Có nhiều phương pháp dùng để điều trị trầm cảm sau sinh. Dựa vào tình trạng bệnh thực tế mà các bác sĩ sẽ có những chẩn đoán và đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.
I. Nếu trầm cảm ở mức độ nhẹ
1. Tăng cường giao tiếp
Người mẹ có thể mong muốn giữ riêng những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân mình, đặc biệt là đối với những người mẹ có tâm lý hướng nội. Nhưng tốt hơn hết là chị em nên nói chuyện, chia sẻ nhiều hơn với những người mà mình tin tưởng. Khi đó, mẹ sẽ cảm nhận được rằng mình không đơn độc, vẫn có những người khác sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu.
2. Duy trì các mối quan hệ
Phụ nữ sau sinh có thể không nhất thiết phải thiết lập quá nhiều các mối quan hệ mới trong xã hội. Tuy nhiên, mẹ cần phải cố gắng duy trì các mối quan hệ gần gũi, thân quen trước đây. Điều này sẽ giúp mẹ cảm thấy có sự kết nối, thân thiết hơn với mọi người. Ngoài ra, mẹ có thể tham gia vào một nhóm hỗ trợ trầm cảm hoặc nhóm dành riêng cho những người mới làm mẹ. Nếu chị em đã thôi không tham gia các hoạt động hội nhóm trước đó thì nên cân nhắc tới việc thử lại. Có thể việc này sẽ giúp ích, giảm bớt dấu hiệu trầm cảm ở mẹ. Khi sinh hoạt nhóm, mẹ sẽ tập trung vào những vấn đề khác, giảm bớt sự căng thẳng.
3. Cắt giảm công việc
Trong lúc này, mẹ nên cắt giảm bớt những công việc lặt vặt, tránh phải làm quá nhiều việc. Cần sử dụng thời gian, năng lượng để chăm sóc các nhu cầu cơ bản của bản thân và em bé. Nếu có thể thì tốt nhất mẹ nên nhờ tới sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè. Chắc chắn chị em sẽ cảm thấy đỡ áp lực hơn.
4. Nghỉ ngơi và thư giãn
- Mẹ cần lưu ý rằng cả cơ thể và tinh thần đều cần có một giấc ngủ sâu và ngon. Nếu em bé không chịu ngủ trong một khoảng thời gian dài thì chị em có thể nhờ ai đó trông con để nghỉ ngơi và có một giấc ngủ. Khi cảm thấy khó ngủ, mẹ hãy thử tắm nước ấm, đọc một cuốn sách, nghe nhạc hay bất cứ điều gì để giúp thư giãn. Ngoài ra, thiền và massage cũng có thể giúp mẹ bớt căng thẳng và chìm vào giấc ngủ được dễ dàng hơn.
- Mẹ cũng không cần cố ép buộc bản thân làm những điều mình không thích hoặc gây khó chịu cho bản thân. Điều này không tốt vì sẽ gây ức chế trong cảm xúc của người mẹ.
Khi bị trầm cảm sau sinh, mẹ nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn. (Ảnh minh họa)
5. Tập thể dục đều đặn
Việc tập thể dục có thể giúp nâng cao tinh thần của người mẹ. Khi đã phục hồi thể chất sau khi sinh, chị em hãy cố gắng tập thể dục mỗi ngày. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tập thể dục sau khi sinh có liên quan đến việc tăng cảm giác hạnh phúc ở người mẹ. Mẹ có thể nhờ các bác sĩ tư vấn thêm về các bài tập phù hợp.
6. Hiểu rõ vai trò và tin tưởng bản thân
Một điều rất quan trọng để khắc phục trầm cảm sau sinh đó là mẹ cần phải hiểu và nhận thức rõ vị trí, vai trò của bản thân ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, chị em phải có niềm tin ở bản thân, luôn tin tưởng mình sẽ trở nên tốt hơn. Đây là điều cần phải kiên trì tâm niệm mỗi ngày mới có thể mang lại một kết quả tích cực.
7. Cho bé bú nhiều hơn
Nếu người mẹ sau khi sinh bị trầm cảm thì cần phải cho con bú thường xuyên hơn để việc điều trị trầm cảm đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi điều trị nếu cần dùng đến thuốc phải dừng cho con bú thì mẹ cũng không nên cho bé bú tiếp để đảm bảo sức khỏe của con.
8. Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng
Người mẹ bị trầm cảm sau sinh cần phải có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh. Chị em cần chú ý ăn nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng và ăn đa dạng các loại thực phẩm. Cụ thể cần bổ sung các loại thực phẩm sau để hỗ trợ điều trị và phòng tránh các rối loạn tâm thần:
Thực phẩm giàu Protein
- Protein trong thực phẩm sẽ giúp kích thích sản xuất nội tiết tố của mẹ bầu và phụ nữ mới sinh. Người mẹ sau sinh cần 2-3 khẩu phần protein mỗi ngày.
- Protein có nhiều trong các loại thực phẩm như: thịt nạc, thịt gia cẩm, chân giò, đậu Hà Lan, trứng, chuối,...
