Thời gian gần đây trẻ đang bước vào thời kỳ học trực tuyến tại nhà, vậy nên trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều thiết bị điện để học tập, giải trí. Nhiều trẻ không chỉ học cách sử dụng máy tính để học online mà còn sử dụng TV, điện thoại… ngày càng nhiều.
Nhiều trẻ còn quá nhỏ, bản tính tò mò, thích khám phá nhưng chưa nhận thức hết về sự nguy hiểm của điện. Như vậy, nỗi lo về các tai nạn điện giật ngày càng hiện hữu rõ ràng trong mỗi gia đình.
Vụ việc đau lòng của bé trai 10 tuổi (Hoàng Hải D., sinh năm 2012, học lớp 5) sống tại ngõ 475 Nguyễn Trãi, phường Hạ Đình, (Thanh Xuân, Hà Nội) tử vong do bị điện giật khi đang học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vừa qua như một lời cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ.
Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra khoảng 9h30 ngày 10/09/2020. Bố bé vừa chạy ra ngoài mua tai nghe cho con được 5 phút thì xảy ra tai nạn. Vì trong lúc cắm điện không thấy vào pin, bé đã tự ý lấy kéo chọc dây cắm máy tính vào ổ điện. Dù ngay lúc đó gia đình đã nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng cháu bé không qua khỏi.
Qua vụ việc đau lòng trên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, theo báo cáo ban đầu của UBND Phường Hạ Đình cho biết, Công an thành phố Hà Nội đã sớm đưa ra khuyến cáo cho các bố mẹ nhà có con học online, trẻ nhỏ ở nhà một mình rất có thể xảy ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn như: Hỏa hoạn, điện giật, va đập gây thương tích ngay chính trong ngôi nhà của mình.
Hiện trường xảy ra vụ việc. Ảnh Internet
Trước đó, vào ngày 11 tháng 7 năm 2018 tại Trung Quốc cũng xảy ra một vụ việc tương tự. Một cậu bé 9 tuổi ở làng Guozhuang, thị trấn Jinglonggong, huyện Fengqiu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) gặp nạn khi vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin.
Cụ thể câu chuyện được chia sẻ, vào khoảng 3 giờ chiều ngày 11/7, khi anh trai 12 tuổi đang xem TV còn cậu em trai 9 tuổi Xiaorui thì cầm điện thoại di động để chơi game. Tuy nhiên, khi đang chơi thì điện thoại hết pin nên cậu bé liền đi cắm sạc và chơi tiếp. Tuy nhiên, bất ngờ ngay sau đó anh trai thấy cậu em chân tay run rẩy như bị giật điện liền nhanh chóng kéo em ra nhưng đã không kịp.
Mặc dù đã được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng đứa trẻ vẫn tử vong. Phần ngực của nạn nhân được phát hiện cháy đen sì. Cha của cậu bé đáng thương cho biết, bộ sạc gây nạn cho con không phải là sạc chính của chiếc điện thoại đó mà chỉ là một chiếc mua để dùng thay thế.
Các thiết bị điện tử ngày càng trở nên phổ biến và là một phần quan trọng trong cuộc sống, nhưng cũng từng có không ít tai nạn thương tâm xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng của con người, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Thời buổi trẻ cần sử dụng các thiết bị điện tử phục vụ cho công tác học tập, giải trí đặc biệt trong mùa giãn cách xã hội do Covid-19, việc cha mẹ dạy trẻ kỹ năng sử dụng điện an toàn là điều vô cùng cần thiết.
Những sự việc trên như một lời cảnh báo đến các bậc làm cha mẹ cần áp dụng các biện pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng các thiết bị điện tử, đặc biệt trong mùa học trực tuyến, cần tâm các yêu cầu an toàn trước khi bàn giao thiết bị cho con cái mình sử dụng.
Vậy làm cách nào để phòng tránh các tai nạn nguy hiểm này? Sau đây là một số lưu ý để cha cẩn trọng hơn khi cho con tiếp xúc các thiết bị điện tử, sử dụng điện trong quá trình học trực tuyến tại nhà.
Không cho trẻ vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, máy tính, máy tính bảng
Khi các thiết bị điện tử đang được sạc, điện năng tiêu thụ bởi các thiết bị này được giải phóng dưới dạng nhiệt. Nhiệt này kết hợp với nhiệt lượng được tạo ra bởi thiết bị khi đang sử dụng sẽ tạo nên sức nóng hơn bình thường, có thể gây nổ. Do đó, cha mẹ tuyệt đối không cho phép trẻ vừa cắm sạc thiết bị điện tử vừa sử dụng.
Khi sạc điện thoại, máy tính hoặc máy tính bảng, cha mẹ cần chú ý sử dụng sạc gốc của chính thiết bị đó. Trong quá trình sạc cần chú ý đến nhiệt độ của thiết bị điện tử không được để quá nóng. Tránh sạc trong một thời gian dài và tốt nhất là không sạc quá lâu.
Không cho trẻ vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, máy tính, máy tính bảng. (Ảnh minh họa)
Sử dụng những vật dụng chất lượng tốt, giảm nguy cơ chập, cháy
Nhiều gia đình không đủ điều kiện mua trang thiết bị mới cho con học tập nên chỉ có thể sử dụng những chiếc điện thoại, laptop cũ từ lâu. Nhiều thiết bị đã qua sử dụng trong thời gian dài, dẫn đến tuổi thọ và chất lượng pin giảm mạnh.
Do đó, nhiều bé vừa sử dụng máy để học tập, giải trí, vừa kết nối thiết bị điện tử với nguồn điện. Các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn cháy, nổ hoặc tai nạn điện giật là rất cao.
