Bé gái vừa chào đời, bác sĩ đã thốt lến "sao lạ vậy"
Đầu tháng 4 tới đây, bé Đàng Thị Mỹ Úc (4 tuổi, người đồng bào Chăm, tỉnh Ninh Thuận) sẽ được bác sĩ Ngô Anh Tú, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà (Hà Nội) cùng các đồng nghiệp làm phẫu thuật cắt bỏ lớp da màu đen ở cánh tay và thay thế bằng một lớp da thừa được lấy từ vùng hông của bé, giúp bé gái sớm có hình hài bình thường như bao trẻ khác.
Chị Nguyễn Thị Minh Huyền (43 tuổi, mẹ bé Úc) cho biết, hồi tháng 2, bé Úc được các bác sĩ làm phẫu thuật lần 1 đặt túi giãn da vào bụng để tạo ra da thừa. Ca phẫu thuật thành công. Sau đó, cứ mỗi tuần một lần, các bác sĩ bơm nước vào trung túi giãn da để túi phồng lên. Thủ thuật này được thực hiện 8 lần nhằm giúp đủ lượng da che phủ chỗ da đen, mọc lông rậm đen và dài như tóc ở cánh tay trái bé Úc.
Toàn bộ tay trái của bé Úc có lông đen dài như tóc. Ảnh: NVCC.
Sáng 22/3, trao đổi với chúng tôi, chị Huyền cho biết, hiện chị và chồng mong ngóng từng ngày để con gái được làm phẫu thuật cắt ghép da. Những ngày cùng con ở bệnh viện, người mẹ chỉ biết cầu mong các cuộc phẫu thuật lần tới diễn ra tốt đẹp.
Người mẹ sinh năm 1980 kể, vợ chồng chị có 3 con, bé Úc là con út. Từ khi sinh ra, trên cánh tay trái và vài chỗ trên cơ thể bé Úc xuất hiện những vạt da đen khiến các y bác sĩ và chị vô cùng bất ngờ. “Lúc con vừa chào đời, bác sĩ và y tá ai cũng nói “sao lạ vậy”, chị Huyền nhớ lại.
Chị Huyền cho biết, vợ chồng chị và hai người con lớn đều bình thường. Bên nội và bên ngoại bé Úc cũng không ai có những bất thường trên cơ thể. “Khi vừa sinh con xong, nghe các y bác sĩ nói “sao lạ vậy”, tôi dự cảm có điều gì đó chẳng lành. Khi nhận con từ tay bác sĩ, tôi như quên đi cơn đau, kiểm tra khắp người con. Sau đó, tôi chỉ biết ôm con khóc nấc lên”, chị chia sẻ.
Vợ chồng chị Huyền - anh Ứng và con gái út. Ảnh: NVCC.
Khi hết 3 tháng ở cữ, chị Huyền cùng chồng đưa con đến bệnh viện tỉnh, các bệnh viện nhi đồng ở TP.HCM tìm nguyên nhân, mong sớm loại bỏ được những vạt da nhìn như da khỉ cho con gái. Lúc đó, các bác sĩ cho biết những vạt da đen, mọc lông đen dài trên cơ thể bé Úc là bớt lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe và cho thuốc về uống, chờ đến khi 2 tuổi sẽ có hướng điều trị tiếp theo, vợ chồng chị Huyền mới yên tâm một chút.
Tuy nhiên, khi bé Úc được 2 tuổi thì tình hình dịch bệnh COVID-19 trở nên phức tạp, nhất là tại TP.HCM. Khi cuộc sống trở lại bình thường, kinh tế vợ chồng chị Huyền khó khăn hơn. Trong khi đó, bé Úc càng lớn thì những vạt da đen, lông đen dài trên cánh tay trái ngày càng lan rộng, ai mới nhìn cũng nghĩ đó là cánh tay khỉ. Không còn cách nào khác, anh Đoàn Văn Ứng (43 tuổi, ba bé Úc) đã nhờ một người quen chia sẻ tình trạng của con gái lên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Hạnh phúc vì con gái sắp được làm người bình thường
Từng điều trị thành công cho một trẻ có tình trạng tương tự như bé Úc, bác sĩ Tú cho biết bé Úc đang mắc bệnh u hắc tố da (còn gọi là nốt ruồi hắc tố bẩm sinh). Đây là căn bệnh hiếm, tỷ lệ mắc 1/20.000 ca, trong đó có khoảng 1/500.000 có tình trạng như bé Úc.
Bé Úc đang được bác sĩ Ngô Anh Tú kiểm tra cánh tay trái. Ảnh: NVCC.
Theo bác sĩ Tú, u hắc tố da là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng người mắc sẽ dễ bị ảnh hưởng tâm lý do có thể bị dị nghị, trêu chọc từ người khác. Cũng có khi người bệnh tự thấy mặc cảm, tự ti vì ngoại hình, nhất là các bé gái.
Khi đọc được thông tin trên mạng xã hội, bác sĩ Tú đã liên hệ với anh Ứng, nói vợ chồng anh đưa con gái ra Hà Nội để mình khám và điều trị, các chi phí ăn ở hoàn toàn miễn phí.
Anh Ứng cho biết nhận được cuộc gọi của bác sĩ Tú, vợ chồng anh rất vui và vô cùng biết ơn. Sau khi cùng vợ đưa con gái ra Hà Nội gặp bác sĩ Tú, anh Ứng về lại Ninh Thuận đi làm việc và lo cho hai con lớn đang đi học, còn chị Huyền ở lại lo cho con gái nhỏ. “Con gái tôi sắp trở thành người bình thường rồi”, anh Ứng nói bằng giọng hạnh phúc.
Bác sĩ Tú cho biết, bé Úc sẽ phải trải qua tất cả 3 lần phẫu thuật để cánh tay trở lại như người bình thường. Lần phẫu thuật thứ nhất, bé gái được đặt một túi giãn da vào phần bụng trái. Lần phẫu thuật lần thứ 2 sẽ diễn ra vào đầu tháng 4, các bác sĩ sẽ cắt bỏ lớp da đen ở cánh tay đi, sau đó, ghép phần da căng giãn ở bụng vào vùng da cánh tay. Tiếp theo, cánh tay sẽ được cố định vào phần bụng để lớp da này liền sẹo. Bác sĩ Tú cho biết, sẽ mất khoảng hơn 1 tháng sau đó để phần da này phục hồi.
Lần phẫu thuật thứ 3, các bác sĩ sẽ phẫu thuật tách phần da cánh tay và da bụng cho bé Úc. "Nếu không có biến chứng nào thì quá trình điều trị cho bé Úc sẽ thành công", bác sĩ Tú chia sẻ.