Ngày 5/2/2020, sau khi nhận được công văn đề nghị của Bộ Y tế về việc cử chuyên gia y tế và chuẩn bị trang thiết bị hỗ trợ việc đưa công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã cử 1 bác sĩ và trang thiết bị chuyên dụng cần thiết tham gia đội chuyên gia y tế qua Hồ Bắc, Trung Quốc.
Chuyến bay này có sứ mệnh đặc biệt là đón học sinh, sinh viên, phụ huynh người Việt đang ở Vũ Hán có nguyện vọng trở về nước. Trong 30 hành khách trở về có 1 sản phụ đang mang thai sắp đến ngày sinh. Chính vì vậy sẽ rất cần có bác sĩ chuyên khoa sản cùng tham gia chuyến đi, sẵn sàng trợ giúp thai phụ trên chuyến bay.
Tối 9/2/2020, đoàn công tác đã tới Hồ Bắc, Trung Quốc và đón hành khách. Rạng sáng 10/2, máy bay của hãng VietNamAirlines đã đưa hành khách trở về cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh.
Trong số 48 người tham gia chuyến công tác ngoài 30 người là công dân Việt Nam sinh sống tại Trung Quốc, có 15 người là thành viên phi hành đoàn và 3 nhân viên y tế của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội.
Để đảm bảo an toàn và ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, ngay sau khi xuống máy bay, toàn bộ tổ bay và hành khách trên chuyến bay trên sẽ cách ly 14 ngày để theo dõi.
Các bác sĩ của bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng phải tuân thủ đúng với quy trình áp dụng đối với khách trở về từ vùng dịch theo yêu cầu của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và được đưa đến khu vực cách ly của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) để kiểm tra, theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày.
Bác sĩ Hà Linh, 31 tuổi, khoa Phụ Ngoại và Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Trung ương là một trong 3 bác sĩ được cử tham gia chuyến bay đến Vũ Hán, đón công dân Việt Nam trở về.
Lên mọi tình huống xảy ra với thai phụ trên chuyến bay thiêng liêng để ứng phó
Bất ngờ và lo lắng là cảm xúc đầu tiên khi nữ BS nhận được tin sẽ tham gia đoàn công tác, bởi chị chưa từng tham gia đoàn công tác nào mang tính chất quốc gia như vậy. Cô lo vì không biết trở về sẽ phải cách ly như thế nào. Đặc biệt, trách nhiệm chuyến đi khá lớn khi có một phụ nữ mang thai 8 tháng trở về.
"Lúc biết được lịch trình, công tác sàng lọc, sắp xếp công dân, quá trình vận chuyển, phương tiện bảo hộ,... tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều. Mọi thứ được chuẩn bị rất chu đáo", nữ bác sĩ nói.
Đo huyết áp cho công dân Việt Nam trên chuyến bay trở về từ Vũ Hán. Ảnh: Vietnam Airlines
Một số kịch bản có thể xảy ra cũng được BS Hà Linh chuẩn bị: Thai phụ chuyển dạ sinh trên máy bay thì phải làm thế nào. Nếu bệnh nhân bị tiền sản giật, sản giật, rau tiền đạo ra máu, đẻ non... thì ra sao?...
Họp bàn với nhiều các y bác sĩ của viện, chị Hà Linh đã lên danh sách các đồ dùng, vật tư y tế, thuốc cần thiết để xử lý nếu một trong các tình huống trên xảy ra.
Trước ngày đi, BS Linh cũng đã liên lạc với thai phụ qua điện thoại và nhận được tất cả kết quả siêu âm, khám thai, xét nghiệm.
"Một tháng nay do dịch, thai phụ không đi khám thai được, nhưng tôi cũng nắm được rõ hơn tình trạng của bạn ấy như tiền sử khỏe mạnh mang thai con so, quá trình khám thai hoàn toàn bình thường", nữ bác sĩ chia sẻ.
Thông báo cho gia đình, nhưng riêng mình bố không được biết
Mọi việc chuẩn bị ở Bệnh viện đã xong xuôi, chị Linh thông báo với gia đình. "Ai cũng bất ngờ và lo lắng song động viên tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Cả gia đình đã chuẩn bị đồ cho tôi mang theo trong quá trình cách ly" - chị Linh nói.
Đặc biệt em gái chị cũng là bác sĩ nhi ngày ngày gửi cho chị các thông tin về cách phòng lây nhiễm, các nghiên cứu về virus nCoV. "Bố là người duy nhất không biết tôi tham gia chuyến đi này", Hà Linh nói vì sợ ông lo lắng.
Chia sẻ về chuyến đi, chị Hà Linh nói có tham gia mới biết, để có chuyến bay này là cố gắng nỗ lực của rất nhiều bộ, ban ngành. Công tác chuẩn bị cho chuyến đi rất chu đáo, đoàn công tác nhận được sự chỉ đạo và giúp đỡ rất nhiều: Từ làm hộ chiếu công vụ, xin giấy phép đặc biệt để được mang đồ lên máy bay (có nhiều dao, kéo, dụng cụ phẫu thuật mang theo)....
Thành viên đoàn nhắc nhau chuyện mặc, cởi đồ bảo hộ....
"Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã hỗ trợ tôi rất nhiều, từ lãnh đạo bệnh viện đến bác sĩ và điều dưỡng tham gia cùng đoàn. Các anh chị hướng dẫn tôi cách mặc và cởi đồ bảo hộ an toàn, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thuốc,...", chị Hà Linh nhớ lại.
Không chỉ thế, thành viên đoàn cũng có những phương án chuẩn bị từ phòng hộ cho nữ thai phụ, sắp xếp chỗ ngồi cho công dân để phòng lây chéo. Rồi nếu thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ hay tình trạng sức khỏe có vấn đề thì chuẩn bị vị trí trên máy bay để chăm sóc thai phụ được tốt nhất,...
Trong thời gian chuẩn bị, các anh chị em trong đoàn, đặc biệt là các bác sĩ, những đồng nghiệp với chị Linh đã thường xuyên liên lạc để chuẩn bị đầy đủ. Sau khi về Việt Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chuẩn bị cho chị một phòng cách ly với đầy đủ tiện nghi.
7h sáng 10/2, sau khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh, nữ BS cùng mọi người được đưa trở về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để cách ly 14 ngày.
2 tuần tới, có lẽ là khoảng thời gian "nghỉ" dài nhất mà Hà Linh có từ khi bước vào nghề y, nghề bác sĩ sản khoa. Dù có lo lắng, nhưng với chị, đây là chuyến bay ý nghĩa nhất cuộc đời, không chỉ với chị mà với tất cả những ai có mặt trên chuyến bay hôm ấy...
(Tên nhân vật được thay đổi)