Mặc dù không còn phổ biến nhưng tình trạng bạo lực học trường vẫn còn xuất hiện ít nhiều trong xã hội hiện nay. Đặc biệt sau các sự việc trẻ mẫu giáo bị cô bạo hành gây rúng động dư luận xã hội, các bậc phụ huynh đã quan tâm nhiều hơn đến con em mình, cảm xúc của bé khi đi học về để nhanh chóng phát hiện ra vấn đề con có thể gặp phải ở trường và cùng con giải quyết.
Nam danh hài Lê Dương Bảo Lâm mới đây cũng công khai chia sẻ câu chuyện mà bản thân anh và con gái Bảo Ngọc gặp phải thu hút sự quan tâm của mọi người. Theo đó, trong đoạn clip chia sẻ trên mạng xã hội, ông bố 3 con cho biết con gái thứ 2 nhà anh - bé Bảo Ngọc sau khi đi học mẫu giáo về có nói rằng bị 3 cô giáo la, thậm chí anh nói trong clip là bé tố cô giáo đánh con.
Ngay lập tức, ông bố đã đến lớp học để gặp cô giáo "3 mặt 1 lời". Trong đoạn clip, ông bố ôm Bảo Ngọc bên cạnh mình và tự đặt máy quay trước mặt. Lê Dương Bảo Lâm liên tiếp đưa ra những câu hỏi cho con gái rằng "cô nào đánh con?"; "cô có đánh con không"; "ba làm lớn chuyện liền"; "3 mặt 1 lời".
Tuy nhiên ngay lúc này, đáp lại câu hỏi của bố, Bảo Ngọc đã trả lời "không" (không có cô nào đánh con). Thậm chí 3 cô giáo mẫu giáo cũng có mặt tại đó để trò chuyện với phụ huynh Lê Dương Bảo Lâm, các cô cũng khẳng định không hề có chuyện đánh bé Bảo Ngọc.
Các cô chăm chút tỉ mỉ cho Bảo Ngọc và luôn yêu thương bé. Cô giáo cũng cho biết thêm bé Bảo Ngọc ở lớp ngại giao tiếp với các bạn khác, thậm chí có thể nói là "chảnh" nhưng lại khá nhát và nhìn chung ở lớp rất ngoan. Cuối đoạn clip có thể thấy nhân lúc đón con gái tan học, Lê Dương Bảo Lâm đã quay đoạn clip này để hỏi rõ con gái và cô giáo về việc có hay không "bạo lực" xảy ra như lời con gái đi học về vẫn hay kể.
Khá nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bất ngờ với cách hành xử của ông bố trẻ trước chuyện nghi ngờ con gái bị bạo hành ở lớp.
Tuy nhiên cũng không ít người cho rằng việc con nhỏ đi học về có những lời nói dối như thế này không phải là hiếm nên cha mẹ cân nhắc trước khi làm lớn chuyện. Việc chất vấn cô giáo không được hay, sẽ khiến cô giáo cảm thấy ngượng ngùng. Phần bình luận và nói trong clip, Lê Dương Bảo Lâm khẳng định việc mình đến tận lớp học chất vấn cô giáo của con về việc có hay không chuyện la mắng, đánh bé Bảo Ngọc là có thật nhưng chỉ quay video mang tính chất vui vẻ và các cô giáo cũng rất thoải mái về điều này.
Con gái Dương Lâm được yêu thích trên mạng xã hội và từng gây sốt với nhiều biểu cảm đáng yêu khi đi học.
Thực tế những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, nhất là đối tượng trẻ mẫu giáo chưa tự bảo vệ bản thân mình được là vấn đề quan trọng mà bố mẹ không nên bỏ qua. Mặc dù câu chuyện của gia đình Lê Dương Bảo Lâm là có thật nhưng ông bố cũng chỉ xử lý theo tính chất vui vẻ, hài hước nhưng phần nào cho thấy được sự quan tâm của gia đình với bất kì một vấn đề nào của con dù chỉ là câu nói đơn giản. Điều này các bậc cha mẹ cũng nên chú ý để tránh khi vấn đề được đẩy lên cao trào và con trở nên nguy hiểm hơn.
Dưới đây là những biểu hiện ở trẻ khi đi học về cha mẹ cần đặc biệt chú ý vì rất có thể nó là dấu hiệu cho thấy bé đang bị bạo hành tại trường học:
Cơ thể trẻ xuất hiện nhiều vết bầm tím
Đây chắc chắn là dấu hiệu rõ ràng nhất mà cha mẹ không được phép bỏ qua. Cơ thể trẻ tuy non nớt, mềm yếu nhưng không thể tự xuất hiện các vết bầm tím, vết xước.
Sau mỗi ngày con đi học về cha mẹ cần kiểm tra thân thể bé để phát hiện những thương tích trên người. Nếu thấy có bất kì dấu vết nào lạ trên cơ thể bé mẹ cần lời giải thích rõ ràng từ giáo viên. Nếu câu trả lời nhận được là "quen thuộc: bé bị ngã". Mẹ cần bình tĩnh xem xét thêm các biểu hiện khác nữa.
Trẻ sợ hãi khi ở trong không gian kín
Thông thường, ở tất cả các trưởng mầm non, tiểu học hiện nay đều đã trang bị những thiết bị camera kết nối với điện thoại thông minh của phụ huynh để cha mẹ tiện theo dõi trẻ nhỏ. Chính vì thế, để bạo hành trẻ, các bảo mẫu cần phải đưa trẻ vào khu vực kín để thực hiện.
