Nếu nhiều người phụ nữ chỉ đau đớn mang nặng 9 tháng 10 ngày là có được đứa con thì chị Bùi Thị Na (sống tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) phải vất vả hơn đó gấp nhiều lần khi 4 lần mang thai nhưng các con đều ra đi mãi mãi. Chỉ đến khi mang bầu lần 5 chị mới chính thức được bế đứa con bé bỏng trong vòng tay.
Chị Na lập gia đình khá sớm xong phải gần 5 năm sau mới được ôm con trong tay.
Phát hiện tử cung đôi trong khi lấy nhau thai
Khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa sau khi học xong phổ thông bước vào cảnh cổng các trường chuyên nghiệp thì chị Na lựa chọn kết hôn sớm ở độ tuổi 18. Sau đám cưới 5 tháng chị hạnh phúc khi hay tin mình cấn bầu, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi bào thai mới được vài tuần chị thấy có dấu hiệu ra huyết đen và siêu âm cho kết quả chết lưu.
Vì không tin vào kết luận của bác sĩ, hai vợ chồng chị tiếp tục chở nhau đến một vài cơ sở y tế để kiểm tra lại nhưng mọi nơi đều có chung một kết luận giống như trước đó.
Mười ngày sau khi xử lý thai lưu nhưng vẫn chưa hết sản dịch, tới bệnh viện khám lại chị Na được bác sĩ thông báo bị sót nhau, trong quá trình thủ thuật lấy nhau thai bác sĩ tiếp tục phát hiện chị gặp một dị dạng tử cung hiếm gặp ở nữ giới, là hiện tượng tử cung đôi. Người có tử cung đôi không khó mang thai nhưng lại rất khó giữ thai.
Chị nói: “Nghe những kết luận và cả lời khuyên của bác sĩ, mình thấy buồn lắm. Khi gia đình nhà chồng và hàng xóm biết tình trạng sức khỏe của mình ai cũng đều nói không sinh con được, làm cho tinh thần của hai vợ chồng càng đi xuống”.
Ba tháng sau chị Na có bầu trở lại, lần này chị cảm nhận thai khỏe hơn trước nên bản thân khá chủ quan. Bước vào tuần 20 chị bắt đầu thấy xuất hiện hiện tượng căng cứng bụng, hai vợ chồng lập tức lên bệnh viện tuyến khu vực, qua thăm khám bác sĩ nhận thấy cổ tử cung thai phụ đã mở nên không thể giữ bé thêm được ngày nào trong bụng nữa, con chào đời quá non nên đã bỏ bố mẹ ra đi mãi.
Để có được con thơ, chị đã phải trải qua một hành trình dài vất vả khi 4 lần mang bầu các con đều ra đi.
Sau thủ thuật lấy thai ra được vài ngày chị không may bị băng huyết buộc tái nhập viện xử lý. Nằm bệnh viện theo dõi sức khỏe, chị Na như người mất hồn, đau xót trách bản thân bao nhiêu chị lại thấy thương chồng bấy nhiêu.
Thú nhận là người dễ mang bầu, chỉ sau ngày xảy ra biến cố mất con do sinh non rất ngắn, chị lại tiếp tục có bầu. Lần này chị vẫn khỏe mạnh, trải qua những tuần đầu thai kỳ khá nhẹ nhàng, không có dấu hiệu ốm nghén hay mệt mỏi. Vì lo xa nên ngoài bổ sung vitamin, sắt chị còn kết hợp thuốc nam uống bồi bổ.
Những tưởng mọi chuyện sẽ suôn sẻ cho đến những ngày cuối thai kỳ nhưng khi vừa bước sang tháng thứ 5 chị cảm nhận rõ những thay đổi bất thường trong cơ thể, hàng loạt các dấu hiệu chuyển dạ giống hệt lần mất con trước đó xuất hiện, chị lên cơn gò mỗi lúc một nhiều nên được chồng chở tới bệnh viện phụ sản Hà Nội. Song tiền sử hở eo cổ tử cung và sinh non lại một lần nữa cướp đi đứa con thơ còn chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.
Dù thất bại nhiều lần nhưng vợ chồng chị Na vẫn chưa khi nào thôi mong chờ một ngày được ôm con ru tiếng ru “à ơi”. Cuối năm 2011 chị mang bầu lần thứ 4, tuy nhiên đến tuần thứ 6 chị đi khám thì phát hiện thai đã lưu trước đó.
