Hết 6 tháng nghỉ thai kỳ, tôi quay trở lại công việc văn phòng nên bàn với chồng thuê bảo mẫu. Thông qua một người thân làm trong công ty tuyển dụng việc làm, tôi chọn được người bảo mẫu phù hợp với tiêu chí bản thân đặt ra. Gia đình tôi trả cô ấy mức lương 10 triệu/tháng, chủ yếu nhiệm vụ của bảo mẫu là sát sao mọi vấn đề liên quan đến con gái, còn việc nhà thì tôi không ép buộc.
Từ ngày cô bắt đầu làm việc đến nay cũng đã được 3 tháng, tôi rất vui vì tìm được bảo mẫu ưng ý. Cô ấy chăm con tôi cực kỳ chu đáo. Nhìn cách bảo mẫu lo từng bữa ăn, giấc ngủ, vui chơi của con là tôi cũng biết được tính cách của cô khá kỹ. Nếu không có vấn đề gì thì tôi muốn thuê cô ấy cho đến khi con gái đến tuổi đi học mẫu giáo.
Ảnh minh hoạ
Nhưng khoảng thời gian sau đó, chồng bỗng đề nghị với tôi chuyện đổi bảo mẫu khác. Tôi khó hiểu, chả biết vì lý do gì mà một bảo mẫu chất lượng như thế lại khiến chồng không hài lòng. Cuối cùng anh ấy đã trả lời rằng, bảo mẫu kỹ tính quá. Nghe anh nói tôi đơ người, kỹ tính thì tốt cho con chứ có sao đâu. Nhưng chồng tôi lại đưa ra những phân tích khiến tôi không cãi được vì nó thực sự hợp lý.
Anh ấy bảo con đã gần 1 tuổi rồi nhưng hễ thấy người lạ là sợ, rụt rè và không hoạt bát như những đứa trẻ bằng tuổi khác. Và điều này xuất phát từ việc bảo mẫu lúc nào cũng giữ đứa trẻ khư khư bên mình, không cho con tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Hơn nữa, từ lúc thuê bảo mẫu đến nay, con gái không còn được bụ bẫm như lúc mới sinh, bé cũng rất hay ốm vặt do sức đề kháng yếu.
Chồng tôi cho rằng, so với việc "giữ" con thì "thả" đứa trẻ ra, con chắc chắn sẽ khoẻ mạnh hơn về cả sức khoẻ vật chất lẫn tinh thần. Chăm con mà cứ muốn bỏ nó vào "lồng kính" nên con không có cơ hội được phát triển gần gũi với cuộc sống thực tế. Đây là cách giáo dục hoàn toàn sai lầm, khiến nhiều đứa trẻ trở thành những "chú gà công nghiệp", ốm yếu vì không được tiếp xúc với vi khuẩn để hình thành miễn dịch, thiếu kỹ năng sống vì không được tiếp xúc với mọi người xung quanh.
Ảnh minh hoạ
Sau khi nghe chồng đưa ra quan điểm như trên, tôi mới thấy mình sai. Tôi cũng là người kỹ tính nên cứ nghĩ con còn nhỏ cần được bao bọc, chăm sóc cẩn thận hơn để đứa trẻ phát triển khoẻ mạnh và toàn diện. Cách nuôi dạy này ngày nay cũng được nhiều bà mẹ hiện đại áp dụng, nhưng từ câu chuyện của bản thân, tôi hy vọng nó sẽ là một bài học để các ông bố bà mẹ bỉm nhận ra rằng, đôi khi chúng ta càng cầu toàn thì lại khiến mọi thứ không được hoàn hảo.
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Như thế nào là chăm con quá kỹ?
Chăm con quá kỹ là một cách tiếp cận nuôi dạy trẻ quá cầu toàn, gò bó, khiến trẻ không có cơ hội phát triển một cách tự nhiên và lành mạnh.
Một số biểu hiện của việc chăm con quá kỹ bao gồm, bố mẹ quá tập trung vào thành tích học tập, ép buộc trẻ học quá nhiều, không cho phép trẻ nghỉ ngơi, vui chơi, đồng thời áp đặt các mục tiêu quá cao, không phù hợp với khả năng của trẻ.
Bên cạnh đó, bố mẹ còn kiểm soát quá mức, can thiệp quá sâu vào các hoạt động, quyết định của trẻ, không cho trẻ cơ hội thử sức, tự khám phá và học hỏi từ sai lầm. Ngoài ra, quá quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn, quá lo lắng, sợ hãi và cấm trẻ làm những việc có chút rủi ro, không cho trẻ cơ hội tự lập, vận động và khám phá môi trường cũng là biểu hiện của việc chăm con kỹ.
Cuối cùng, sự thiếu tôn trọng quyền riêng tư và độc lập của trẻ, lạm dụng việc theo dõi, kiểm soát trẻ bằng công nghệ, can thiệp vào không gian cá nhân của trẻ, cùng với việc thiếu kiên nhẫn và tin tưởng vào khả năng của trẻ cũng là những cách nuôi dạy con sai.
Chăm con quá kỹ sẽ mang lại kết quả ra sao?
Việc bố mẹ chăm sóc con quá kỹ càng có thể mang lại nhiều bất lợi đối với sức khỏe của trẻ. Một trong những hệ lụy đáng lưu ý là làm yếu hệ miễn dịch của bé. Khi cha mẹ quá bảo vệ và can thiệp vào mọi khía cạnh, trẻ sẽ không có cơ hội tiếp xúc và rèn luyện hệ miễn dịch một cách tự nhiên. Điều này khiến hệ miễn dịch của trẻ khó vững mạnh, dễ mắc các bệnh thông thường như cảm lạnh, cúm.
Ngoài ra, sự bảo vệ quá mức cũng có thể khiến trẻ dễ mắc các vấn đề tâm lý. Trẻ trở nên quá nhạy cảm, lo lắng về mọi thứ xung quanh, dẫn đến các vấn đề như lo âu, sợ hãi. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Đồng thời, con cũng sẽ có nguy cơ chậm phát triển các kỹ năng vận động và khả năng thích ứng do không được tự do khám phá.
Sự cưng chiều, bảo vệ quá mức còn có thể khiến trẻ trở nên yếu đuối, dễ bị tổn thương, không có khả năng tự lập và chống chọi với những khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, cha mẹ cần tìm sự cân bằng hợp lý trong việc chăm sóc con, vừa đảm bảo an toàn vừa tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm, rèn luyện và phát triển một cách lành mạnh.