, tiền sử sản khoa nặng nề”. Bác sĩ không dám giữ chị thêm vì sợ không cứu nổi cả mẹ. Nghe đến đây cả gia đình chị chết lặng, chị khóc liên tục vì nghĩ chắc không thể giữ con được nữa.
Vậy là chị được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngay trong đêm hôm đó. Trên đường đi chị vẫn cứ nôn và đau đầu liên tục. Khi ấy chị không sợ chết dù đứng trước ngưỡng cửa sinh tử mà chỉ sợ không thể giữ con thêm nữa. Mặc dù bác sĩ khuyên vợ chồng chị nên mổ sớm để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ nhưng chị không dám mổ vì con còn quá bé. Chị chấp nhận nguy cơ mình có thể tổn thương gan, thận chỉ cần giữ con thêm ngày nào tốt ngày đó.
“Mình lên viện sản TW bác sĩ phải tư vấn tiêm mũi hạ huyết áp khẩn cấp mới hạ được và dần ổn định. Mình giữ con thêm được từ chủ nhật đến thứ 5 thì huyết áp lại lên cao. Trước đó, bác sĩ nhiều lần hội chẩn đề nghị mổ và nói nếu để lâu nguy cơ mất tim thai càng cao, mẹ dễ bị suy thận, gan, vỡ thủng nội tạng,… Tuy nhiên con nhỏ quá mình không dám mổ chỉ mong giữ con được ngày nào hay ngày đó. Mình chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy đến, thậm chí lúc ấy tự nhủ mình chết mà con được sống cũng cam lòng. Nhưng chuyện gì đến vẫn đến, mình chỉ giữ con được thêm 5 ngày.
Đêm ngày 17/5 huyết áp lại tăng cao, bác sĩ lúc ấy không đề nghị nữa mà mắng gia đình mình yêu cầu mổ vì để nữa không thể cứu được mẹ, chứ không nói đến con. Chồng mình phải ký giấy cam kết chịu trách nhiệm với mọi rủi ro có thể diễn ra trong ca mổ, trường hợp xấu nhất là mất cả vợ và con”, chị Thơm nhớ lại.
Bé Sam sinh ở tuần 26 nặng 5 lạng.
Con chào đời chỉ 5 lạng, sinh xong không biết mặt mũi của con
Vì huyết áp cao, chị Thơm được gây mê sâu toàn thân nên khi mổ chị không hay biết gì và cũng không được nhìn thấy con sau sinh. Chị chỉ biết rằng khi vào phòng mổ, dù biết rằng cơ hội sống của con chỉ là 1/1000 hoặc có thể ít hơn rất nhiều nhưng không hiểu sao chị vẫn có một linh cảm mạnh mẽ rằng con sẽ sống. Dù rất sợ sẽ mất con nhưng lúc lên bàn mổ con vẫn đạp trong bụng, lòng chị lại bình yên, chị tin con sẽ ổn.
Được biết, bé Sam nhà chị chào đời chỉ có 5 lạng, chồng chị chỉ kịp nhìn con được 1 giây rồi bác sĩ mang đi nằm lồng kính gấp.
“Mình nằm 6 tiếng trên giường mổ, cổ họng nghẹn đắng vì thuốc mê. Y tá chạy xung quanh nhưng tay chân không thể cử động. Mình muốn giơ tay lên ra dấu hỏi y tá xem con thế nào cũng không được. Đêm đó quá dài với mình, dài như cả năm vậy. Khi trời sáng hết thuốc mê mình mới được về phòng hậu phẫu, câu đầu tiên mình thều thào hỏi chồng “Con sao rồi”. Giọng chồng mình trùng xuống thông báo con được 5 lạng nhưng cố giấu sự nghẹn ngào mà an ủi “con ổn, em yên tâm”.
Người ta sinh con thì vui vẻ còn mình sinh con thì không có con bên cạnh, nhìn người ta vui vẻ bên con nước mắt mình rơi. Ngày ra viện mình cũng không có con về cùng”, chị Thơm rưng rưng.
