Sữa đậu nành là thức uống rất bổ dưỡng được nhiều bà mẹ lựa chọn thay thế sữa bò thông thường cho con và cả những thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là những người không dung nạp lactose được.
Những năm gần đây, nhiều loại máy làm sữa đậu nành xuất hiện trên thị trường và được các mẹ “săn đón”, khiến quy trình chế biến một ly sữa đậu nành tại nhà trở nên rất đơn giản, đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, trên bàn ăn của trẻ mỗi bữa sáng thường sẽ có thêm một ly sữa đậu nành “nhà làm” cực chất lượng.
Thế nhưng, đi kèm với sự phát triển của của các công thức chế biến sữa đậu nành và các loại máy móc là những “lời đồn” về việc cho trẻ uống sữa đậu sẽ làm dậy thì sớm đối với bé gái, bé trai thì có nguy cơ bị biến đổi hormone thành con gái. Đã có rất nhiều phụ huynh thật sự tẩy chay đậu nành ra khỏi chế độ dinh dưỡng của trẻ vì lý do này.
Vậy sự thật uống sữa đậu nành có làm ảnh hưởng đến lượng hormone của trẻ? Những thông tin hữu ích dưới đây sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về vấn đề này.
Vì sao nhiều người tin rằng sữa đậu nành khiến trẻ dậy thì sớm?
Sự thật là, đậu nành không chứa estrogen, nhưng nó có chứa phytoestrogen, các hợp chất isoflavone có trong đậu nành là các hormone thực vật không steroid có cấu trúc tương tự như estrogen. Do đó, chúng thường được quy kết là thủ phạm gây dậy thì sớm.
Isoflavone đậu nành có trong sữa đậu nành thực sự rất nhỏ. Nếu muốn ảnh hưởng đến hormone của trẻ, trẻ cần phải uống nó hầu như mỗi ngày khoảng 50kg đậu nành, trong khi thực tế này không hề xảy ra nên uống sữa đậu nành sẽ không ảnh hưởng đến lượng hormone trong cơ thể trẻ, không làm trẻ bị phát triển sớm.
Trên thực tế, đậu nành tự nhiên còn bảo vệ các bé gái khỏi tình trạng dậy thì sớm, thậm chí một vài trường hợp còn làm quá trình dậy thì diễn ra muộn hơn bình thường.
Sữa đậu nành chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe người.
Trẻ nhỏ nên uống sữa đậu nành thế nào?
Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi cũng không nên uống sữa bò, sữa đậu nành hoặc bất kỳ loại sữa thực vật nào khác và chỉ ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức (với một ít nước sau khi trẻ bắt đầu ăn dặm).
Đối với bé trên 1 tuổi, mẹ có thể bắt đầu uống sữa đậu nành, nhưng tốt nhất là không nên uống quá 100ml một ngày. Uống quá nhiều sữa đậu nành trước hết sẽ chiếm dung tích dạ dày của trẻ, khiến trẻ không muốn ăn các thức ăn khác. Ngoài ra, việc uống quá nhiều sữa đậu nành sẽ khiến bé bị đầy hơi, trường hợp nặng hơn sẽ xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, xót ruột, đau bụng và xì hơi.
Sữa đậu nành là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, cha mẹ chỉ cần chú ý cho trẻ uống với lượng phù hợp vẫn rất tốt cho sự tăng trưởng và phát triển cơ thể của trẻ, phòng ngừa các bệnh mạn tính… Nhưng vì các loại sữa có nguồn gốc thực vật như sữa đậu nành có thể thay đổi tùy theo nhãn hiệu, nên điều quan trọng là cha mẹ phải trao đổi với bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để chọn loại phù hợp cho trẻ.
Đối với bé trên 1 tuổi, mẹ có thể bắt đầu uống sữa đậu nành, nhưng tốt nhất là không nên uống quá 100ml một ngày.
