Là cha mẹ, chắc chắn không có ông bố bà mẹ muốn con mình bị bắt nạt. Nhưng làm thế nào để bảo vệ con hay dạy con bảo vệ bản thân thì không phải ai cũng biết. Có một số cha mẹ dạy con nhún nhường bỏ qua, nhưng cũng có phụ huynh khuyến khích con đánh trả. Vậy làm cách nào là tốt nhất?
Vài ngày trước, Hiểu Tình (sống ở Trung Quốc) đưa con gái Liên Liên (4 tuổi) đi chơi công viên. Tình cờ có một tiệm bán kem gần đấy, Liên Liên không kìm lòng được nên đòi mẹ mua cho. Nghĩ con gái cũng đã lâu không được ăn kem, vì vậy Hiểu Tình liền mua ngay cho con một que. Đúng lúc đó, có một cậu bé ngồi ở ghế đá bên cạnh cũng muốn ăn kem nhưng mẹ của bé từ chối. Do đó, cậu bé cứ nhìn chằm chằm vào que kem trên tay của Liên Liên với cảm giác thèm muốn.
Thấy vậy, Liên Liên vội vàng cầm que kem của mình thật chắc và ăn nó một cách nghiêm túc. Nhưng bất ngờ là bé trai kia đã không thể chịu đựng được nổi nữa nên lao tới muốn giật lấy que kem của con gái Hiểu Tình. Trong khi cả hai bà mẹ đều đang bối rối thì Liên Liên đã phản ứng rất nhanh. Cô bé liền dùng tay chặn lại, đẩy cậu bạn kia ra và nói lớn: “Đây là kem của mình. Bạn không được đụng vào”. Xấu hổ, cậu bé quay trở về ghế với mẹ khóc thút thít.
Liên Liên đã dùng tay đẩy cậu bạn kia ra và nói lớn: "Đây kem của mình" khiến Hiểu Tình rất tự hào (Ảnh minh họa)
Mẹ bé trai liền nói: “Kem thôi mà, con làm gì mà lớn tiếng với bạn vậy? Con đã làm bạn sợ đấy”. Bấy giờ, Hiểu Tình mới lên tiếng: “Chị à, con của chị đã đến giật kem của con tôi đấy. Con tôi phải phản kháng lại là điều đương nhiên. Chị không những không để ý đến con của mình, mà cả phép lịch sự cũng không dạy con đấy”.
Nhìn hai mẹ con nhà kia tức giận đến mức không nói nên lời, hằm hằm bỏ đi mà Liên Liên nhìn mẹ một cách tự hào rồi tiếp tục thưởng thức que kem của mình. Đổi lại, Hiểu Tình cảm thấy nhẹ nhõm vì qua sự việc lần này, chứng tỏ con gái cô không phải là một đứa trẻ dễ bị bắt nạt, nên cô cũng bớt lo lắng. Còn mọi người xung quanh lại lên tiếng khen ngợi phản ứng thông minh của Liên Liên, và nhận định rằng mẹ của cô bé đã có phương pháp giáo dục đúng đắn.
Ai cũng khen ngợi sự phản ứng thông minh, mạnh mẽ dứt khoát của Liên Liên, còn Hiểu Tình thở phào nhẹ nhõm vì phát hiện ra con mình không phải là một đứa trẻ dễ bị bắt nạt (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, cho dù cha mẹ có ở bên cạnh bảo vệ con như thế nào đi chăng nữa thì con bạn vẫn sẽ có đôi lần bị bắt nạt. Thế nên, điều quan trọng là cha mẹ phải dạy con cách tự bảo vệ bản thân và cách ứng phó khi bị bắt nạt. Đặc biệt, thái độ của con khi lần đầu tiên bị bắt nạt quyết định sự việc này có tiếp diễn ra nữa hay không. Do đó, nhất định các cha mẹ hãy dạy con những điều sau:
1. Tỏ thái độ bình tĩnh, cứng cỏi
Khi bị bắt nạt, việc đầu tiên trẻ phải làm là giữ thái độ bình tĩnh, cứng rắn. Tuyệt đối không được tỏ ra sợ hãi hay nhún nhường nghe lời. Bởi trẻ càng yếu đuối, kẻ bắt nạt lại càng thích thú và sẽ tiếp tục đem trẻ ra làm trò “mua vui”. Lúc đó, tình hình càng ngày càng tệ.
2. Tìm cách rời đi
Sau khi không chịu thua về khí thế, trẻ nên tìm cách rời đi, đừng manh động mà gây sự với người đang bắt nạt khi đang ở một mình. Nếu bị đuổi theo, hãy kêu cứu để người lớn xung quanh giúp đỡ.
3. Chia sẻ ngay sự việc với cha mẹ và thầy cô
Khi nhận được “tín hiệu” con đang bị bắt nạt, cha mẹ nên là chỗ dựa vững chắc cho con. Đầu tiên, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao con bị bắt nạt, từ đó tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng nhất. Cho dù bắt nguồn sự việc này là do lỗi của trẻ, thì trong tình huống này các ông bố bà mẹ vẫn nên giữ bình tĩnh, không được nóng nảy mắng con “tự làm tự chịu”. Thay vào đó, hãy hướng dẫn con cách giải quyết vấn đề một cách chính xác, đồng hành và luôn ở bên cạnh để bảo vệ con.