Các chuyên gia cho biết "độ tuổi vàng" để mang thai, sinh nở của phụ nữ là 20-35 tuổi, khi sức khỏe về cả thể chất và tinh thần đều ở độ tốt nhất. Phụ nữ sau 35 tuổi mang bầu sẽ phải đối mặt với không ít nguy cơ, rủi ro. Đó cũng là một phần lý do bà mẹ dưới đây đã rất hoang mang, bối rối khi phát hiện mình có "tin vui".
Chị Trương (55 tuổi, sống tại Hồ Nam, Trung Quốc) vừa trải qua một cú sốc rất lớn cách đây 4 tháng. Đó chính là ông xã bị bệnh và qua đời. Sau khi chồng mất, chị thường xuyên cảm thấy chóng mặt, buồn nôn nhưng chỉ nghĩ là bệnh tâm lý do mình quá đau khổ. Cho đến khoảng tháng thứ 4 sau ngày chồng ra đi, chị bắt đầu nôn nhiều và đau bụng lâm râm. Lo mình bị bệnh dạ dày nên chị Trương đã đến bệnh viện kiểm tra. Ai ngờ đâu bác sĩ cho biết chị không mắc bệnh gì cả mà là đang có thai. Em bé trong bụng đã được gần 5 tháng rồi.
Chị Trương rất bối rối khi chồng mới mất thì phát hiện mang thai. (Ảnh minh họa)
Nghe tin mình mang thai, chị Trương hết sức hoang mang và lo lắng. Ban đầu chị còn không tin vì mình đã 55 tuổi, tần suất quan hệ của hai vợ chồng cũng rất thưa. Không ngờ trước khi ra đi mãi mãi ông xã còn để lại cho chị một đứa con.
Chị Trương có một người con trai, đã tốt nghiệp đại học và đang sống ở thành phố khác. Khi chị báo "tin vui", người con này tỏ ra không vui và không muốn mẹ sinh em. Con trai chị Trương cho rằng tuổi của mẹ đã lớn sinh con sẽ rất vất vả, nhất là khi không còn chồng bên cạnh chăm sóc.
Vậy nhưng trái lại, có một người hết lòng ủng hộ chị Trương sinh con và còn nguyện chăm sóc chị cùng em bé cả đời. Đó là anh hàng xóm và cũng là bạn thân của chồng chị - anh Trịnh. Anh Trịnh và chồng chị Trương là bạn lâu năm, vợ anh đã mất vì bệnh ung thư từ 6 năm trước, con gái thì đi lấy chồng xa. Từ khi chồng chị Trương mất, anh thường xuyên qua lại chăm sóc chị và khi biết tin chị mang bầu đã bày tỏ mong muốn được sống cùng và chăm sóc cho mẹ con chị.
Hàng xóm và cũng là bạn thân của chồng mong muốn được chăm sóc chị Trương cùng em bé sau khi biết tin chị có bầu. (Ảnh minh họa)
Đừng trước lời đề nghị này, chị Trương hết sức bối rối. Chị cho biết bản thân chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ mới và lo hàng xóm sẽ bàn tán nhưng cũng lo sợ nếu phải mang bầu một mình. Đặc biệt, bác sĩ còn cảnh báo chị dù bên ngoài trẻ trung nhưng cơ thể vẫn là ở độ tuổi 55 nên mang bầu sẽ có rất nhiều rủi ro, cần được chăm sóc đặc biệt.
Chị Trương đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội và thu hút nhiều sự chú ý.
Ưu nhược điểm khi mang thai sau tuổi 50
Ngày nay, có rất nhiều người làm mẹ ở độ tuổi trên 35 hay thậm chí là ngoài 50. Việc mang thai muộn này có những ưu điểm riêng nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ rủi ro.
Ưu điểm:
- Người mẹ sống lâu hơn: Phụ nữ có con sau 50 tuổi thường sống lâu hơn, dù họ thụ thai tự nhiên hay thụ thai bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
- Tài chính: Đây là giai đoạn mà tài chính của cả hai vợ chồng đều đã ổn định. Thậm chí, một nghiên cứu còn nhận thấy rằng thu nhập của người phụ nữ thường tăng từ 9 đến 10% mỗi năm nếu họ trì hoãn việc có con. Việc làm cha mẹ sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công việc, đặc biệt là những cha mẹ đơn thân. Do đó, giai đoạn này bạn sẽ cảm thấy vấn đề tài chính thoải mái hơn.
- Có nhiều kinh nghiệm hơn: Một trong những ưu điểm của việc mang thai trễ đó chính là bạn đã biết được rất nhiều kinh nghiệm của những người đi trước. Bên cạnh đó, tâm lý của bạn đã vững vàng hơn rất nhiều, do đó bạn sẽ dễ dàng thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của cha mẹ.
Hạn chế và nguy cơ:
- Rủi ro về sức khỏe: Một nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ mang thai sau 50 tuổi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vẫn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh, miễn là bạn được chăm sóc tốt trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro tồn tại. Mang thai muộn khiến bạn dễ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, tiền sản giật… Ngoài ra, bạn còn dễ sinh non, thai chậm phát triển và nhiều biến chứng tiềm ẩn khác.
- Các vấn đề về thể chất: Việc mang thai sẽ khá vất vả đối với những phụ nữ lớn tuổi. Bên cạnh đó, trọng lượng cơ thể tăng nhanh trong thời kỳ mang thai cũng khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi.
- Đối với thai nhi: Không chỉ người mẹ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe mà thai nhi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định, chẳng hạn như hội chứng Down hoặc những bất thường về di truyền. Để giảm nguy cơ này, bạn có thể sử dụng trứng hiến tặng của những phụ nữ trẻ tuổi.
- Tài chính và chăm con: Nếu như ở độ tuổi sau 50 bạn đã có tài chính ổn định thì bạn sẽ phải đối mặt với một vấn đề khác. Bạn vẫn sẽ phải tiếp tục làm việc dù đã lớn tuổi trong khi những người bạn khác đã bắt đầu nghỉ hưu. Liệu bạn có thể có đủ sức khỏe để kiếm tiền và chăm sóc con được hay không? Thậm chí, những căn bệnh tuổi già còn tăng thêm gánh nặng cho bạn nữa.