Sản phẩm từ sữa ít béo
Hàng ngày, mẹ nên ăn các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai...Các loại thực phẩm này sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như: vitamin D, protein, vitamin B, canxi... Mẹ hãy uống ít nhất 705 ml sữa mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Rau củ
Loại thực phẩm này rất tốt cho mẹ vì có chứa nhiều vitamin A, vitamin C, canxi, chất chống oxy hóa nhưng lại ít calo. Một số loại rau củ mà người mẹ nên ăn là: cải bó xôi, cải cầu vồng, súp lơ xanh, đậu cô ve, đậu đũa, củ cải, cà rốt, khoai lang, khoai tây…
Trái cây
- Phụ nữ sau khi sinh và đang trong thời kỳ cho con bú cần ăn tối thiểu 150g trái cây hoặc uống nước trái cây hàng ngày. Nó sẽ giúp mẹ nâng cao sức đề kháng cũng như duy trì năng lượng trong ngày.
- Sau khi sinh thì người mẹ sẽ cần được cung cấp nhiều vitamin C hơn. Vì vậy, chị em nên ăn nhiều trái cây họ cam, quýt. Một số loại trái cây khác như nho, táo, đào, dứa, chuối tiêu, hồng, việt quất cũng hết sức bổ dưỡng.
Ngũ cốc nguyên hạt
- Khi phải chăm sóc em bé, mẹ sẽ cần rất nhiều năng lượng hơn bình thường. Vì thế, chị em nên ăn ngũ cốc nguyên hạt để được bổ sung các vitamin và chất dinh dưỡng thiết yếu mỗi ngày. Chỉ cần ngũ cốc nguyên hạt, sữa không béo cùng trái cây là mẹ đã có một bữa sáng đủ dinh dưỡng.
- Mẹ cũng có thể thay thế ngũ cốc nguyên hạt bằng bánh mì ngũ cốc. Loại bánh mì này chứa axit folic - một chất hết sức quan trọng.
Gạo lứt
Việc ăn gạo lứt sẽ giúp mẹ được bổ sung lượng carb lành mạnh, duy trì năng lượng mỗi ngày. Ngoài ra, gạo lứt sẽ cung cấp đủ lượng calo cần thiết để sữa mẹ có chất lượng hơn.
9. Nhờ sư hỗ trợ từ người thân
Khi người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thì vai trò của người chồng lúc này hết sức quan trọng. Việc người chồng quan tâm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ trong giai đoạn này cũng sẽ giúp người vợ có thể giảm bớt đi triệu chứng trầm cảm. Hơn bất cứ ai, người chồng, gia đình, người thân….cần phải bên cạnh người mẹ trầm cảm bất cứ lúc nào để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
II. Nếu trầm cảm ở mức độ nặng
Trong trường hợp người mẹ đã bị trầm cảm ở mức độ nặng thì cần phải áp dụng những cách đã nêu trên đây kết hợp với một số phương pháp khác như:
1. Sử dụng thuốc
Thuốc chống trầm cảm
- Nếu mẹ bị trầm cảm nặng, bác sĩ có thể kê thuốc chống trầm cảm. Những loại thuốc này có tác dụng giúp giảm bớt sự cáu kỉnh, vô vọng, mất tập trung và mất ngủ.
- Nhược điểm của những loại thuốc này là có thể truyền cho trẻ sơ sinh thông qua sữa mẹ. Nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy những rủi ro về sau này. Theo một số nghiên cứu cho thấy rằng thuốc chống trầm cảm ba vòng sẽ an toàn đối với những phụ nữ đang cho con bú.
- Các thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs) không phù hợp với những người có tiền sử bệnh tim, động kinh hoặc trầm cảm nặng với những suy nghĩ tự tử thường xuyên.
- Mẹ bị mắc trầm cảm sau sinh cần phải trao đổi với bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, có thể bao gồm thuốc chống trầm cảm, an toàn cho cả mẹ và bé.
Thuốc an thần
Loại thuốc này có thể được bác sĩ kê đơn đối với những trường hợp rối loạn tâm thần sau sinh, người mẹ có thể bị ảo giác, có ý nghĩ tự tử. Tuy nhiên, các loại thuốc an thần chỉ nên được sử dụng trong một thời gian ngắn vì có thể gây ra một số tác tác dụng phụ như sau:
- Mất thăng bằng
- Mất trí nhớ
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
- Sự hoang mang
2. Liệu pháp tâm lý
Đối với những mẹ bị trầm cảm nặng thì việc áp dụng riêng một mình liệu pháp tâm lý sẽ ít đem lại hiệu quả. Tốt nhất là phải kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc uống. Loại trị liệu này dựa trên nguyên tắc những suy nghĩ của con người cũng có thể kích hoạt trầm cảm. Mẹ bầu sẽ được hướng dẫn quản lý tốt suy nghĩ cũng như trạng thái tâm trí của mình để chúng trở nên tích cực hơn.
3. Liệu pháp sốc điện (ECT)
Nếu các triệu chứng của trầm cảm trở nên nghiêm trọng đến mức các phương pháp điều trị khác không hiệu quả thì có thể xem xét đến liệu pháp sốc điện. Phương pháp này thường được sử dụng cho những trường hợp mắc trầm cảm nặng, xuất hiện ảo giác và có nguy cơ tự tử cao. Tác dụng phụ có thể xảy ra là đau đầu, mất trí nhớ. Tuy nhiên, đa phần mẹ bị trầm cảm sau sinh không đến mức sẽ phải dùng liệu pháp sốc điện. Mẹ sẽ được điều trị hiệu quả bằng thuốc hay liệu pháp tâm lý.