Tết đến cận kề, ai nấy đều vui vẻ hồ hởi chờ đón từng ngày nhưng có lẽ với những ai ở trong hoàn cảnh của tôi sẽ hiểu cảm giác bất lực khi phải để con cái chứng kiến cảnh mẹ chồng nàng dâu là như thế nào.
Tôi là gái tỉnh lẻ lấy chồng thành phố sau đó cũng sinh sống và làm việc tại đây. Vợ chồng tôi hiện đã có 2 cháu, sống chung nhà với bố mẹ chồng từ ngày lấy nhau nên cũng được ông bà đỡ đần nhiều từ kinh tế đến hỗ trợ chăm sóc các con. Vậy nên tôi luôn biết ơn bố mẹ chồng lắm, hầu hết mọi việc trong nhà đều nghe theo ông bà bởi bố mẹ chồng tôi cả hai đều có tính gia trưởng và cũng "nở mặt" với mọi người lắm vì chọn được đứa con dâu ngoan ngoãn, biết điều là tôi.
Gần 10 năm về làm dâu gia đình, sinh con cháu cho gia đình chồng là gần 10 cái Tết tôi chưa được đón Tết ở nhà đẻ của mình. Tôi rất nhớ cái cảm giác xưa kia nên nhiều lần nuôi ý định đưa con về quê đón Tết nhưng mẹ đẻ tôi luôn động viên, phải lo chu toàn cho nhà chồng đã rồi mới lo đến nhà mình. Vậy nên tôi cũng ngậm ngùi gác ước mơ của mình lại.
Ảnh minh họa
Thế nhưng Tết 2024 này các con đều đã lớn, hơn hết đứa con gái lại chính là người gợi ý cho tôi về quê ăn Tết:
- Mẹ ơi năm nay ông ngoại mất rồi, chỉ còn bà đón Tết 1 mình nên chắc buồn lắm. Nhà mình về ăn Tết sớm với bà ngoại đi. Con cũng thích đón Tết ở quê lắm, vui hơn trên này nhiều. Năm nào cũng qua Tết bố mẹ mới cho con về nên con chẳng được đi xin lì xì gì cả.
Thấy con hào hứng vậy nên tôi cũng nuôi ý định thực hiện yêu cầu của chúng và cũng là ước nguyện của bản thân mình. Vậy mà khi bàn bạc với chồng, anh xua tay ngay:
- Không được đâu em, chắc chắn bố mẹ không đồng ý đâu. Bố mẹ coi trọng việc đón 30, mùng 1 Tết cùng con và cháu lắm nên sẽ giận mình đấy. Em mà nói vậy là mẹ sẽ bảo mình xúi giục con ngay.
Nghe chồng nói xong tôi cũng hụt hẫng vì tôi hiểu những lo lắng của anh chắc chắn chính là điều có thể diễn ra vì hơn ai hết anh chính là người hiểu bố mẹ anh nhất. Vậy nhưng con gái liên tục nói với tôi về điều này và xin được thưởng chuyến về quê ăn Tết khi bé đạt học sinh xuất sắc cuối kỳ học này. Thấy con gái quá mong ngóng kỳ nghỉ Tết ở quê này nên ngay trong bữa cơm, tôi cũng mạnh miệng thưa chuyện với bố mẹ chồng.
- Thưa bố mẹ, con có việc muốn xin phép bố mẹ. Năm nay theo nguyện vọng của cháu và cũng là của vợ chồng con, chúng con xin phép bố mẹ được đưa cả nhà về quê ăn Tết với bà ngoại từ 30 Tết đến chiều mùng 1 sẽ lên lại Hà Nội được không ạ? Năm nay là năm đầu bà ngoại đón Tết thiếu vắng ông, con và các cháu đều thương bà nên muốn về đón Tết cùng bà.
Nghe tôi nói vậy, bố mẹ chồng tôi không trả lời. Tôi nói tiếp:
- Con về nhà mình làm dâu đã 10 năm nay, mọi năm các cháu còn bé nên con cũng không dám xin nhưng năm nay các cháu đã lớn và đây cũng là nguyện vọng của các cháu nên con xin phép bố mẹ như vậy ạ. Vả lại các cháu cũng muốn được đón đêm giao thừa, sáng mùng 1 tại quê hương là như thế nào ạ.
Ảnh minh họa
Con gái tôi cũng tiếp lời cho mẹ:
- Ông bà ơi ông bà đồng ý nhé. Ông bà yên tâm là cháu về quê cháu sẽ gọi điện cho ông bà thường xuyên, không quên ông bà đâu ạ. Bọn bạn cháu đứa nào cũng được về quê đón Tết mà cháu thì chưa được đi bao giờ.
Lúc này mẹ chồng tôi mới lên tiếng:
- Con nói thế nghĩa là suốt 10 năm con con luôn không hài lòng về việc đón Tết ở gia đình nhà mẹ rồi. Chắc hẳn con không vui sao. Lấy chồng là phải theo chồng, xưa nay làm gì có tục lệ con dâu dẫn cháu ra khỏi nhà ngày Tết đâu. Tết nhất mà cái nhà này chỉ có hai ông bà già thì còn ra thể thống gì nữa.
