Mang thai hộ là phương pháp được nhiều cặp đôi đồng tính nam hoặc vợ chồng hiếm muộn do người vợ không đủ sức khỏe mang thai thực hiện. Tuy nhiên, trước khi tiến hành mang thai hộ, lời khuyên cho các cặp đôi là phải tìm hiểu kĩ càng về luật pháp tại nơi mình sinh sống để tránh rơi vào tình huống "lỡ dở" như cặp vợ chồng dưới đây.
Tammy Myers là một bà mẹ sống tại Michigan (Mỹ). Năm 2015, khi đang cố gắng mang bầu bé thứ 2, Tammy phát hiện mình mắc ung thư vú. Cô lập tức đông lạnh trứng trước khi trải qua hàng loạt cuộc phẫu thuật cắt bỏ một phần tử cung và 2 bên vú.
Tình trạng sức khỏe của Tammy sau khi phẫu thuật không cho phép mang thai nữa nhưng cô vẫn luôn muốn có thêm con nên đã nghĩ đến phương pháp mang thai hộ. Tuy vậy, chi phí điều trị ung thư cao ngất ngưởng khiến đôi vợ chồng vướng vào nợ nần, không đủ tiền chi hàng chục nghìn USD để thuê người.
Tammy đã phải nhờ người mang thai hộ vì bị ung thư và phải cắt bỏ một phần tử cung.
Vậy là Tammy và chồng - Jordan quyết định chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội. Lauren Vermilye, một phụ nữ 35 tuổi sống gần đó, tình cờ đọc được bài đăng và quyết định giúp đỡ. "Vợ chồng tôi rất may mắn vì mang thai và sinh nở dễ dàng. Thật bất công khi người khác lại không như vậy", Lauren nói.
Tháng 6/2020, phôi tạo từ trứng của Tammy và tinh trùng của Jordan được cấy vào tử cung Lauren, bắt đầu quá trình mang thai hộ một cặp song sinh. Từ đó, gia đình Lauren cũng trở thành bạn thân với nhà Myers. Cả 4 người đều rất háo hức chờ ngày "vượt cạn". Giữa tháng 1/2021, Eames và Ellison chào đời, sớm hơn dự kiến 8 tuần song đến nay, vợ chồng Myers vẫn chưa thể đưa các con về nhà.
Nguyên nhân là vì theo luật pháp bang Michigan, chỉ cha mẹ sinh học mới được coi là người giám hộ hợp pháp. Theo đó, trên giấy khai sinh của cặp sinh đôi ghi tên vợ chồng người mang thai hộ chứ không phải vợ chồng Tammy. Dù được xác nhận bởi bác sĩ sản khoa và vợ chồng người đẻ thuê, thẩm phán bang Michigan đã 2 lần từ chối yêu cầu công nhận quyền làm cha mẹ của vợ chồng nhà Myers.
Vì thế, Jordan và Tammy buộc phải làm thủ tục nhận nuôi gồm các bước như để nhân viên xã hội tới thăm nhà, kiểm tra lý lịch và quan sát môi trường nuôi dạy trẻ. Ngoài ra, họ cũng cần có "sự cho phép tạm thời" từ người sinh hộ Lauren để đón các con về nhà.
"Chúng tôi thực sự căng thẳng và áp lực. Đặc biệt là Jordan, tôi chưa bao giờ thấy anh ấy suy sụp tới vậy", Tammy giãi bày.
Sau khi bạn thân sinh con thành công, vợ chồng Tammy không được công nhận là bố mẹ hợp pháp của các bé mà phải tiến hành nhận con nuôi.
Richard Vaughn, đối tác sáng lập nhóm Luật Sinh sản Quốc tế ở Los Angeles, luật mang thai hộ thay đổi theo từng bang tại xứ cờ hoa. Một số bang lập tức công nhận quyền làm cha mẹ của người nhờ đẻ thuê. Nhưng cũng có những bang như Michigan, nơi thuê người mang thai hộ là bất hợp pháp.
Đáng nói, mọi thỏa thuận giữa người mang thai hộ và cha mẹ đẻ đều "vô hiệu và không thể thực thi". Điều này có nghĩa bất kỳ cư dân bang Michigan nào có con nhờ đẻ thuê đều phải tới tòa án để được công nhận là cha mẹ hợp pháp hoặc làm thủ tục nhận nuôi. Thậm chí, luật pháp bang này còn quy định hành vi thuê người mang thai hộ có thể nhận mức phạt 5 năm tù giam và 50.000 USD.
Điều kiện nhờ mang thai hộ tại Việt Nam Ở Việt Nam, hành vi thuê người mang thai hộ cũng không được luật pháp chấp nhận, chỉ có thể nhờ người mang thai hộ với mục đích nhân đạo khi đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây: Với người nhờ mang thai hộ: - Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. - Vợ chồng đang không có con chung; - Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Với người được nhờ mang thai hộ: - Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. - Người đó đã từng sinh con một lần và chỉ được mang thai hộ một lần. - Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhân của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; - Phải có sự đồng ý của chồng (nếu người được nhờ mang thai hộ đã có chồng) - Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. |