Hương vị tình thân là bộ phim truyền hình về đề tài tình yêu, gia đình đang được nhiều người yêu thích. Một trong nhân vật gây ấn tượng trong phim là bà Xuân - một phu nhân trong gia đình có điều kiện, luôn xuất hiện với vẻ ngoài xinh đẹp, tính cách thì hơi trẻ con, dễ giận dỗi. Người vào vai này là nữ diễn viên Quách Thu Phương, sinh năm 1977. Trái ngược với vai diễn trong phim, ngoài đời Thu Phương chuẩn mẫu phụ nữ của gia đình, luôn chăm sóc chồng con tỉ mỉ, chu toàn. Thậm chí chính vì sự cầu toàn trong chăm sóc gia đình mà cô từng 2 lần bị trầm cảm sau sinh.
Diễn viên Quách Thu Phương vào vai bà Xuân trong phim Hương vị tình thân.
Thu Phương kết hôn và sinh con gái đầu lòng khá sớm, khi vừa tròn 21 tuổi. Mang bầu rồi làm mẹ khi còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm đã đẩy nữ diễn viên vào tình cảnh stress, tự gây áp lực lên chính mình. Dần dần, hai vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, khác biệt trong suy nghĩ, lối sống và dẫn đến ly hôn. Thời gian hậu ly hôn, một mình nuôi con nhỏ càng khiến Thu Phương bị stress nặng, mệt mỏi đến mức tưởng như ngã quỵ. May mắn cô đã vượt qua được khi lấy con gái làm động lực.
Ngoài đời, Thu Phương đã có hai con sau hai cuộc hôn nhân.
Rút kinh nghiệm từ lần sinh con gái đầu lòng, khi tái hôn và mang thai con trai thứ 2, Thu Phương chuẩn bị kĩ càng hơn hẳn về những kiến thức và kinh nghiệm chăm con. Thậm chí sau sinh, cô còn quyết định tạm dừng sự nghiệp diễn xuất để dành toàn bộ thời gian ở nhà chăm con. Trung thành với quan niệm: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" nên sau sinh dù mệt mỏi, Thu Phương vẫn đảm nhận hết mọi công việc gia đình, tất bật cơm nước, chợ búa, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa..., mà không nhờ đến sự giúp đỡ của chồng hay người thân.
Nữ diễn viên từng bị trầm cảm sau sinh do tính cách quá cầu toàn, độc lập.
Cộng thêm cảm giác nhàm chán, u uất khi nghỉ việc ở nhà quanh quẩn bên việc bếp núc, bà mẹ 2 con một lần nữa rơi vào cảnh trầm cảm sau sinh. Không chỉ vậy, sức khỏe của cô cũng bị ảnh hưởng nặng nề với nhiều bệnh khác nhau như: Dạ dày, thoái hóa đốt sống cổ, đốt sống lưng, thấp khớp, dạ dày, men gan cao, huyết áp thấp... Tinh thần bị ảnh hưởng, Thu Phương không kiểm soát được suy nghĩ, hành động, làm không khí gia đình căng thẳng, hai con sợ mẹ không dám gần gũi.
Điều may mắn với Thu Phương là cô đã tự ý thức được vấn đề của mình kịp thời và tìm ra phương pháp điều trị thích hợp. Đó chính là thiền và tập yoga. "Bà Xuân" tâm sự những buổi tập yoga giúp cô có thời gian cân bằng lại cuộc sống, thả lỏng tinh thần, dần dần loại bỏ được những suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc dồn nén của bản thân. Cô dần biết hài lòng với cuộc sống và nhìn mọi chuyện đơn giản hơn. Sức khỏe của cô cũng dần cải thiện. Sau đó, Thu Phương còn tìm hiểu sâu và trở thành một giáo viên dạy yoga.
Tập yoga chính là tuyệt chiêu giúp Thu Phương "đánh bại" trầm cảm sau sinh.
Không chỉ tác động tốt tới tinh thần, tập yoga còn giúp Thu Phương giữ được thân hình gọn gàng cùng nhan sắc trẻ trung sau 2 lần sinh nở. Hiện tại đã bước sang tuổi 44 nhưng nữ diễn viên vẫn tự tin diện những bộ trang phục năng động, khoe trọn vóc dáng săn chắc, quyến rũ.
Hai năm trở lại đây, Thu Phương bắt đầu xuất hiện trở lại trên sóng phim truyền hình và nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả cho cả lời khen và sắc vóc xinh đẹp.
Vóc dáng gọn gàng của bà mẹ 2 con ở tuổi 44.
Nhan sắc của cô vẫn trẻ trung, nuột nà.
Triệu chứng nhận biết trầm cảm sau sinh Để có biện pháp khắc phục trầm cảm sau sinh hiệu quả, người mẹ cần nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh. Sau khi sinh con, phụ nữ cần đặc biệt lưu ý nếu thấy xuất hiện những triệu chứng như: - Buồn chán, vô vọng, trống rỗng, luôn cảm thấy áp lực về mọi thứ mà không biết nguyên nhân do đâu. - Sợ hãi, lo âu. - Dễ cáu gắt, bồn chồn, phiền muộn. - Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, dễ tỉnh giấc khi đang ngủ, ngủ không sâu giấc. - Không thể tập trung và khó đưa ra quyết định. - Không còn những sở thích như ngày xưa, bỏ bê bản thân. - Thường xuyên đau đầu, đau dạ dày, mệt mỏi, đau nhức cơ, tinh thần sa sút. - Ăn rất ít hoặc ăn nhiều bất thường. - Xa lánh, ngại tiếp xúc với người thân, bạn bè. - Không muốn gần gũi, tiếp xúc với con. - Xuất hiện suy nghĩ không đủ khả năng làm mẹ, không thể che chở, nuôi dưỡng và bảo vệ con. - Thường xuất hiện những suy nghĩ tự làm hại đến bản thân và con. |