Cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh vào mùa đông theo quy tắc "bốn ấm một lạnh"
Quy tắc này đã có từ lâu, quy tắc bốn ấm một lạnh gồm: tay ấm, lưng ấm, bụng ấm, bàn chân ấm. Khi mặc quần áo cho trẻ sơ sinh, mẹ nên kiểm tra xem bàn tay con có ấm không, không đổ mồ hôi là đủ chuẩn. Chỉ giữ cho lưng ấm vừa đủ, vì nếu nóng quá, bé sẽ đổ mồ hôi mà nếu mẹ không biết để lau, mồ hôi sẽ thấm ngược vào gây tình trạng cảm lạnh, viêm phổi.
Cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh vào mùa đông. (Ảnh minh họa)
Bàn chân ấm là do chân có chứa nhiều mạch và huyết, cũng là nơi nhạy cảm nhất của cơ thể, chân lạnh sẽ là nguyên nhân dễ khiến bé mắc bệnh về hô hấp. Bụng ấm là để bảo vệ dạ dày cho con, nếu như bụng bị lạnh sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu hóa, hấp thụ thức ăn của bé.
"Một lạnh" chính là đầu của bé, mẹ không nên ủ đầu quá kín cho con, đặc biệt là khi con bị sốt. Mùa đông mẹ vẫn nên giữ cho đầu của bé thật thoải mái, khi ra đường, chỉ cần đội cho bé một chiếc mũ vừa xinh để giúp tránh gió là được.
Ngoài ra, việc đội mũ cho trẻ khi đi ngủ là không cần thiết, thậm chí còn khiến cho nhiệt độ trong não của bé tăng cao, làm ảnh hưởng đến hoạt động tại vùng thần kinh kiểm soát hô hấp.
Giữ ấm cho trẻ sơ sinh khi mặc quần áo
Trong những ngày đông lạnh, mẹ nên mặc những bộ quần áo liền thân cho bé sơ sinh, ủ chăn bên ngoài cho bé thay vì chỉ mặc một chiếc áo khoác dày hoặc chiếc áo nọ chồng lên chiếc áo kia. Tốt nhất là mẹ không nên mặc quá 4 lớp áo.
Không nên mặc quần áo quá dày cho trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa)
Nếu đưa trẻ ra ngoài, có thể thực hiện nguyên tắc mặc ấm theo trình tự sau: lớp áo cotton bên trong cùng vừa vặn cơ thể để giúp thấm hút mồ hôi, một chiếc áo len, nỉ hoặc dạ dài tay che kín cổ ở lớp tiếp theo, lớp tiếp theo là chiếc áo khoác để chắn gió và giữ ấm khi bé ra đường.
Cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh vào mùa đông khi đi ngủ
Mùa đông thường đêm sẽ rất lạnh, mẹ nên đắp thêm chăn cho bé chứ không nên quấn quá chặt chăn quanh người bé vì có thể gây khó thở. Chất liệu chăn xốp nhẹ hoặc cotton là phù hợp nhất. Không nên chọn loại chăn chất liệu len thường rất nặng và gây nguy cơ ngứa cho bé. Khi bé ngủ ban ngày thì không cần cầu kỳ như ban đêm do nhiệt độ ban ngày bao giờ cũng cao hơn.
Cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh khi tắm
Với trẻ sơ sinh, vào mùa đông, mẹ chỉ cần tắm khoảng 2-3 lần/ tuần cho bé, không nên tắm quá sớm hoặc quá muộn trong ngày. Thời gian lý tưởng nhất là khoảng từ 10h-10h30 sáng hoặc từ sau 13h đến trước 16h. Thời gian tắm cho bé không nên kéo dài quá 5 phút kể từ khi bắt đầu cho bé xuống nước cho đến khi bế bé ra khỏi chậu và đảm bảo nước vẫn phải giữ đủ ấm để tắm.
Cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh khi tắm. (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp nhiệt độ trong nhà quá thấp, mẹ cần phải dùng đến các thiết bị để sưởi ấm như quạt sưởi, điều hòa để giúp không khí ấm áp hơn. Đặc biệt, không nên để quạt sưởi hoặc quạt điều hòa chĩa thẳng đến người bé vì có thể làm bé dễ bị khô da, gây bỏng cho con.
Nếu tắm trong nhà tắm, mẹ phải đóng kín cửa nhà tắm, cửa sổ, tránh những khe gió lùa. Nên có máy sưởi bật lên để không khí ấm áp hơn rồi hãy cởi quần áo để tắm cho con. Nhiệt độ nước tăm khoảng từ 33-36 độ C là phù hợp nhất.
Ngoài ra, mẹ cần phải chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cho bé như quần áo, khăn, tất, bao tay để sẵn trên giường. Tốt hơn hết là nên làm ấm đồ trước để sau khi tắm xong, trẻ mặc luôn không bị lạnh.
Trong quá trình tắm cho bé, mẹ cần nhớ đến nguyên tắc, rửa mặt đầu tiên rồi tắm toàn thân và cuối cùng là gội đầu. Sau khi đã tắm cho bé xong, mẹ đặt bé vào trong khăn, quấn thật kín từ đầu xuống chân rồi bế bé áp sát vào trong lòng mình rồi mới lau người cho bé.
Giữ ấm cho trẻ sơ sinh là hoàn toàn cần thiết. (Ảnh minh họa)
Lưu ý khi giữ ấm cho trẻ sơ sinh vào mùa đông
- Nhiệt độ phòng phù hợp nhất là từ 22-24 độ C đối với bé sơ sinh đủ tháng. Khoảng từ 24-26 độ C với bé sơ sinh thiếu tháng.
- Tránh đặt bé tại nơi có gió lùa trực tiếp như cửa sổ, cửa chính đang mở hoặc những khe cửa có nhiều gió.
- Mặc cho bé một vài lớp áo để giúp dễ dàng cởi bỏ những lớp bên ngoài nếu không cần thiết.
- Không để tóc bé bị ướt khi đội mũ.
- Mùa đông bé cần được giữ ấm nhưng không nên ủ ấm bé quá mức dễ khiến bé bị nóng.