Bé gái đang đi du lịch bỗng thở mệt rồi nguy kịch, bác sĩ chỉ dấu hiệu nguy hiểm tuyệt đối không chủ quan

Trước khi vào viện vài ngày, bé gái 4 tuổi mệt và sốt nhưng đi khám không phát hiện bất thường. Khi đi du lịch, triệu chứng của bé nặng lên và phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

BSCK2 Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết các bác sĩ vừa tiến hành cấp cứu thành công cho bé gái 4 tuổi bị viêm cơ tim cấp khi đang đi du lịch cùng gia đình.

Trước khi nhập viện vài ngày, bé gái này thường kêu mệt và sốt. Tuy nhiên, khi đưa bé đến bệnh viện địa phương thăm khám thì không phát hiện bất thường. Trong lúc cùng gia đình đi du lịch, bệnh tình của bé bắt đầu trở nặng, hai mắt sưng, thở mệt và được cấp cứu tại gần điểm du lịch. Tại đây, bé được chẩn đoán viêm cơ tim cấp, cần chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 để kịp thời cứu chữa.

Thời điểm chuyển đến bệnh viện, bé gái đã ở trong tình trạng sốc tim, hạ huyết áp nặng nên nhanh chóng được các bác sĩ hỗ trợ hô hấp, truyền vận mạch và đặt máy tạo nhịp tim tạm thời. Sau gần một tuần điều trị, bé đã tự thở được, giảm dần và ngưng thuốc vận mạch, rút máy tạo nhịp tim tạm thời, sức khỏe dần hồi phục.

Hiện bé gái đã thoát được cơn nguy kịch và đang điều trị phục hồi. 

Bác sĩ Ngọc Phượng cho biết, viêm cơ tim là bệnh lý diễn tiến nhanh, dễ gây nguy hiểm tính mạng nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời. “Nguyên nhân của bệnh thường do siêu vi và thường chia thành ba dạng: tối cấp, cấp tính và mãn tính. Với trường hợp tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24 tiếng. Trong trường hợp cấp tính, người bệnh có thể rơi vào tình trạng suy tim cấp, sốc hoặc rối loạn nhịp tim, nếu không can thiệp kịp thời thì bệnh nhân có thể không qua khỏi. Đối với trường hợp mãn tính, đây là tình trạng nhiễm siêu vi âm thầm, lâu dần làm tổn thương cơ tim, bệnh nhân diễn tiến thành bệnh cơ tim giãn”.

Được biết, viêm cơ tim cấp thường không điển hình, khởi đầu bệnh nhân thường có các triệu chứng giống cảm cúm như sốt nhẹ, mệt mỏi, ho, sổ mũi hoặc có triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn. Trong trường hợp viêm cơ tim cấp nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng mệt, ngất, khó thở, đau ngực, tím tái, tay chân lạnh, rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm cơ tim cần nhanh chóng đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Với trẻ bị viêm cơ tim nhẹ thường chỉ theo dõi, điều trị triệu chứng, sẽ khỏi bệnh sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, trẻ viêm cơ tim nặng sẽ được hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc trợ tim, thuốc vận mạch duy trì chức năng tim. Nếu có rối loạn nhịp thì dùng thêm thuốc chống loạn nhịp tim, đặt máy tạo nhịp điều chỉnh tần số tim. Tỉ lệ tử vong do viêm cơ tim cấp nặng còn rất cao, khoảng 30-40%, nhất là trong trường hợp viêm cơ tim tối cấp, tỉ lệ tử vong gần 100% trước khi có kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo).

Để phòng ngừa viêm cơ tim cấp ở trẻ cũng như những biến chứng nguy hiểm, cha mẹ cần chú ý tăng cường miễn dịch, bảo vệ trẻ hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh từ môi trường.

Dưới đây là những điều cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ nhỏ:

- Cho trẻ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng: Với trẻ sơ sinh, nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu tiên, sau đó kết hợp với ăn dặm trong 18 tháng tiếp theo. Trẻ được bú sữa mẹ sẽ có miễn dịch tốt hơn và nguy cơ mắc bệnh cũng thấp hơn.

Với trẻ lớn hơn, chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần chú ý cung cấp đầy đủ các nhóm chất, đặc biệt là vitamin và khoáng chất giúp trẻ khỏe mạnh, sức đề kháng tốt.

- Hạn chế trẻ tiếp xúc với người bệnh: Trẻ nên tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người có triệu chứng mắc các bệnh như: rubella, quai bị, cảm cúm... Điều này khiến tác nhân gây bệnh không xâm nhập được vào cơ thể trẻ để gây viêm cơ tim cấp cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.

- Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ: Trẻ nhỏ nên được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus hoặc vi khuẩn như: cúm, quai bị, bạch hầu, rubella,...

- Hướng dẫn trẻ thói quen rửa tay, vệ sinh thân thể sạch sẽ: Nên dạy cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa lây nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh.

Ăn gì tốt cho tim mạch? Nếu mắc bệnh tim không nên ăn gì?