Hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng mục tiêu của việc dạy con biết chia sẻ là để giúp các em hòa nhập với môi trường cộng đồng. Cha mẹ mong muốn con lớn lên trở thành những người hào phóng, biết giúp đỡ, chia sẻ với người khác.
Tuy nhiên, ép con phải chia sẻ những món đồ mình thích không phải cách giúp con nâng cao các kỹ năng xã hội. Ngược lại, điều này vô tình khiến trẻ tổn thương và có những hiểu biết sai lệch về các mối quan hệ, theo Aboluowang.
Ảnh minh hoạ
Những lý do không nên yêu cầu con nhường đồ chơi cho bạn
Margaux Khoury, ở tỉnh New Brunswick, Canada, là nhà văn tự do, CEO công ty hóa chất The Best Deodorant In The World. Cô phân tích những lý do không yêu cầu con nhường đồ chơi cho bạn:
Là phụ huynh, bạn có thể nghĩ rằng nhường nhịn là hành động thể hiện sự hào phóng và con cái chúng ta nên học cách chia sẻ với mọi người xung quanh. Nhưng tôi hy vọng các bạn có thể mở rộng suy nghĩ, dù chỉ trong chốc lát.
Xã hội định nghĩa "đứa trẻ ngoan" là có thể tự chơi một mình, không quấy khóc, ngủ yên vào ban đêm. Khi lớn hơn, các em bé ngoan sẽ chia sẻ đồ chơi với bạn bè, hòa đồng với mọi người, nghe lời và không làm trái ý. Tại sao những đặc điểm này lại trở thành dấu ấn của những đứa trẻ ngoan?
Trước khi yêu cầu con nhường đồ chơi cho bạn, tôi hy vọng phụ huynh có thể dành ra một phút xem xét yêu cầu của mình có thực sự tốt cho con hay không. Các bạn có thể tham khảo sáu lý do dưới đây trước khi ra quyết định.
Đồ chơi đặc biệt
Một số đồ chơi có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với trẻ. Đó có thể là món quà chúng nhận được từ người thân, bạn bè; cũng có thể là món đồ chơi đầu tiên trẻ có được hay phải tham gia cuộc thi để giành lấy. Thật không công bằng khi yêu cầu con nhường những món đồ chơi có ý nghĩa đặc biệt cho các bạn.
Ảnh minh hoạ
Trẻ em khó nắm bắt các khái niệm
Khi bạn bảo với con nhường đồ chơi là đồng cảm, tốt bụng, trẻ sẽ khó hiểu được những khái niệm này và làm theo một cách máy móc, đặc biệt là các bé dưới ba tuổi chưa đủ nhận thức mọi thứ xung quanh. Bạn đừng đặt tên cho những hành vi đó, hãy để trẻ thực hiện hành động tốt nhiều lần, phẩm chất tốt đẹp sẽ tự nhiên thấm nhuần trong chúng. Cha mẹ nên làm gương cho con cái. Khi người lớn tỏ ra hào phóng, tốt bụng, thân thiện với mọi người và môi trường xung quanh, con cái chúng ta cũng sẽ làm như vậy.
Tôn trọng quyền tự chủ của trẻ
Chia sẻ là hành động tốt bụng, hào phóng nhưng chỉ khi một người chủ động làm điều đó. Từ khi nào việc bắt buộc con cái làm theo ý mình lại trở thành cách nuôi dạy đúng đắn? Đối với một đứa trẻ, như tôi đã nói ở trên, chúng không hiểu thế nào là đồng cảm. Bị buộc phải nhường đồ chơi là bị buộc phải nhường đồ chơi. Chúng sẽ nhìn nhận hành động này như cách cha mẹ ép buộc và tuân thủ vô điều kiện. Dần dần, khi lớn lên, chúng sẽ mang tư tưởng rằng người lớn luôn có quyền lực tuyệt đối, việc của chúng là im lặng và nghe theo.
Tin vào quyền tự chủ của mỗi người, chúng ta phải nhìn nhận quyền đó đối với cả con cái. Trẻ em có thể tự đưa ra quyết định của riêng mình, điều này thúc đẩy chúng suy nghĩ độc lập, có chính kiến và tự chủ. Nếu người lớn tôn trọng trẻ em, chúng sẽ tôn trọng chúng ta và mọi người xung quanh.