Vậy là chị Na trải qua bốn lần mất con, đó cũng là 4 lần chị liên tiếp chịu đau đớn và nỗi buồn. Vì nghĩ thương chồng, biết bản thân mình lại khó sinh con, chị Na đã không ít khuyên chồng đi lấy vợ mới để được làm cha. Thế nhưng, sau tất cả những khó khăn và thất bại anh vẫn ở bên nắm tay chị đi qua các hành trình gian khó.
Chị Na và em bé thứ 2.
Khổ tận mang bầu lần 5
Sau lần mất con thứ 4, chị Na cùng chồng tiếp tục hăng say lao động để quên đi những đau đớn mà hai vợ chồng từng trải qua. Anh chị quyết định kế hoạch một năm để chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho lần mang thai sau. Đúng như kế hoạch đưa ra, một năm sau chị Na đậu thai trở lại.
Thận trọng hơn hẳn so với 4 lần trước, lần này chị tìm bác sĩ có chuyên môn cao để đăng ký theo dõi ngay từ những ngày đầu thai kỳ. Cứ hai tuần vợ chồng chị lại tới gặp bác sĩ để kiểm tra một lần. Chị Na đều đặn đi lại như vậy suốt 28 tuần mang thai thì đến ngày thứ 2 của tuần 28 chị bất ngờ ra máu tươi, hoảng loạn chị giục chồng đưa tới bệnh viện cấp cứu và may mắn lần này hai mẹ con qua cơn nguy kịch.
Do có tiền sử sinh non nên chị được bác sĩ động viên nằm một chỗ suốt 2 tuần sau đó mới được xuất viện. Mẹ 9X nói: “Về nhà mình ăn nằm một chỗ 2 tuần nữa thì có dấu hiệu ra dịch hồng, gò cứng bụng. Biết sẽ gặp nguy hiểm nên nói chồng đưa tới bệnh viện, tuy nhiên vì nhà xa trung tâm lại tắc đường nên mình vỡ ối ngay trên xe. Tới bệnh viện bác sĩ hội chẩn cho biết thai ngược lại bé nên nguy cơ khó có thể nuôi được”.
Lúc này cổ tử cung chưa mở hết nên chị Na nằm trên giường suốt 3 tiếng đồng hồ với tâm trạng hoang mang, lo lắng. Vừa thiếp đi chốc lát chị đau bụng quằn quại đem theo cơn rặn nhưng vì thai ngôi ngược nên một chân em bé đã thò ra ngoài cửa mình của mẹ, chân còn lại vẫn ở phía trong khiến cho ca đỡ đẻ gặp nhiều khó khăn.
Sau nhiều khó khăn, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, vợ chồng chị Na đã được đền đáp xứng đáng khi tổ ấm nhỏ đã có đủ nếp đủ tẻ.
Nhớ lại thời khắc “vượt cạn” đó, chị nói: “Lúc đó hơn 9 giờ tối, vì ca sinh hiếm gặp nên kíp đẻ hôm đó các bác phải điều động gần như toàn bộ y tá, thậm chí cả sinh viên thực tập của khoa đến hỗ trợ. Đúng lúc đang chuẩn bị chuyển sang phòng mổ để tiến hành phẫu thuật bắt em bé ra ngoài thì mình có cơn rặn đẻ, thế là sau 2 lần rặn theo nhịp của của bác sĩ thì em bé cũng chào đời an toàn. Bé gái nặng 1.8kg khóc to, mẹ nằm trên bàn đẻ nước mắt cũng tuôn theo. Khi đã lau dọn sạch sẽ cho em bé bác sĩ hỏi mẹ muốn đặt tên cho con là gì mà không nhớ ra một cái tên nào để đặt, chưa kịp nghĩ tên thì bác sĩ nói: “Mẹ tên là Na thì con tên là Bưởi nhé”. Vậy là tên con gái mình là Quách Thị Bưởi ra đời từ đó”.
Theo lời chị Na, do ngày mang bầu chị bổ sung nhiều thuốc nội tiết nên khi sinh xong rau vẫn bám khá chắc, các bác sĩ gặp không ít khó khăn khi thủ thuật làm sạch dạ con cho chị. Là trường hợp sinh con thai ngôi ngược lại từng 4 lần sinh non nên chị được chỉ định nằm viện theo dõi nửa tháng mới được xuất viện.
Con chào đời theo một cách rất đặc biệt song may mắn mọi chỉ số phát triển và sức khỏe hệ tiêu hóa đến giác quan của con đều ổn định. Sự có mặt của con chính là liều thuốc chữa lành tất cả những mất mát, đau thương trên hành trình vất vả mẹ đã từng nếm trải, song cũng chính là động lực vô cùng lớn lao để những người phụ nữ không may gặp bất thường về sức khỏe sinh sản nỗ lực, kiên trì gặt được trái ngọt của tình yêu.