Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, trường học cũng không ngừng tiến bộ theo thời đại, ứng dụng công nghệ vào việc trao đổi, liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh. Hầu như lớp học nào cũng sẽ có những hội nhóm phụ huynh được lập ra trên mạng để tiện trao đổi các thông tin. Những nhóm này có tác dụng giúp bố mẹ hỏi các vấn đề liên quan đến học tập của con nhanh hơn, giáo viên cũng thông báo đến phụ huynh hiệu quả hơn. Đồng thời, xã hội phá triển cũng kéo theo rất nhiều nhu cầu khác nhau trong một lớp học, ngoài việc học. Từ đó, nảy sinh rất nhiều loại quỹ, phí.
Câu chuyện hành xử liên quan đến quỹ trường, quỹ lớp trong các nhóm hội phụ huynh này cũng khiến nhiều người phải đau đầu. Dưới đây là một câu chuyện như thế xảy ra tại một hội phụ huynh ở Trung Quốc và được truyền thông nước này chia sẻ:
Cô giáo nhắn tin trong nhóm hội phụ huynh, kêu gọi các bậc phụ huynh cùng nhau đóng tiền quỹ lớp để trang trí, làm đẹp trường mầm non, để các cháu có một môi trường học tốt hơn. Sau đó, một bà mẹ đã nhắn tin câu hỏi rằng: "Tại sao phụ huynh lại phải đóng tiền tu sửa trường? Đó không phải là trách nhiệm của nhà trường hay sao?"
Ngay sau khi người mẹ này phản ứng, tất cả đã phải câm nín.
Không đồng tình quan điểm, bà mẹ bị "ném đá" vì phản đối chuyện đóng tiền tu sửa trường (Ảnh minh họa)
Thực tế, chuyện quỹ trường, quỹ lớp dùng cho việc tu sửa từ lâu vẫn luôn gây ra tranh cãi trong hầu hết các hội phụ huynh. Một số cho rằng việc nhà trường yêu cầu phụ huynh cùng đóng tiền tu sửa trường không phải là hoàn toàn vô lý. Xét cho cùng, môi trường học đường liên quan đến con em mình, ai mà không muốn con có chỗ học tập tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng có những người cho rằng bà mẹ này đã đúng, việc cải tạo trường học là trách nhiệm của nhà trường, nhà trường phải có trách nhiệm làm đẹp, tu sửa môi trường học cho các cháu. Mặt khác, việc mỗi lớp lại có một cơ sở vật chất khác nhau cũng có thể gây ra sự phân biệt trong môi trường học đường.
Có nhiều ý kiến khác nhau về việc nhà trường có nên thu phí phụ huynh hay không, kết quả phụ thuộc vào cách nhà trường và phụ huynh thương lượng cũng như cách cha mẹ học sinh trong cùng một lớp đồng thuận với nhau. Tuy nhiên để tránh tình trạng ép buộc dưới danh nghĩa tự nguyện, nhiều trường học đã yêu càu các hội phụ huynh lớp không được thu quỹ quá một khoản tiền nhất định.
Văn hóa ứng xử của các bậc phụ huynh trong nhóm phụ huynh là điều rất quan trọng (ảnh minh họa)
Không chỉ tại Trung Quốc mà ngay cả ở Việt Nam, việc đóng các loại quỹ cho con đầu năm học cũng khiến rất nhiều ông bố bà mẹ "đau đầu" tranh luận, đặc biệt là những vấn đề như có nên lắp điều hòa, máy chiếu, mic... hay một số đồ dùng điện tử phụ thêm trong lớp học để nâng cao cơ sở vật chất.
Một vài cha mẹ Việt cũng chia sẻ ý kiến:
"Con mình học lớp 3, nhà trường thông qua ban đại diện phụ huynh yêu cầu đóng tiền lắp điều hoà trong các phòng học, họp phụ huynh chỉ 40% đồng ý, sau đó hội trưởng lại phát giấy về cho từng cháu (lớp 30 cháu, mỗi cháu 505.000) yêu cầu bố mẹ ký và ghi rõ họ tên bố mẹ, phụ huynh em nào vào cột đồng ý hay không đồng ý đóng góp, bố cháu kí vào cột không đồng ý thì hôm sau cháu nói cả lớp có mình cháu không đồng ý"
"Hội phụ huynh không có tội. Do đất nước còn nghèo nên kinh phí rót xuống cho các hoạt động của nhà trường quá hạn hẹp. Mà nhu cầu vui chơi, hoạt động của con trẻ là có thực. Buộc lòng hội phụ huynh phải kêu gọi tất cả cùng đóng góp."
"Đúng tâm tư của rất nhiều cha mẹ ở Việt Nam có con đang đi học. Mình có con vừa vào lớp 1 trường công mà ở ngoại thành thôi mà từ đầu tháng 9 đến giờ số tiền đóng lên đến hơn 5 triệu rồi, toàn những tiền gì gì ấy. Thử hỏi những nhà điều kiện không khá giả lắm thì chắc là phải chật vật lắm! Không biết bao giờ mới hết được cảnh này!"
"Tôi cũng là phụ huynh, hơn nữa đang có 2 cháu theo học bậc phổ thông, cũng phải đắn đo cho từng khoản chi nhưng theo tôi, trong điều kiện Việt Nam thì việc lập quy Phụ huynh để hỗ trợ các con trong các hoạt động ngoại khóa, nâng cao cơ sở vật chất là cần thiết, vì tất cả đều mong muốn cho con em mình có thêm điều kiện học tập tốt hơn, quan trọng là phải phù hợp với sức đóng góp của các cha mẹ trong lớp học và dùng cho việc gì, bảo đảm hiệu quả và không lãng phí."