Hãy để trẻ học cách "tự vệ"
Gene Disay, giáo sư tâm lý của Đại học Chicago từng nói, bản chất của trẻ là ích kỷ. Hành vi hào phóng sẽ phát triển cùng trẻ theo tuổi tác. Điều này có nghĩa trẻ sẽ học dần cách chia sẻ khi chúng lớn lên, tuy nhiên vẫn còn nhiều người trưởng thành chưa học được cách từ chối người khác.
Cách đây vài năm, có một vụ án gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Cô gái họ Vương khi đó đã ngoài 20 tuổi kiện một cậu em họ vị thành niên sau nhiều năm chịu đựng. Sự việc bắt đầu khi cậu em đến nhà Vương chơi và lấy mất một số đồ đạc trong phòng, trong đó có chiếc tai nghe mà cô yêu thích nhất. Cha Vương sợ làm tổn thương họ hàng nên liên tục thuyết phục cô bỏ qua chuyện đó. Nhưng cô gái không muốn và điều tra bằng được tung tích của chiếc tai nghe. Gia đình em họ sau đó nói rằng, họ phát hiện chiếc tai nghe lạ đã ném nó đi, đồng thời không quên mỉa mai "Lớn rồi mà vẫn chơi đồ con nít", thậm chí mẹ cậu bé còn nói: "Nếu cần, tôi đưa cho cô số tiền gấp 10 lần giá trị chiếc tai nghe đó".
Cha Vương xấu hổ, bất lực nói với con "Nó là trẻ con, chấp làm gì". Vì sự thỏa hiệp của cha, cô gái đành cắn răng bỏ qua. Tuy nhiên thời gian sau, chiếc tai nghe đắt tiền khác của Vương cũng không cánh mà bay sau buổi đến chơi của cậu bé đó. Lần này cô quyết định đưa sự việc ra pháp luật.
Có một câu nói thế này: "Những khi bạn yếu đuối nhất thì kẻ xấu lại xuất hiện nhiều nhất. Nếu không biết bảo vệ quyền lợi của bản thân, bạn sẽ phải tự chịu hậu quả".
Một từ thường được nhắc đến ở các trường tiểu học tại Anh: "Sự quyết đoán". Có thể hiểu nghĩa của từ này là thẳng thắn, kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình. Chỉ khi trẻ bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc và ý kiến một cách thẳng thắn thì chúng mới có thể hình thành một mối quan hệ thoải mái với người khác. Chỉ khi trẻ rõ ràng về ranh giới quyền lợi của mình, chúng mới có thể tiếp tục giải tỏa áp lực bản thân và có niềm tin vào chính mình. Vì vậy, hãy để trẻ học cách "tự vệ" và yêu thương bản thân hơn bất cứ điều gì khác.
Tranh minh hoạ
Nhường nhịn khiến trẻ luôn có cảm giác thiệt thòi
Bắt trẻ nhường nhịn là đang đối xử không công bằng với trẻ. Khi bị yêu cầu phải nhường nhịn, ngoài cảm giác ấm ức, trẻ có thể cảm thấy bản thân luôn chịu thiệt thòi. Ngay cả trong trường hợp trẻ chấp nhận nhường đồ chơi cho em, cha mẹ cũng không nên lặp lại nhiều lần việc đó.
Nguyên nhân bởi vì sự nhường nhịn khiến trẻ trở nên nhu mì, không biết đấu tranh vì những thứ đáng ra thuộc về mình. Như vậy, khi trưởng thành trẻ dễ bị chèn ép, bị đối xử bất công, trở nên thụ động và không dám đấu tranh đòi hỏi quyền lợi. Do đó, nếu muốn con mạnh mẽ và thành công, đừng bắt con phải nhường nhịn.
Ngược lại, đối với đứa trẻ được nhường nhịn, chúng nghiễm nhiên hiểu rằng mình bé hơn nên được chiều chuộng, trẻ trở nên ích kỉ, thích đòi hỏi, coi mình là trung tâm của vũ trụ.
Quyền sở hữu cá nhân
Phụ huynh mong muốn con mình sẽ là người có trách nhiệm, có khả năng quản lý vật dụng cá nhân và cuộc đời riêng. Nhưng chúng ta lại yêu cầu chúng nhường đồ của mình cho người khác và để người khác chịu trách nhiệm cho đồ vật ấy? Nhiều người trong số chúng ta không muốn chia sẻ những vật có giá trị của bản thân cho người khác như ôtô, nhà, điện thoại... nhưng tại sao lại muốn con mình làm vậy? Mỗi đồ chơi, đối với trẻ em, là đồ vật cá nhân nên các em quyền sở hữu cá nhân, cha mẹ nên ở bên giúp đỡ chứ không nên can thiệp vào quyền này.