Cứ tưởng sinh con xong là mọi chuyện khó khăn đã kết thúc, các mẹ sẽ không phải lo lắng gì, chỉ cần dồn tâm sức vào việc chăm sóc cho con. Nhưng theo các bác sĩ, các biến chứng sau sinh rất khó lường và nguy hiểm. Thậm chí có những trường hợp sinh con được 2-3 giờ rồi mới xảy ra biến chứng.
Cách đây vài ngày, một bệnh viện ở Trung Quốc đã tiếp nhận thai phụ 25 tuổi tên là Tiểu Hoa đang mang bầu ở tuần thứ 40. Khi nhập viện, bà mẹ này bị thiếu máu nặng, huyết sắc tố chỉ có 90, còn lại các vấn đề khác đều bình thường.
Sau khi nhập viện, Tiểu Hoa có các cơn co thắt. Quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh chóng suôn sẻ. Khi sinh con, sản phụ mất 200ml, và do thai nhi to nên các bác sĩ đã rạch tầng sinh môn để việc sinh nở được dễ dàng. Bé trai nặng 3,5kg chào đời khỏe mạnh.
Nằm trong phòng hồi sức 1 tiếng để theo dõi, nhận thấy sản phụ không có gì bất thường nên bác sĩ đã cho Tiểu Hoa về phòng thường. Tuy vậy một lúc sau, cô cảm thấy khó chịu nên nói với chồng: “Em thấy chóng mặt, đau cửa mình và bụng khó chịu”. Nghe vậy, người chồng liền an ủi: “Không sao đâu, sinh con làm em mệt rồi. Nằm nghỉ một lát đi”.
Sau khi sinh con được 1 lúc, Tiểu Hoa bỗng cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh và đổ mồ hôi lạnh (Ảnh minh họa)
30 phút sau, Tiểu Hoa cảm thấy tình trạng chóng mặt tăng lên, tim đập nhanh, buồn nôn và đổ mồ hôi lạnh. Tuy vậy, mẹ chồng cô vẫn không báo bác sĩ vì thấy cũng chưa có gì nghiêm trọng. Phải đến 1 giờ sau, y tá vào giường bệnh kiểm tra thì đã thấy sản phụ tím tái, lờ đờ. Kiểm tra mạch thì thấy mạch lên đến 125 lần/phút, huyết áp 85/50, bụng mềm, tử cung co bóp tốt. Kiểm tra âm đạo thì thấy dịch sản không ra nhiều nhưng chỗ vết rạch tầng sinh môn bị bầm tím.
Nữ y tá vội báo ngay cho bác sĩ biết. Bác sĩ lập tức cho đẩy sản phụ vào phòng cấp cứu. Qua kiểm tra, họ phát hiện có một khối u to khoảng 10 x 8cm nằm ở phần trước của trực tràng. Bác sĩ liền chẩn đoán Tiểu Hoa đã bị tụ máu âm đạo và sốc xuất huyết.
Bác sĩ đã phải phẫu thuật cho sản phụ, kèm theo truyền máu và truyền dịch và các biện pháp chống sốc khác để lấy cục máu tụ âm đạo ra và khâu lại vết rạch tầng sinh môn. May mắn là ca phẫu thuật thành công nên chỉ trong vòng 3 ngày, sức khỏe của Tiểu Hoa đã ổn và cô được xuất viện về nhà.
Nhờ được cấp cứu kịp thời để lấy cục máu đông ra nên tính mạng của Tiểu Hoa đã không gặp nguy hiểm (Ảnh minh họa)
Tụ máu âm đạo sau khi sinh là gì và nó nguy hiểm như thế nào?
Tụ máu âm đạo là một trong những biến chứng thường gặp sau sinh, đặc biệt là ở các sản phụ sinh con so, sinh nhanh, có cắt tầng sinh môn và rối loạn đông máu. Nguyên nhân của biến chứng này là do trong quá trình khâu vết rạch tầng sinh môn, y tá đã không thực hiện đúng thao tác dẫn đến việc mạch máu bị vỡ, rò rỉ vào các mô xung quanh và tích tụ lại thành một cục lớn.
Trong trường hợp cục máu tụ nhỏ, sản phụ sẽ được bác sĩ hướng dẫn chườm lạnh để giảm đau và đợi cục máu tan. Còn nếu khối máu tụ lớn, bạn sẽ phải trải qua một ca phẫu thuật để bác sĩ lấy cục máu ra, bởi máu tụ âm đạo có khả năng gây ra tình trạng băng huyết sau sinh nghiêm trọng.
Trường hợp của Tiểu Hoa là một tình huống nguy hiểm vì mặc dù lượng máu tích tụ trong âm đạo chỉ khoảng 300ml, nhưng trong khi sinh, cô đã mất 200ml máu rồi. Nên tổng cộng sản phụ này đã mất đến 500ml máu. Cộng thêm với tình trạng thiếu máu nặng trước khi sinh nên nếu không được cấp cứu kịp thời, khối máu tụ âm đạo càng lớn thì nguy cơ bà mẹ này bị mất máu, băng huyết sau sinh là rất lớn.
Do vậy, sau khi sinh xong, dù có bị rạch tầng sinh môn hay không thì các mẹ vẫn nên tự theo dõi tình trạng sức khỏe của mình. Nếu cảm thấy khó chịu hoặc bất ổn chỗ nào, đừng ngần ngại báo ngay cho y bác sĩ để được cấp cứu kịp thời.