Trẻ 7 tháng tuổi bị sỏi thận không rõ nguyên nhân
Con trai vợ chồng chị Bích Phương hiện hơn 7 tháng tuổi. Mới đây, con bị viêm hô hấp nên vợ chồng chị đưa đi khám. Bác sĩ khám cho bé trai nghi ngờ có vấn đề khác nên cho siêu âm bụng. Kết quả cho thấy, con trai chị Bích Phương bị sỏi thận.
Ban đầu, vợ chồng chị không tin vì nghĩ con còn nhỏ. Khi đưa con đến 2 bệnh viện nhi tại TP.HCM làm các xét nghiệm cho kết quả giống nhau, vợ chồng chị mới bàng hoàng.
Trẻ bị sỏi thận thường quấy khóc. (Ảnh minh họa)
Chị Bích Phương cho biết, con trai chị bú mẹ hoàn toàn. Ở tháng thứ 6, chị bắt đầu cho con ăn dặm với cháo đặc, bánh mì, mì, trái cây xay nhuyễn và một số loại bánh dành cho trẻ ăn dặm kết hợp với bú sữa mẹ. Khoảng một tháng qua, chị bị viêm tắc tuyến sữa nên phải cho con dặm thêm sữa công thức, kèm bổ sung vitamin D hằng ngày.
Người mẹ cũng cho biết, ở tháng thứ 2, con chị bị trào ngược dạ dày thực quản đã chữa khỏi. Ở tháng thứ 3, bé bị viêm phế quản, phải nằm viện điều trị gần một tuần mới hết.
Do trong gia đình không có ai mắc bệnh sỏi thận, các thực phẩm con ăn đều an toàn, chị Bích Phương nghi ngờ nguyên nhân do con bú sữa mẹ và được bổ sung vitamin D không đúng cách. Tuy nhiên, các bác sĩ trực tiếp khám cho con trai chị ở phòng khám tư và các bệnh viện đều khẳng định, bé trai bị sỏi thận do bẩm sinh. Bé dùng sữa mẹ từ khi chào đời và mới dùng sữa công thức cũng như bổ sung vitamin D khoảng một tháng nên không thể tạo sỏi.
Mấy hôm nay, nhìn con trai mệt mỏi, không có năng lượng, bỏ ăn uống, chị Bích Phương chỉ biết rơi nước mắt vì thương con. “Con chỉ bú mẹ khi quá đói, nhưng chỉ được 50-60ml thôi”, chị Bích Phương vừa khóc vừa nói.
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho em bé bị sỏi thận. Ảnh: BSCC.
Nhiều trẻ bị sỏi thận do ăn nhiều thức ăn nhanh và lười vận động
Theo bác sĩ Trương Anh Mậu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), sỏi thận ở trẻ em khá hiếm gặp. Tần suất trẻ mắc bệnh chiếm 1/7.000 ca. Bỏ qua yếu tố di truyền thì nguyên nhân trẻ bị sỏi thận thường do nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang - niệu quản). Với những trẻ mắc bệnh lý gây cản trở sự tống xuất nước tiểu như bàng quang thần kinh (một dạng rối loạn chức năng bàng quang)... cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi.
BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết thêm, nguyên nhân trẻ bị sỏi tiết niệu thường do bất thường đột biến gen mã hóa protein có chức năng vận chuyển hấp thu cystine (là một acid amin) ở ống thận. Sau khi cystine được bài tiết qua cầu thận, nồng độ cystine tăng cao trong nước tiểu, dễ kết tủa thành sỏi khi nước tiểu ở trạng thái toan (acid), hoặc tạo muối kết tủa với natri hay canxi.
Triệu chứng thường gặp của sỏi đường tiết niệu ở trẻ nhỏ thường là trẻ dễ kích thích, quấy khóc, ói, thường xuyên nhiễm trùng tiểu biểu hiện qua triệu chứng la khóc mỗi lần đi tiểu. Đôi khi bệnh sỏi thận ở trẻ chỉ phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng như con trai chị Bích Phương.
Bác sĩ Tiến kể Bệnh viện Nhi đồng Thành phố từng điều trị thành công cho bé trai 6 tháng tuổi sỏi đường tiết niệu, bị nhiễm trùng và suy thận cấp. 3 tuần trước khi nhập viện, bé bị sốt đi sốt lại, tiểu khó, tiểu ít, nôn ói 4-5 lần/ngày, bú kém nên người nhà đưa trẻ đi điều trị.
Khi đến bệnh viện, bé trai bứt rứt, quấy khóc, sốt, mạch nhanh, huyết áp cao, không tiểu. Kết quả chụp X-quang bụng ghi nhận bệnh nhi có nhiều viên sỏi đường tiết niệu, bị nhiễm trùng và suy thận cấp. Bác sĩ đã điều trị kháng sinh, hạ sốt, ổn định huyết áp cho bé. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật xử lý lấy sỏi bàng quang và niệu quản.
Bé trai bị sỏi thận khi chỉ mới 6 tháng tuổi. Ảnh: BSCC.
Sau 1 tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhi dần cải thiện, đã cai được máy thở, tiểu khá hơn. Kết quả xét nghiệm ghi nhận chức năng của thận trở về bình thường. Xét nghiệm cặn lắng của nước tiểu ghi nhận nhiều tinh thể hình lục giác (còn gọi là tinh thể cystin).
Theo bác sĩ hiện nay, số trẻ em mỗi năm phải đến viện điều trị vì bệnh sỏi thận ngày càng tăng. Thủ phạm chính là do chế độ ăn uống và lối sống chưa lành mạnh. Đó là vì trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh có quá nhiều muối, ít uống nước, ít vận động. Khi trẻ phải dung nạp quá nhiều, điều này đã vô tình hình thành nhanh sỏi thận, nhất là những trẻ có sẵn các bệnh lý rối loạn chuyển hóa.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết, bệnh sỏi thận nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ gây nguy cơ suy thận, ung thư thận và các bệnh lý nguy hiểm khác. Vì vậy, khi thấy trẻ sốt liên tục không hạ, tiểu vàng, đục, tiểu khó, rát buốt, tiểu ít, ói mửa, ăn uống kém… phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán, điều trị kịp thời.
* Tên người mẹ đã thay đổi