Bị hiếm muộn, ở tuổi 45 nữ bệnh nhân mới có con đầu lòng. Trong thời gian hơn 1 tuần, chị thường xuyên xuất huyết âm đạo nhưng nghĩ đó là tình trạng bình thường của hậu sản. Đến khi tình trạng xuất huyết ào ạt xảy ra, người bệnh nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ xác định chị đang mang thai lần 2 nhưng bị nhau cài răng lược.
Đó là trường hợp nữ bệnh nhân ngụ tại TPHCM vừa được phối hợp liên viện giữa Chợ Rẫy và một bệnh viện tư nhân cấp cứu, điều trị thành công. Thông tin từ BS Phạm Minh Huy khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nữ bệnh nhân nhập viện tuyến trước trong tình trạng xuất huyết lượng nhiều, được chẩn đoán nhau cài răng lược trên bệnh nhân mang thai 21 tuần.
Tại bệnh viện tuyến trước, bệnh nhân đã được phẫu thuật ngay trong đêm để cắt bỏ tử cung và thực hiện thủ thuật cầm máu. Thai nhi được lấy ra ngoài nhưng quá non tháng nên không thể duy trì được sự sống. Lượng máu mất quá nhiều, sau mổ bệnh nhân rơi vào tình trạng rung thất, ngừng tim.
Nữ bệnh nhân may mắn vượt qua được tình trạng nguy kịch sau khi được bác sĩ điều trị tích cực
Các bác sĩ bệnh viện tuyến trước đã vừa hồi sức vừa liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị hỗ trợ chuyên môn. Ngay trong đêm, ê kíp bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đã mang theo hệ thống ECMO và nhiều trang thiết bị chuyên môn sâu khẩn cấp di chuyển đến bệnh viện thực hiện thành công thủ thuật đặt ECMO cho bệnh nhân, đồng thời chuyển về bệnh viện để tiếp tục điều trị chuyên sâu.
Tại Chợ Rẫy, bệnh nhân tiếp tục rơi vào nguy kịch, xuất huyết ổ bụng lượng nhiều. Bệnh viện đã hội chẩn với chuyên khoa sản và thực hiện phẫu thuật mở ổ bụng xử lý cầm máu, đồng thời làm sạch ổ bụng ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng. Sau khi được hồi sức tích cực, đến ngày 9/6 bệnh nhân đã bình phục tốt, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Theo nhận định của BS Minh Huy nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhau cài răng lược trong thai kỳ của bệnh nhân có thể là do người bệnh mang thai khi đã lớn tuổi. Bên cạnh đó, bệnh nhân vừa sinh con khoảng 1 năm trước bằng phương pháp phẫu thuật bắt con, khi mang thai bánh nhau bám vào vết mổ cũ trên tử cung sẽ không đủ để nuôi thai, nhau sẽ bám sâu hơn dẫn tới xuyên qua thành tử cung gây xuất huyết và biến chứng thai kỳ.
Tỉnh lại sau cơn thập tử nhất sinh, nữ bệnh nhân cho biết, trước đó chị bị hiếm muộn phải thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản mới có con. “Đến khi xuất huyết âm đạo, tôi chỉ nghĩ mình có kinh nguyệt chứ không nghĩ đến tình huống mình có thể mang thai tự nhiên nên cũng không đến bệnh viện kiểm tra cho tới khi phải nhập viện cấp cứu”.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nếu gặp những biểu hiện bất thường của chu kỳ kinh nguyệt hoặc có dấu hiệu của tình trạng mang thai cần đến bệnh viện thăm khám để được hỗ trợ, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.