Mới đây, bé trai N.H.N, 7 tuổi, ở Hà Nội được gia đình đưa đi khám do mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng. Bố mẹ bệnh nhi cho biết, khoảng 2 tuần nay trẻ chán ăn, cảm giác ăn không ngon, đầy bụng, chướng bụng, đại tiện 2-3 ngày một lần, thỉnh thoảng có sốt nhẹ (gia đình không đo nhiệt độ), ngạt mũi, có đờm. Trước khi cho con đi khám, gia đình có lấy mẫu xét nghiệm tại nhà gửi đi thì cho kết quả men gan tăng, nhưng chưa điều trị gì. Sau đó, trẻ được bố mẹ cho đến bệnh viện thăm khám.
Gia đình cho biết, bé N là con một, lại là cháu đích tôn nên thường được mọi người trong đại gia đình cưng chiều, chăm sóc rất cẩn thận. Đặc biệt, nhiều người thân đi làm ăn xa, lâu ngày không gặp thường có hành động ôm hôn mỗi khi về quê gặp cháu N.
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Cam - Chuyên khoa Nhi (Bệnh viện Medlatec) trực tiếp thăm khám cho bệnh nhi chia sẻ, với kết quả thăm khám ban đầu, trẻ được chẩn đoán sơ bộ viêm gan cấp theo dõi do virus với các dấu hiệu bất thường gồm sốt cao 37 độ 6, mệt mỏi, gan lách to và tăng men gan.
Khi có dấu hiệu chán ăn các bậc phụ huynh không nên chủ quan vì có thể đó là biểu hiện của nhiều bệnh lý.
Để tìm nguyên nhân gây bất thường đó, bác sĩ chỉ định trẻ làm các xét nghiệm xác định viêm gan A, B, C, E, EBV, CMV, giun sán và siêu âm ổ bụng. Với những kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm gan cấp do virus EBV. Đây là virus lây truyền từ người sang người qua đường nước bọt, hay còn được gọi với cái tên khác là bệnh của nụ hôn. Ngoài ra, virus EBV cũng có thể lây qua chất bài tiết của đường sinh dục. Bệnh nhi sau đó được bác sĩ chuyên khoa kê đơn điều trị ngoại trú.
Bác sĩ Cam cho biết, viêm gan virus do EBV tuy ít gây tử vong, nhưng cần cảnh giác với các biến chứng ở thần kinh trung ương, vỡ lách, tắc nghẽn đường hô hấp trên, suy gan cấp nặng…
“Hầu hết các trường hợp viêm gan cấp tính sẽ tự khỏi, tuy nhiên, cũng có trường hợp nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời có thể tiến triển thành suy gan cấp tính, viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan...”, bác sĩ Cam chia sẻ.
Hiện chưa có vắc xin phòng lây nhiễm EBV, việc phòng bệnh chủ yếu là tránh tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch sinh dục của người bị nhiễm EBV.
ThS.BS Ngô Thị Cam lưu ý, các dấu hiệu của bệnh viêm gan cấp tính dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác cũng có dấu hiệu sốt nhẹ, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa… Vì vậy, khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện, kỹ thuật hiện đại để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Trong đó, để chẩn đoán nhiễm EBV, cần dựa vào các xét nghiệm về kháng thể EBV hoặc phát hiện gen đặc trưng của EBV (EBV PCR) trong huyết tương.