Amy và Gary O’Keeffe đều là giáo viên, kết hôn 6 năm trước. Cả hai đều thích trẻ con và nóng lòng muốn có một “gia đình nhỏ” của riêng mình. Amy sau đó đã mang thai ngay khi kết thúc tuần trăng mật, song không lâu sau cô bị sảy thai.
“Tôi mang thai khá dễ dàng, sau lần sảy thai đầu tiên vẫn luôn hy vọng sớm có tin vui trở lại, nhưng sau 14 tháng chờ đợi trong vô vọng, kỳ tích đã không xảy ra”, Amy chia sẻ.
Vợ chồng Amy và Gary đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho việc thụ tinh trong ống nghiệm.
Ở độ tuổi ngoài 20, nhẽ ra việc mang thai sẽ dễ dàng hơn, nhưng chờ mãi không có tin vui cùng với tiền sử sảy thai khiến Amy rất lo lắng. Cô cùng chồng quyết định đến phòng khám sinh sản. Sau quá trình thăm khám dài, cả hai vợ chồng đều không nhận được chẩn đoán chính thức nào cả.
Hai vợ chồng quyết định thụ tinh ống nghiệm lần đầu tiên vào năm 2017, sau đó Amy mang thai lần thứ 2 vào tháng 10/2018, lần thứ 3 vào tháng 1/2020, nhưng cả 2 lần đều không thành công.
“Cảm giác thật kinh khủng khi liên tiếp phải trải qua điều tồi tệ. Mỗi lần như vậy, ngọn lửa hy vọng trong tôi lại dập tắt đi một chút”, Amy nói.
Trong suốt 6 năm, Amy và Gary O’Keeffe đã làm thụ tinh trong ống nghiệm đến 9 lần, chi phí lên tới hơn 82.000 bảng Anh (khoảng 2 tỉ VNĐ) và đều thất bại. Để có số tiền làm IVF, cả hai đã phải làm thêm ở bên ngoài, thậm chí họ phải trì hoãn chi tiêu một số khoản khác để trả tiền viện phí.
“Nếu tôi không mang thai ở lần IVF thứ 10, chúng tôi sẽ dừng lại. Tôi và Gary gần như đã chấp nhận rằng mình sẽ không thể có con”, Amy chia sẻ.
Khi Amy phát hiện mang thai thành công, vợ chồng cô và bác sĩ đều bật khóc.
Lần chuyển phôi thứ 10 của Amy vào tháng 11 năm ngoái. Cô được chuyển hai phôi thai nhưng Amy thú nhận lúc đó cũng “không mong đợi gì nhiều”. Một tuần sau khi chuyển phôi, Amy cảm thấy không khoẻ. Cô nghĩ rằng mình bị quá sức sau nhiều lần can thiệp y tế, nhưng vì tò mò cố đã quyết định thử thai và thấy một vạch đậm trên que test.
Lần siêu âm đầu tiên là 5 ngày trước Giáng sinh, hai vợ chồng vô cùng sợ hãi khi nghĩ rằng sắp nhận thêm tin dữ. Nhưng không, khi bác sĩ nói thấy hai em bé, trái tim của Amy như nhảy ra khỏi lồng ngực.
“Cả hai chúng tôi đều khóc và bác sĩ cũng vậy. Tôi đã rất sợ hãi khi nghĩ rằng mình đón tin xấu trước Giáng sinh. Thật bất ngờ, các con đã đến bên tôi”, Amy chia sẻ.
Quá trình mang thai diễn ra suôn sẻ, Amy bầu đến tuần thứ 37 thì chuyển dạ rồi sinh thường. Maisie, 2,2 kg chào đời đêm ngày 22/7 còn anh trai sinh đôi của cô ấy là Jared, 2,4kg ra đời khi bước sang ngày 23/7.
Amy đón cặp song sinh 1 trai, 1 gái sau nhiều vất vả.
"Trước sinh chúng tôi không biết được giới tính của những đứa trẻ, vì vậy khi một bé trai và một bé gái chào đời, niềm vui như nhân đôi. Thật diệu kỳ khi 2 anh em sinh đôi nhưng khác ngày sinh”, Amy nói.
Như vậy, sau 9 lần thất bại hai vợ chồng Amy đã có một kết thúc có hậu. Họ đã bước sang một trang mới của cuộc đời khi gia đình nhỏ đầy đủ 4 người.
Tỉ lệ thành công khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp mà trứng của người vợ được thu tinh với tinh trùng của người chồng trong ống nghiệm. Khi phôi hình thành và phát triển sẽ được chuyển trở lại buồng tử cung của người vợ để làm tổ và phát triển thành thai nhi.
Thụ tinh trong ống nghiệm là một trong những phương pháp được lựa chọn để điều trị hiếm muộn. Tỉ lệ thành công chung khoảng 40%, tỉ lệ này thay đổi tùy thuộc vào tuổi của cặp vợ chồng hiếm muộn và nguyên nhân hiếm muộn.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của hai vợ chồng.
- Không mắc các bệnh đường tình dục.
- Tuổi tác: Tuổi càng trẻ, khả năng thành công càng cao.
- Điều trị sớm.
- Trang thiết bị máy móc, trình độ kỹ thuật kinh nghiệm của bác sĩ.