Đó là lý do trẻ tỏ ra sợ hãi khi ở trong không gian kín, bé sẽ mường tượng ra cảnh bị bạo hành. Vì thế, khi con ở trong phòng 1 mình hay đưa con đi tắm... thấy con có biểu hiện sợ hãi, cha mẹ cần nhẹ nhàng khuyên nhủ và trò chuyện với con để tìm ra nguyên nhân.
Trẻ hốt hoảng, ngủ không sâu giấc
Tâm hồn non nớt của trẻ nhỏ rất dễ bị tác động bởi những hành động thô bạo. Nó thường đi vào trong giấc mơ của trẻ, khiến trẻ không thể nào ngon giấc.
Vì thế, nếu thấy con ngủ không ngon giấc, hay giật mình, khóc đêm... mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sức khỏe hay là do trẻ đang bị bạo hành.
Không chịu đi học, nhìn thấy mẹ là đòi về ngay
Trẻ nhỏ thường phản kháng khi cha mẹ bắt đi học. Đó là một tình huống hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu sự phản kháng của trẻ là vô cùng dữ dội như ôm chặt mẹ, giãy giụa khi mẹ giao bé cho cô giáo hay mỗi lần được mẹ đón đều chạy tới và đòi về ngay lập tức... thì là dấu hiệu bất bình thường. Hãy quan sát ánh mắt của trẻ và ánh mắt của bảo mẫu trong những trường hợp này để nhận ra được nguyên do thực sự.
Ngại giao tiếp, tiếp xúc
Trẻ bị bạo hành thường có cảm giác sợ sệt, e dè, ngại giao tiếp và tiếp xúc với bất kì ai, kể cả bố mẹ. Trẻ không chạy nhảy nô đùa như trước mà chỉ thu mình một chỗ, ôm đầu gối hoặc khoanh tay trước ngực...
Hành vi quá khích
Nghiến răng, cắn móng tay, thở dốc, hồi hộp hay toát mồ hôi hoặc chống đối lại cha mẹ có thể là những hành vi khác lạ, quá khích của bé cho thấy đang bị ảnh hưởng bởi vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Việc bé bị bạo hành dẫn đến lo sợ và không làm chủ được những hành động thân thể mình.
Trên đây chỉ là một vài biểu hiện nhỏ cho thấy trẻ có thể đang bị bạo hành ở trường học. Ngoài ra, để biết chính xác con có đang bị bạo hành hay không, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện nhẹ nhàng, hỏi han tình hình ở trường lớp của con và việc đối xử của các thầy cô tại trường. Chắt lọc những ý kiến từ trẻ kết hợp với quan sát thực tế để nhận ra vấn đề.
Cha mẹ cần làm gì nếu con bị giáo viên bạo hành
Khi phát hiện ra trẻ bị cô giáo đánh mắng, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh, không nên bức xúc, la lối, thậm chí tấn công giáo viên. Bởi đây là hành vi dùng bạo lực xử lý bạo lực. Trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi cách hành xử này của bố mẹ và bắt chước theo.
Bên cạnh đó, một số bố mẹ lại e sợ giáo viên và không dám đứng lên bảo vệ con mình. Bởi họ sợ con bị cô giáo "trù dập". Cách hành xử này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần của con, biến con thành người cam chịu. Khi bị bắt nạt, con sẽ chịu đựng, không dám lên tiếng cũng như nghĩ cách bảo vệ bản thân. Vậy cha mẹ cần phải làm gì?
Bước 1: Đặt lịch hẹn và đến nói chuyện với giáo viên
Hãy đặt lịch hẹn và đến nói chuyện với giáo viên một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng và cương quyết. Trò chuyện theo hướng tích cực sẽ giúp phụ huynh và giáo viên hỗ trợ lẫn nhau trong việc giáo dục trẻ, từ đó giúp giáo viên bỏ thói bạo lực.
Bước 2: Phản ánh và can thiệp lên cấp cao hơn
Nếu giáo viên chủ nhiệm không hợp tác và không có sự thay đổi thì bố mẹ cần phản ánh lên hiệu trường để báo cáo sự việc, yêu cầu chuyển lớp cho trẻ. Nếu hiệu trưởng không hợp tác, bố mẹ cần cân nhắc phản ánh sự việc lên các cấp cao hơn như phòng giáo dục, sở ban ngành... và chuẩn bị cân nhắc đến việc chuyển trường cho trẻ.
Bước 3: Trấn an và yêu thương trẻ
Nếu trẻ còn quá nhỏ và chưa hiểu rõ sự việc thì bố mẹ nên tạm cho nghỉ học, chờ đến khi mọi việc giải quyết xong xuôi. Hãy cho trẻ biết, trẻ luôn được yêu thương và bảo vệ. Nếu trẻ đã lớn và nhận thức được hành vi bạo hành của giáo viên thì bố mẹ cần có biện pháp động viên, trấn an. Cho trẻ biết, bố mẹ đang giải quyết vấn đề để trẻ được học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh nhất.
Giải quyết vấn đề trẻ bị bạo hành ở trường học là một điều khó khăn. Bố mẹ cần cứng rắn, dũng cảm và đừng bao giờ để sự việc kéo dài quá lâu. Bởi thời gian càng lâu thì những tổn thương còn chịu càng nhiều. Nỗi đau về mặt tinh thần không chỉ ảnh hưởng trong phút chốc mà có thể kéo dài cả cuộc đời trẻ.
Vì bố mẹ biết không việc trẻ phải chịu đựng việc bạo hành trong một thời gian dài dẫn đến thay đổi cấu trúc vật lý não bộ của trẻ và trẻ lớn lên nhút nhát, tự ti, bi quan và dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt bởi bạn bè, thầy cô và các đối tượng khác, điều đó ảnh hưởng tồi tệ đến cả cuộc đời trẻ.