- Ý con không phải là như thế mà là năm nay cũng theo nguyện vọng của các cháu muốn về nên tiện thể con mới xin được đưa các cháu về thôi chứ không phải ăn Tết nhà ngoại vui hơn nhà nội. Mẹ nói thế có các cháu ở đây lại khiến các cháu hiểu sai suy nghĩ sai về con mà cũng suy nghĩ sai về mẹ.
Tôi định nói tiếp nhưng chồng gàn lại, cô con gái thì chưa bỏ cuộc:
- Sao bà tự dưng lại mắng mẹ con như vậy, đây đúng là ý của con chứ có phải là mẹ con muốn thế đâu.
Mẹ chồng tôi nghe cháu gái nói thì chốt hạ:
- Tôi nói vậy thôi còn đi hay ở là tùy mẹ con chị. Gói ghém quần áo về quê ngay từ hôm nay cũng được cho tiện không lại bảo những câu nói của tôi khiến con gái chị trở nên hư hỏng hơn.
Tôi cố nén nước mắt, khi lên tới phòng rồi mới bật khóc nức nở. Con gái theo chân vào, ôm lấy mẹ an ủi:
- Con xin lỗi mẹ, có phải vì con mà mẹ mới bị bà mắng phải không ạ? Lớn lên con không muốn lấy chồng đâu.
Mọi chuyện đi quá xa bởi những suy nghĩ và câu nói của con gái tôi, cả nhà đều giật mình không ngờ qua cuộc trò chuyện của mẹ và bà lại khiến cho đứa trẻ có ác cảm với chuyện đi lấy chồng như vậy. Xoa đầu con gái, tôi cũng chẳng biết nói thế nào cho con bớt buồn và hiểu.
Chẳng phải vô tình nhưng tôi đã gieo rắc vào đầu đứa trẻ những ý nghĩ không hay sao? Tôi không nghĩ một đứa trẻ mới chỉ chưa đầy 10 tuổi như con nhưng lại quan sát mọi thứ trong cuộc sống sâu sắc đến vậy. Thì ra mỗi ngày con để ý từng cử chỉ, hành động và cách làm việc của tôi trong căn nhà cũng như lối sống của ông bà, bố chúng và so sánh về việc tôi làm việc nhà nhiều còn mọi người làm việc nhà ít. Vậy nhưng nó cũng chưa bao giờ đưa ra ý kiến về việc này.
Cho đến mãi hôm nay, con bé lại nói ra tất cả. Không chỉ vậy, những câu nói của tôi và mẹ chồng đã khiến con lại có thêm ác cảm về chuyện đi làm dâu để rồi bắt đầu có tư tưởng không muốn đi lấy chồng..
Qua đó tôi cũng chợt nhận ra rằng nếu bố mẹ chồng tôi vẫn cứ mãi gia trưởng như vậy, gieo rắc vào đầu cháu nội những tư tưởng không hay về chuyện trọng nhà nội, khinh nhà ngoại, vậy thì đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào, cân bằng cuộc sống ra sao và cũng nhìn nhận mọi thứ trong cuộc sống quá sai lầm.
Chắc chắn sau sự việc lần này tôi cần phải bàn bạc lại với chồng về việc dọn ra ở riêng để con gái có cái nhìn nhận khác về độc lập và tự chủ chứ tôi sợ rằng con gái sẽ biến thành một phiên bản thứ hai của mẹ nó, là một người thiếu quyết đoán, luôn chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời và sợ nói lên chính kiến của bản thân mình.
Tâm sự từ độc giả viannnn....
Thực tế câu chuyện đưa con về ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại là bài toán khá khó của nhiều gia đình hiện nay và nhiều đứa trẻ vô tình bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ăn Tết của người lớn dẫn đến những suy nghĩ sai lầm về nhà nội và nhà ngoại.
Chính vì thế ngay trong cuộc sống đời thường, bố mẹ nên định hướng cho các con hiểu, ông bà là người sinh ra bố mẹ, dù không chăm sóc con nhưng có công ơn nuôi dưỡng bố mẹ, phận làm con cháu sống hiếu thuận, đạo đức với ông bà là điều cần làm.
Bên cạnh đó phụ huynh nên có thái độ với bà nội - bà ngoại như nhau, tuyệt đối không hỏi trẻ những câu như "Con thích bà ngoại hơn hay bà nội hơn", như vậy vô tình sẽ hình thành sự so sánh, phân biệt đối xử trong lòng trẻ.
Trong trường hợp con dành tình yêu thương có sự phân biệt, thì cha mẹ cần xem lại, xem chính bản thân mình đang có sự phân biệt như vậy với bên nội hay bên ngoại không và cần điều chỉnh lại mình.
Hãy năng đưa con về chơi với cả ông bà đôi bên để con gần gũi, gắn kết với ông bà. Kể cho con nghe những điều tốt đẹp về cả ông bà nội ngoại, từ đó hình thành tình yêu và sự biết ơn của con cháu với ông bà 2 bên.
Cuối cùng tùy thuộc vào sự khác biệt của mỗi người và mối quan hệ trong từng gia đình mà những điều trên có thể ngược lại. Và dù thế nào, bậc cha mẹ hãy hướng con cái của mình ghi nhận, biết ơn và đánh giá cao tình yêu, sự quan tâm và sự chăm sóc của cả ông bà ngoại và ông bà nội dành cho mình.