Chăm sóc trẻ nhỏ không phải là chuyện đơn giản, bởi từng miếng ăn, giấc ngủ của bé đều phải được kiểm tra kỹ càng. Nhất là các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê,… lại càng phải để trẻ tránh xa bởi đây là những chất độc cực kỳ nguy hại đối với sức khỏe của trẻ em nếu các bé uống phải. Thế mà, đã có một câu chuyện đau lòng xảy ra ở Hà Bắc, Trung Quốc.
Chuyện là chồng của bà Đường mất sớm, một mình bà làm lụng nuôi nấng con trai Đường Nguyên học hành nên người. Sau khi con trai kết hôn, bà Đường càng vui hơn nữa khi con dâu đã sinh hạ cho bà một đứa cháu trai bụ bẫm đáng yêu. Để tiện đi làm, đồng thời để mẹ ở nhà cũng đỡ buồn nên vợ chồng Đường Nguyên quyết định gửi con cho bà nội chăm sóc. Đến tối, vợ chồng anh sẽ qua ăn cơm với mẹ rồi đón con về nhà ngủ, sáng mai lại đưa con qua nhà bà nội gửi vì hai nhà ở gần nhau.
Thời gian êm ấm cứ thế trôi qua cho đến trưa thứ 6 tuần trước, bà Đường cùng với hội bạn bè tụ tập ăn uống. Trong cuộc vui đó, một cụ ông đã vui vẻ kể lại chuyện con trai mình thời mới 3 tuổi đã dám uống rượu. Sau đó, ông nhúng đũa vào ly rượu trắng rồi đưa cho cháu trai bà Đường nếm thử xem sao. Không ngờ, đứa trẻ không hề kháng cự mà ngậm luôn đầu đũa. Điều này làm ai nấy đều thích thú. Ông cụ khoái chí cứ thế nhúng đũa vào ly rượu rồi đưa cho đứa trẻ nhấm nháp, còn bà Đường lại không hề phản đối. Kết quả là đứa bé 3 tuổi đã uống chút rượu.
Bà Đường không ngăn cản, để cháu trai tự do nhấm rượu (Ảnh minh họa)
Một giờ sau khi về nhà, trên da của cháu nội bà Đường bắt đầu xuất hiện nhiều nốt đỏ, đồng thời đứa trẻ cũng lên sốt, sau đó là khó thở, co giật, sùi bọt mép. Lúc này, bà Đường vô cùng sợ hãi, gọi ngay cho vợ chồng con trai. Mặc dù đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu gấp, nhưng bác sĩ vẫn lắc đầu thông báo “Rất tiếc là đứa trẻ đã tử vong trước khi đến bệnh viện”.
Nghe vậy, vợ của Đường Nguyên không chịu được mà khóc ngất, chất vấn bác sĩ: “Sáng nay con tôi vẫn còn khỏe mạnh, vui vẻ mà chạy nhảy, thế mà giờ bác sĩ lại bảo đã qua đời là nghĩa làm sao? Ai giải thích cho tôi hiểu đi”. Bác sĩ cho biết: “Nguyên nhân cái chết là ngạt do ngộ độc rượu nặng. Nhưng tại sao một đứa trẻ nhỏ như vậy lại bị ngộ độc rượu? Việc này phải hỏi người đã chăm sóc bé trong ngày hôm nay”. Biết không giấu được nữa, bà Đường đành “thú nhận” và đau đớn nhìn con dâu ngất xỉu, còn bản thân bị bác sĩ và con trai trách móc nặng lời.
Bà Đường đau khổ khi hay tin cháu trai đã mất chỉ vì bà đã không từ chối khi người khác cho cháu uống rượu (Ảnh minh họa)
Vì sao trẻ em không thể uống rượu?
Theo bác sĩ, rượu và bia là những loại đồ uống có chứa chất cồn ethanol với những nồng độ khác nhau. Sau khi đi vào cơ thể từ miệng, rượu sẽ đến dạ dày, ruột non, sau đó thẩm thấu vào trong hệ tuần hoàn, theo máu đi đến não, thận, phổi và gan. Đối với người lớn, uống quá nhiều rượu hoặc uống rượu có nồng độ cao sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày dẫn đến tình trạng chảy máu dạ dày, thậm chí là ngộ độc rượu nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, trẻ em lại càng phải tránh xa loại “chất độc” này, bởi vì:
1. Chức năng các bộ phận trong cơ thể của trẻ chưa phát triển đầy đủ
Cơ thể của trẻ em là một khối các cơ quan chưa phát triển đầy đủ và hoàn chỉnh, các chức năng trao đổi chất trong cơ thể cũng chưa hoàn thiện. Điều này có nghĩa là chúng không thể chuyển hóa và bài tiết rượu nhanh như người lớn. Vì thế, rượu sẽ tồn tại trong cơ thể lâu hơn, gây ra tác hại nghiêm trọng hơn so với người lớn, nhất là não và hệ thần kinh bị ảnh hưởng nặng nề.
2. Nồng độ cồn trong rượu thường cao hơn nhiều so với khả năng chịu đựng của trẻ em
Khi trẻ uống phải rượu có nồng độ cao hơn khả năng chịu đựng của cơ thể thì sẽ xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng như nôn mửa, tiêu chảy, hôn mê và co giật. Về lâu dài, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như bệnh gan, bệnh tim,…
Vì thế, cha mẹ nên kiểm soát chặt chẽ việc ăn uống của con mình, đừng bao giờ để con hoặc người khác cho con uống rượu. Khi nghi ngờ con bị ngộ độc rượu, hãy gọi xe cứu thương ngay lập tức. Trong lúc chờ đợi, nếu trẻ còn tỉnh hãy cho con uống nước từng ngụm nhỏ khi khát. Đồng thời đặt trẻ nằm nghiêng, tránh tình trạng nôn ói bị sặc trở lại gây ngạt đường thở.