Nhằm giúp cha mẹ hiểu hơn về vấn đề này cũng như lựa chọn sữa phù hợp cho con, Thạc sĩ, bác sĩ Hứa Thị Mỹ Trang, Phó khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã cung cấp những kiến thức hữu ích, cha mẹ có thể tham khảo đẻ giúp con phát triển lành mạnh hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Hứa Thị Mỹ Trang, Phó khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện nhân dân Gia Định.
Trẻ nhỏ có nên uống sữa đậu nành không?
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, nếu mẹ vì 1 lý do gì đó không đủ sữa thì bổ sung bằng sữa bò công thức phù hợp với lứa tuổi. Trẻ được khuyến cáo sử dụng sữa đậu nành tăng cường (công thức: đã bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất thiết yếu) cho các trường hợp sau:
- Trẻ nhỏ bị dị ứng sữa bò không có sữa mẹ, đã dùng sữa thuỷ phân không giảm và không dị ứng đậu nành;
- Những em bé đủ tháng mắc bệnh Galactosemia.
- Trẻ bất dung nạp đường Lactose do thiếu men lactase bẩm sinh hoặc tổn thương đường ruột do bệnh lý viêm dạ dày ruột, nhiễm trùng huyết …gây tiêu chảy kéo dài;
- Gia đình ăn chay trường, con không có sữa mẹ;
Lưu ý, sự thay thế này phải được trao đổi với bác sĩ. Trẻ từ 1-5 tuổi có thể chọn sữa đậu nành tăng cường thay thế nếu trẻ vẫn còn dị ứng đạm bò hoặc gia đình ăn chay trường, hoặc trẻ trong giai đoạn tiêu chảy, hấp thu đường lactose kém.
Nhiều người quan niệm rằng "uống sữa đậu nành sẽ ảnh hưởng đến lượng hormone của trẻ em", thưa bác sĩ điều này có đúng không?
Điều này chưa thấy ghi nhận trong các y văn cũng như các báo cáo nghiên cứu có uy tín trên thế giới. Một số báo cáo cho rằng sữa đậu nành chứa quá nhiều phytoestrogen (isoflavone) có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố ở trẻ em.
Trong khi tạp chí của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (Pediatrics) đã chỉ ra rằng ngoài việc sữa đậu nành có chứa phytoestrogen (một loại hormone giống như estrogen được tìm thấy trong 1 số thực vật như ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây, các loại đậu khô và nho, táo) thì cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh chất này trong đậu nành gây hại và ảnh hưởng đến nội tiết tố hoặc sự phát triển của trẻ.
Trẻ mấy tuổi nên bắt đầu uống, dung lượng bao nhiêu là đủ?
- Trẻ từ 1-5 tuổi : Có thể uống ngày 1-2 lần, lần 150-200 ml, uống khi có các vấn đề dị ứng sữa động vật vẫn còn sau 1 tuổi ( thường sau 3 tuổi tình trạng dị ứng đạm bò mới giảm hẳn), gia đình ăn chay trường, trẻ trong thời gian bị bệnh đường ruột gây kém hấp thu đường lactose.
- Trẻ 5 tuổi có thể uống ngày 300-500 ml.
Có sự khác biệt nào trong việc uống sữa đậu nành giữa bé trai và bé gái không?
Không có sự khác biệt nào vì thực ra lượng estrogen có trong thực vật với hàm lượng rất thấp, sau khi chúng ta chế biến thành sữa đậu nành thì do tác dụng của nhiệt làm cho số lượng và hoạt tính estrogen thực vật này giảm đáng kể:
Trong 100g đậu nành thô chứa 154 mg Phytoestrogen nhưng khi ra thành phẩm thì hàm lượng này còn rất thấp.
- Đậu phụ chứa khoảng 22mg.
- Sữa đậu nành chứa khoảng 25mg. Mà 100g đậu nành làm ra được khoảng 1 lít; sữa=1.000ml . Một ngày có thể uống từ 300 đến 500 ml sữa, tương đương tiêu thụ chỉ có 7,5-12,5mg Phytoestrogen. Vì thế, hàm lượng estrogen trong sữa còn rất thấp, không ảnh hưởng đến phát triển sinh lý của bé.
