Ai cũng cần uống nước nhưng riêng trẻ ở độ tuổi này càng uống nhiều càng nguy hiểm

Nước rất quan trọng với cơ thể nhưng với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi tốt nhất không nên uống nước.

Nước là thành phần quan trọng của cơ thể, mất nước có thể đe dọa tính mạng mọi người, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên không phải với ai nước cũng tốt.

Nhiều cha mẹ không biết rằng trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần uống nước. Thực tế, với trẻ ở độ tuổi này, ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức, bạn không nên cho con ăn bất cứ thứ gì. Nhiều gia đình có thói quen cho bé uống thêm nước để "tráng miệng" sau khi bú hoặc bổ sung nước cho trẻ giữa các cữ bú để bé đỡ khát. Việc này không cần thiết, thậm chí không tốt cho trẻ dưới 6 tháng. 

Ai cũng cần uống nước nhưng riêng trẻ ở độ tuổi này càng uống nhiều càng nguy hiểm - 1

Nhu cầu hydrat hóa của trẻ đều được đáp ứng chủ yếu qua sữa mẹ hoặc sữa công thức. (Ảnh minh họa)

Sữa mẹ hoặc sữa công thức đáp ứng đủ nhu cầu hydrat hóa của trẻ

Trước hết, trẻ sơ sinh không cần bổ sung nước lọc. Deborah Malkoff-Cohen - chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa có bằng Thạc sĩ Dinh dưỡng Lâm sàng tại Đại học New York (Mỹ) cho biết “Tất cả nhu cầu về nước của trẻ đều được đáp ứng thông qua sữa mẹ/sữa công thức, ngay cả trong thời tiết nóng nực mùa hè."

Ngoài ra, nếu cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nhiều nước có thể làm đầy dạ dày, khiến trẻ khó nhận được dinh dưỡng cần thiết. Chuyên gia Malkoff-Cohen cho biết thêm: “Nước không được khuyến khích dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi vì dù chỉ một lượng nhỏ cũng sẽ làm đầy bụng bé và có thể cản trở cơ thể trẻ hấp thụ các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ hoặc sữa công thức”.

Cho quá nhiều nước vào sữa bột dùng cho trẻ cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe

Ai cũng cần uống nước nhưng riêng trẻ ở độ tuổi này càng uống nhiều càng nguy hiểm - 3

Tránh pha quá nhiều nước khi pha sữa cho trẻ. (Ảnh minh họa)

Khi pha sữa công thức với nước nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn trên hộp sữa, tránh pha quá nhiều nước. Nếu cho trẻ sơ sinh uống sữa pha nhiều nước hơn mức cho phép, lâu dần có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc nước, gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.

Theo tạp chí HealthyChildren.org thuộc Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, việc cho trẻ sơ sinh uống thêm nước lọc hoặc pha quá nhiều nước vào sữa cho trẻ uống có thể làm rối loạn cân bằng điện giải, từ đó dẫn tới co giật. Do đó, khi sử dụng sữa công thức, cần pha theo đúng hướng dẫn.

Thận của trẻ sơ sinh không thể xử lý nước cho đến khi trẻ sáu tháng tuổi

Trước 6 tháng tuổi, thận của trẻ còn quá non nớt để lọc nước nên khiến trẻ dễ bị nhiễm độc nước. Nhiễm độc nước khá nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển và khiến trẻ ốm nặng. Tuy nhiên, khi trẻ lớn lên, thận phát triển hoàn thiện hơn sẽ có khả năng lọc nước tốt hơn. Khi được sáu tháng tuổi, cơ thể của trẻ có thể tiêu thụ nước mà không lo bị nhiễm độc. 

Lúc này, cha mẹ có thể cho trẻ uống một lượng nhỏ. Chuyên gia Malkoff-Cohen nói: “Từ 6 đến 12 tháng tuổi, trẻ chỉ cần uống vài ngụm nước để trẻ quen dần với việc này. Đối với trẻ lớn hơn (từ 9 đến 12 tháng), trẻ có thể uống lượng nước nhiều hơn".

Ai cũng cần uống nước nhưng riêng trẻ ở độ tuổi này càng uống nhiều càng nguy hiểm - 4

Trẻ dưới 6 tháng tuổi, thận chưa phát triển hoàn thiện để lọc nước đúng cách. (Ảnh minh họa)

Trẻ bị ốm cũng không nên cho trẻ uống nước

Việc cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước hay nước trái cây khi trẻ ốm cũng không hề có lợi. Vì nước trái cây quá nhiều đường nên nó có thể khiến trẻ ốm hơn. Mặt khác, nước có thể làm đầy dạ dày, khiến trẻ khó hấp thụ chất dinh dưỡng.

Thay vào đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ cách để giúp cân bằng điện giải cho trẻ sơ sinh và tránh mất nước.

Cách nấu trứng cho trẻ có thể gây độc nguy hiểm nhưng đang được các mẹ hưởng ứng rầm rộ
Theo Minh Minh (Dịch từ Insider) (thoidaiplus.giadinh.net.vn)