Do đó, cha mẹ không nên cho trẻ sử dụng các thiết bị đã cũ hoặc kém chất lượng, dẫn đến tuổi thọ và chất lượng pin giảm mạnh, có thể dẫn tới tai nạn điện giật. Thay vào đó, hãy nâng cấp thiết bị điện tử con đang dùng để học trực tuyến để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, các thiết bị, đường dây điện cần được thực hiện việc câu mắc và sử dụng điện một cách an toàn.
Thường xuyên kiểm tra thiết bị điện, điện tử
Các em không chỉ học cách sử dụng máy tính để học online mà còn sử dụng TV, điện thoại… ngày càng nhiều. Cha mẹ hãy thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, đảm bảo các thiết bị điện an toàn, không bị hở, mát.
Trước khi con bắt đầu buổi học trực tuyến, cha mẹ nên kiểm tra thiết bị điện, điện tử đã đóng cắt điện đúng cách chưa, yêu cầu con giữ khoảng cách với nguồn điện. Cần thường xuyên hỏi con về các sự cố xảy ra trong ngày để hiểu rõ chất lượng, tính an toàn của thiết bị trong nhà.
Tránh trường hợp trẻ nhỏ chạm vào ổ điện. (Ảnh minh họa)
Chủ động giáo dục con về cách sử dụng thiết bị điện an toàn
Cha mẹ cần phải dạy cho trẻ nhận biết các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm, đồng thời nghiêm cấm không được sờ vào những vật dụng đã cảnh báo. Dặn trẻ tuyệt đối không được tự ý sử dụng các thiết bị điện hay rút bất kỳ phích cắm điện nào nếu không có sự cho phép và hướng dẫn của cha mẹ, không chạm vào dây điện hở, không cầm sợi dây điện để rút phích cắm ra khỏi ổ.
Trên thực tế, không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể túc trực và theo dõi trẻ suốt cả ngày. Đó là lý do tại sao việc dạy trẻ kỹ năng sử dụng điện lại đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân mình và vui chơi an toàn hơn khi không có người lớn ở bên.
Thiết kế khu vực học tập, chơi của trẻ xa các thiết bị điện
Thiết kế khu vực học tập của trẻ tránh xa nơi ẩm thấp, khu vực có điện rò rỉ không an toàn như máy giặt, tủ lạnh… vì có thể xảy ra sự cố chập điện gây tai nạn. Đặc biệt nếu nhà có trẻ nhỏ, cần phải dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà vì trẻ có thể dùng ngón tay đưa vào sát ổ cắm.
Đôi khi, trẻ con ham chơi và tinh nghịch nên có thể bất cẩn tạo thành hiểm họa cho bản thân mà không hay biết. Do đó, phòng bệnh hơn chữa bệnh, cha mẹ cần chủ động thiết kế khu vực học tập của trẻ xa những nơi nguy hiểm có thể giảm tối đa các hành động vì hiếu kỳ mà xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Luôn chú ý theo dõi trong quá trình con học trực tuyến
Nếu có thể, cha mẹ hãy luôn chú ý tới con trong suốt quá trình trẻ học trực tuyến, một số trẻ có thể không tập trung, có tính hiếu kỳ thường tò mò kiểm tra máy móc, nguồn điện.
Chính vì vậy, phụ huynh nếu có thể hãy dành thời gian theo dõi quá trình học của con để đảm bảo không có bất kỳ hành động lạ nào xảy ra, giảm tối đa các hành động vì hiếu kỳ mà xảy ra tai nạn đáng tiếc. Bên cạnh đó, phụ huynh cần dặn trẻ nhỏ rằng, không tự ý sửa chữa bất cứ thiết bị điện nào trong nhà.
Trong trường hợp buộc phải để con ở nhà một mình, cần đảm bảo rằng con trẻ đã có khả năng tự chăm sóc cơ bản cho bản thân và tuyệt đối không được khóa cửa nhốt trẻ ở trong nhà mà không để lại chìa khóa. Vì nếu lỡ trong nhà sự cố chập điện gây hỏa hoạn hoặc mối nguy hiểm thì trẻ sẽ không thể thoát ra được và người khác cũng không thể cứu giúp kịp thời.
Thiết kế khu vực học tập của trẻ tránh xa nơi ẩm thấp, khu vực có điện rò rỉ không an toàn như máy giặt, tủ lạnh… vì có thể xảy ra sự cố chập điện gây tai nạn. (Ảnh minh họa)
Sơ cứu kịp thời đúng cách cho trẻ khi xảy ra tai nạn điện
Đây là lưu ý quan trong cho các bậc phụ huynh khi không may xảy ra các tai nạn liên quan tới điện và các thiết bị điện, cần có cách sơ cứu đúng: Tuyệt đối không được sờ vào trẻ nếu chưa được tách ra khỏi nguồn điện. Ngắt ngay nguồn điện bằng cách tắt công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện. Dùng các vật khô cách điện để tách tay, chân người bị nạn ra khỏi nguồn điện.
Sau khi đã ngắt điện, nếu thấy người trẻ bất tỉnh, cần kiểm tra nhịp thở, mạch đập và tiến hành cấp cứu thổi ngạt ấn tim (nếu cần) vì dòng điện còn có thể đi qua tim phổi gây ngưng tim ngưng thở. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Cha mẹ hãy luôn chú ý tới con trong suốt quá trình trẻ học trực tuyến, một số trẻ có thể không tập trung, có tính hiếu kỳ thường tò mò kiểm tra máy móc, nguồn điện. (Ảnh minh họa)