Cha mẹ nên lưu ý gì khi cho trẻ uống sữa đậu nành?
Mặc dù sữa đậu nành tăng cường (sữa đậu nành công thức) có thể được sử dụng để giúp cho trẻ tăng trưởng và phát triển. Một số phụ huynh cũng tự pha chế sữa đậu nành ở nhà cho trẻ uống, khi pha chế và sử dụng cần lưu ý những vấn đề sau:
Đun sôi sữa đậu nành và lưu ý phải mở nắp, vớt bọt xung quanh thành và để sôi lâu trước khi cho trẻ uống để tránh gây ra rối loạn tiêu hóa cho trẻ như buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, đi ngoài, hoặc có thể ngộ độc…
Vì trong sữa đậu nành sống có chứa chất ức chế men trypsin làm cản trở quá trình phân giải protein và chứa chất saponin là chất làm căng bề mặt dung dịch và tạo bọt nên nếu đun tầm 80-90 độ ta sẽ thấy nhiều bọt nghĩ là sôi nhưng thực ra là do saponin tạo ra, nếu ta đun sôi ở nhiệt độ cao hơn 90 độ và sôi lâu hơn thì độc tính chất này sẽ biến mất , mặt khác sữa có thể có nhiễm vi khuẩn trong quá trình chế biến.
- Không lưu giữ sữa đậu nành quá 4 giờ :nên cho trẻ uống sau khi đun sôi trước 3-4 giờ , vì sau đó sữa đậu nành sẽ biến chất không sử dụng được, ngoài ra không nên cho sữa đậu nành vào các loại bình, phích giữ nhiệt vì vi khuẩn rất dễ phát triển trong sữa đậu nành ở nhiệt độ ấm.
- Không pha sữa đậu nành với trứng gà do chất ức chế men trypsin có trong sữa đậu nành kết hợp với lòng trắng trứng tạo thành hợp chất kết tủa làm cơ thể khó hấp thu, đồng thời các chất dinh dưỡng của trứng và sữa đậu nành sẽ mất đi.
- Không pha sữa với đường nâu: Vì protein , calci có trong sữa sẽ kết hợp với acid acetic, acid lactic… có trong đường nâu tạo thành các hợp chất khó tiêu hoá và làm mất đi chất dinh dưỡng của sữa.
- Không cho uống sữa đậu nành ngay khi trẻ đang đói phụ huynh nên cho trẻ ăn một số loại thực phẩm giàu tinh bột trước khi uống sữa, vì khi bụng đói, các protein trong sữa sẽ bị biến đổi thành nhiệt lượng và được cơ thể tiêu thụ dưới dạng năng lượng mà không phát huy được vai trò dinh dưỡng của nó.
- Không nên cho trẻ uống quá nhiều sữa đậu nành. Nếu cho trẻ uống quá nhiều, các chất dinh dưỡng không được hấp thu hết ảnh hưởng đến tiêu hoá của trẻ: Cảm giác đầy hơi, buồn nôn, chóng mặt, khó tiêu, có thể đau bụng, đi ngoài…
- Không uống sữa đậu nành cùng với thuốc kháng sinh vì một số loại kháng sinh có tác dụng phân hủy chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành như Tetracyclin, kháng sinh nhóm Macrolid: Erythromycin... Nên cho trẻ uống cách xa khoảng 1 giờ để tránh có phản ứng hóa học xảy ra làm mất chất dinh dưỡng của sữa;
- Không uống sữa đậu nành thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ hoặc sữa bò công thức ở trẻ bình thường vì ngoài hàm lượng đạm, kẽm,calci, folate… thấp hơn các loại sữa trên, đặc biệt sữa đậu nành không chứa vitamin B12, mặc dù sữa đậu nành công thức có bổ sung 1 số khoáng chất và vitamin cần thiết nhưng trẻ cũng vẫn có thể thiếu chất , nên những trẻ bắt buộc phải uống sữa đậu nành thì cha mẹ nên bổ sung thêm qua rau, trái cây và các thực phẩm khác.