1. Nguyên nhân gây mất ngủ khi mang thai
Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai mất ngủ có thể bao gồm:
Thay đổi nội tiết tố.Khó chịu do bụng ngày càng to. Đau lưng, căng vú. Đầy hơi, chướng bụng. Buồn nôn, nôn. Ợ nóng, ợ chua. Chuột rút (vọp bẻ). Thường xuyên thức giấc để đi tiểu đêm. Lo lắng về thai kỳ, mong chờ em bé...2. Mối nguy khi mất ngủ thai kỳ
2. Mẹ bầu mất ngủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi
- Với người mẹ: Mệt mỏi, uể oải, kiệt sức, đau đầu, tăng huyết áp, dễ cáu gắt, lão hóa da, thường xuyên căng thẳng, khó sinh…
- Với thai nhi: Dễ bị thiếu máu, chậm phát triển…
3. Các biện pháp khắc phục giấc ngủ khi mang thai
3.1. Mẹo để ngủ ngon hơn khi mang thai
Có một số cách để cải thiện giấc ngủ khi mang thai mà không cần dùng đến thuốc, gọi chung là "vệ sinh giấc ngủ":
Hạn chế caffein vào ban ngày và tránh uống vào buổi chiều và tối.
Uống nước ít vào buổi tối để giảm đi tiểu đêm.
Tránh các bữa ăn nặng và thức ăn cay trước khi đi ngủ có thể gây ợ nóng và khó tiêu.
Ăn nhẹ trước khi đi ngủ có thể giảm ốm nghén.
Uống sữa ấm trước khi đi ngủ.
Ngủ trưa: Ngủ ngắn khoảng 30 phút và tránh ngủ trưa sau 3 giờ chiều.
Viết ra những điều bạn lo lắng trước khi đi ngủ.
Đăng ký tham gia lớp học về chuyển dạ và sinh nở, chăm sóc em bé hoặc cho con bú, để bạn giảm cảm giác lo lắng về những gì sẽ xảy ra.
Chọn gối phù hợp: Gối ôm giữa hai đầu gối có thể hỗ trợ phần lưng dưới; Gối kê sau lưng có thể giúp bạn nằm nghiêng khi ngủ; Gối đặc biệt có thể nâng đỡ bụng.
Giữ phòng mát và tối.
Duy trì thói quen thư giãn trước khi đi ngủ.
Ngủ nghiêng trái.
Nếu bạn không thể ngủ sau 20 đến 30 phút, hãy ra khỏi giường và nghe nhạc nhẹ hoặc đọc sách. Quay lại giường khi cảm thấy buồn ngủ.
Nếu bạn đã thử những mẹo này mà bạn vẫn không thể ngủ hoặc không ngủ được, hãy đến gặp bác sĩ. Bạn có thể cần điều trị các vấn đề về giấc ngủ như trào ngược dạ dày - thực quản, ngáy, ngưng thở khi ngủ hoặc hội chứng chân không yên. Nếu nghi ngờ các bệnh lý này, bạn cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đặc hiệu.
Nếu muốn điều trị chuyên sâu vấn đề mất ngủ bằng phương pháp không dùng thuốc, bạn có thể tìm đến bác sĩ y học cổ truyền hoặc chuyên gia tâm lý sử dụng liệu pháp nhận thức - hành vi cho mất ngủ.
3.2. Sử dụng thuốc trị mất ngủ
Hầu hết các loại thuốc không được thử nghiệm trên phụ nữ mang thai và ảnh hưởng đến thai nhi chưa được biết rõ. Do đó, cần hết sức thận trọng dùng thuốc cho phụ nữ mang thai.
Các thuốc/sản phẩm có thể dùng cho thai kỳ:
- Thuốc kháng histamine: Diphenhydramine hydrochloride và doxylamine gây buồn ngủ, có thể được sử dụng làm thuốc hỗ trợ giấc ngủ.
- Nhân sâm, mật ong, yến mạch có thể an toàn để sử dụng trong thai kỳ.
Các thuốc/sản phẩm không được dùng cho thai kỳ hoặc cần có bác sĩ theo dõi:
- Tránh sử dụng hoa cúc, ginkgo biloba, ngải cứu, valerian (cây nữ lang).
- Melatonin: Đây là một loại hormone mà tác động đối với thai kỳ và thai nhi đang phát triển vẫn chưa được biết rõ. Do vậy, tránh sử dụng melatonin trong thời kỳ mang thai.
Thuốc kê toa cho phụ nữ mang thai bị mất ngủ nghiêm trọng hoặc lo lắng:
- Thuốc benzodiazepines (diazepam, clonazepam, bromazepam…) và nonbenzodiazepine (còn gọi là 'thuốc Z như zolpidem, zopiclone, eszopiclone): Các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ sinh non, nhẹ cân, trẻ nhỏ so với tuổi thai và sinh mổ.
- Thuốc an thần barbiturat: Không sử dụng bất kỳ loại barbiturat nào trong thai kỳ vì có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh, hoặc gây an thần ở trẻ sơ sinh.
- Các loại thuốc ngủ theo toa khác (các thuốc chống trầm cảm, lo âu, chống loạn thần…): Cần được sử dụng theo toa của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng.
Đặc biệt lưu ý, nên tránh dùng thuốc ngủ kê toa trong cuối thai kỳ vì chúng có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và trương lực cơ ở trẻ sơ sinh tiếp xúc với các loại thuốc này.
4. Lưu ý khi trị mất ngủ cho bà bầu
Đối với phụ nữ mang thai bị rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng hoặc các bệnh lý khác gây khó ngủ, bác sĩ có thể dùng thuốc để giúp bạn dễ ngủ khi mang thai.