Dân gian ta có câu “Uốn cây từ thuở còn non. Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”, tất cả đều có nguyên do của nó. Trẻ em khi còn nhỏ có 1 bộ não tốt hoạt động mạnh khỏe và tiếp thu nhanh chóng. Mọi hoạt động hằng ngày của mọi người xung quanh, đặc biệt là của ca mẹ đều được tâm trí của trẻ lưu nhớ kỹ càng và bắt chước làm theo. Vì vậy, để con có thể trở thành những người tốt, biết đối nhân xử thế và được tôn trọng khi lớn lên, các bậc cha mẹ cần có những phương pháp dạy con đúng đắn.
Về vấn đề này, gần đây, một bà mẹ trẻ đã được không ít người khen ngợi nhờ cách dạy con “chuẩn như sách giáo khoa”.
Cụ thể, chị Lý hiện đang sống cùng chồng và cô con gái 5 tuổi. Gia đình chị Lý có 1 thói quen là cứ mỗi cuối tuần, mẹ chồng chị lại đến nhà vừa thăm con cháu, vừa cùng ăn cơm. Chuyện này cứ thế lặp đi lặp lại suốt thời gian qua. Tuy nhiên, trong mắt một đứa bé 5 tuổi như con gái của chị Lý, điều này lại là một điều bất thường.
Một ngày cuối tuần nọ, khi bà nội đến nhà cũng như thường lệ, con gái chị đã không kìm nén được suy nghĩ mà buột miệng hỏi: "Bà ơi, sao bà hay đến nhà cháu ăn cơm nhờ vậy?".
Thấy mẹ chồng có phần khó xử, chị Lý đã nhanh chóng giải thích với con: "Sao con lại nói thế. Nhà của mình cũng là nhà của bà nội. Bà về ăn cơm là chuyện bình thường mà!".
Cách giải quyết vấn đề của chị Lý không chỉ khiến mẹ chồng cảm động mà còn được cộng đồng mạng khen ngợi.
"Câu trả lời của người mẹ rất tốt. Vừa giải đáp thắc mắc của con vừa làm hài lòng mẹ chồng", "Chỉ bằng một câu nói đó thôi, người mẹ đã dạy con phải biết tôn trọng người khác", "Con hỏi khó nhưng mẹ trả lời quá chuẩn!"…
Thực tế, trẻ em không tự nhiên biết cách tôn trọng người khác mà cần phải học được phép tắc này qua thực tế cuộc sống, qua chính những hành động, lời nói của bố mẹ, người lớn xung quanh. Chính vì thế, muốn con biết cách tôn trọng người khác, chính cha mẹ phải là tấm gương về cách ứng xử hàng ngày.
Để xây dựng cho con thói quen thể hiện sự tôn trọng những người xung quanh, cha mẹ có thể tham khảo 5 lời khuyên sau đây:
1. Cư xử chừng mực trước mặt con trẻ
Điều đầu tiên các bậc cha mẹ cần nhớ là trẻ em luôn nắm bắt và lĩnh hội được những gì các con nghe và chứng kiến, dù cho người lớn không nhất thiết phải cầm tay chỉ việc. Như khi người lớn trò chuyện, trẻ vẫn luôn nghe và thấy được cách chuyện trò cũng như cách cư xử của người lớn.
Trẻ em luôn bắt chước. Trẻ luôn mô phỏng và học rất nhanh trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy, cha mẹ hãy luôn cẩn trọng trong cách cư xử cũng như lời ăn tiếng nói trước mặt con trẻ.
2. Dành cho trẻ sự tôn trọng và sự khuyến khích
Trong khi dạy cho con làm thế nào để tôn trọng mọi người, cha mẹ phải dành cho trẻ sự tôn trọng để thúc đẩy chúng học hỏi. Khuyến khích các con học hỏi, điều này sẽ làm cho trẻ tự tin vào bản thân.
Cha mẹ nên dành cho trẻ sự tôn trọng và sự khuyến khích. (Ảnh minh họa)
3. Phụ huynh không nên nói xấu người khác trước mặt con cái
Trong khi dạy con về sự tôn trọng, các bậc phụ huynh phải nhớ rằng đừng bao giờ coi thường hay thiếu tôn trọng những bậc phụ huynh khác. Nếu trẻ em thấy cha/mẹ lại đi nói xấu, hoặc coi thường cha mẹ, đứa trẻ sẽ tự khắc có suy nghĩ hoặc hành động tiêu cực.
4. Lưu ý đến giọng điệu của trẻ
Đôi khi trẻ em vì không kiềm chế được cảm xúc mà trả lời với người lớn không có chừng mực và giọng điệu có phần không lễ phép. Trong trường hợp này người lớn cần cố gắng giảng giải sự tôn trọng cho trẻ, và trẻ phải luôn cần được quan tâm. Lờ đi hành vi này thì dần sẽ trở thành vấn đề rất lớn cho các bậc phụ huynh.
Ảnh minh họa
5. Hãy luôn để ý đến sự lễ phép của con
Các bậc cha mẹ hãy luôn khen ngợi đánh giá cao con cái khi chúng cư xử lễ phép và biết tôn trọng mọi người. Việc làm tốt được biểu dương, khen ngợi kịp thời sẽ là động lực để con có thêm động lực. Đây cũng chính là phần quan trọng của việc giảng dạy sự tôn trọng cho trẻ.