Sau sinh 1 tháng chị mới được gặp con.
Mổ xong huyết áp của chị Thơm vẫn cao thấp thất thường, đau đầu nên sau khi xuất viện sản chị được chỉ định sang Bạch Mai điều trị tiếp do nghi tim, thận bị ảnh hưởng. Chồng chị phải đi làm kiếm tiền trang trải viện phí nên chị ở viện một mình trông tin con. Mặc dù nhớ con đến xé lòng nhưng chị chẳng biết làm gì hơn ngoài sờ lên cái bụng lép kẹp và lấy mấy tấm ảnh siêu âm lúc bầu để ngắm. Đối với chị, những ngày tháng ấy dài đằng đẵng, đêm nào chị cũng mất ngủ, nằm khóc một mình vì lo cho con.
Bé Sam nhà chị Thơm nằm viện 3 tháng. Đến bây giờ, chị vẫn nhớ mãi lần đầu tiên gặp con sau gần 1 tháng sinh. Nhìn con nhỏ như cây kẹo mút dở, như con mèo nhỏ giữa chằng chịt máy móc, da bọc xương không, nước da xám xịt, chị chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Đó chưa kể, nhìn con phải ăn ké sữa của các bé khác vì mẹ không có sữa lòng chị đau như cắt.
May mắn, bé Sam tiếp nhận mọi điều trị, nghị lực nên vợ chồng chị cũng mừng phần nào. Thấy con mạnh mẽ nên chị cũng tìm mọi cách gọi sữa về cho con từ vài giọt rồi lên đến cả lít. Chị không quản ngại thức đêm hôm kích sữa bởi chị có động lực lớn đó là để con được hưởng những giọt sữa mẹ thơm lành.
“Mỗi lần thăm con, vợ chồng mình đều thì thầm nói với con rằng “Con cố lên”. Chắc con hiểu nên con mạnh mẽ lắm. Mỗi ngày dù chỉ nhìn con 1-2 phút nhưng cũng đủ làm mình vui cả ngày. Tròn 3 tháng xa con, ngày 7/8/2019 vợ chồng mình được thông báo con ra ấp mẹ. Khi ấy con chỉ nặng 1,25kg, mình đón con nhỏ xíu, ẵm con mà còn sợ con đau”, chị Thơm nghẹn ngào.
Hình ảnh bé Sam khi được 6 tháng tuổi được nhận xét "lột xác" xinh xắn hơn nhiều so với lúc mới chào đời.
Một tuần sau, bé Sam xuất viện về phòng dịch vụ với mẹ. Bé về nhà vào ngày 27/8 khi cân nặng được 1,45kg. Những ngày đầu chăm con thực sự là một cuộc chiến với chị Thơm bởi con lười ăn và khóc nhiều. Có những lúc nhìn con mà chị không biết phải làm gì, chị bị stress mất ngủ. Sau này, chị tự trấn an bản thân, thoải mái hơn, bé ăn được tốt hơn. Chị hiểu con muốn gì và mọi thứ trở nên đơn giản hơn.
Hiện nay, bé Sam gần 1 tuổi chỉ nặng hơn 5,6kg bằng trẻ 3 tháng tuổi nhưng chị hạnh phúc, vui mừng biết bao vì con nhanh nhẹn, hoạt bát và là một cô bé vô cùng đặc biệt.
“Con là cô bé mạnh mẽ phi thường, ba mẹ luôn yêu và tin tưởng ở con, mẹ tin sau này con sẽ là một người con gái mạnh mẽ, bản lĩnh và được mọi người yêu thương thật nhiều bởi con là một cô bé rất đặc biệt, từ cách mà con xuất hiện đến cái cách con được sinh ra. Sau này dù cuộc sống có như thế nào, ba mẹ sẽ luôn là nơi ấm áp nhất con có thể tìm về. Yêu con nhiều!”, chị Thơm nhắn nhủ.