Trẻ nhỏ có tính hiếu kì, tò mò và luôn muốn lấy tất cả những thứ có trong siêu thị. Chính vì thế nhiều người mẹ đã phải mua hoặc đền oan chỉ vì đưa con đi siêu thị mua sắm.
Chị Triệu - một bà mẹ ở Trung Quốc đã kể lại câu chuyện của mình trong một lần đưa con trai 4 tuổi đi siêu thị mua đồ. Chị biết rằng đứa con trai của mình rất nghịch ngợm và hay phá phách nên đã rất để ý đến con. Tuy nhiên trong lúc chị mải mê mua sắm, đọc hướng dẫn sử dụng của một vài món hàng thì con trai đã làm ra chuyện lớn.
Cậu bé đi tới gian hàng trái cây được đặt trong tủ kính, mở ra và lấy 1 quả cherry mà bé vẫn hay thích ăn ở nhà để ăn. Chuẩn bị ăn tới quả thứ hai thì con trai chị Triệu bị nhân viên siêu thị bắt được liền nói lớn "tại sao cháu lại tự ý bóc đồ trong siêu thị ra để ăn như thế, mới bé tí thế này mà đã biết ăn cắp rồi, mẹ cháu không dạy cháu phép tắc khi đi siêu thị sao?".
Đứa trẻ có chút sợ hãi khi nghe thấy tiếng nhân viên siêu thị quát lớn như thế. Chị Triệu lúc đó cũng ý thức được việc hệ trọng mà con trai làm ra liền chạy vội tới và xin lỗi vì đã làm phiền. Cô giải thích rằng ngày thường vẫn hay mua cho con ăn nên có lẽ đứa trẻ cũng chỉ tưởng là món quả giống ở nhà nên mới ăn thử. Chị Triệu hứa sẽ đền tiền quả cherry mà con trai đã ăn phải tuy nhiên nhân viên không đồng ý mà gọi quản lý tới.
Quản lý siêu thị nói rằng mẹ con chị Triệu phải đền tiền cả hộp cherry vì con chị bóc ra rồi sẽ không có ai mua nữa cả. Giá thành cả hộp cherry là 99 đôla (khoảng hơn 2 triệu đồng).
Tuy nhiên chị Triệu cho rằng như thế là không hợp lý vì dù con chị đã bóc cả hộp nhưng không hề ảnh hưởng tới các quả khác, siêu thị vẫn có thể đóng gói thêm quả vào để bán tiếp. Phía quản lý vẫn nhất quyết không chịu nên chị Triệu đã nghĩ ra cách khác.
Chị bật điện thoại lên và bắt đầu quay video: "Thứ nhất các bạn phải xin lỗi con tôi ngay vì đã buộc tội con của tôi là ăn cắp trong khi đó hàng hóa để trong siêu thị dù con tôi đã bóc ra ăn tôi vẫn có thể mua nên không thể quy cho con trai tôi tội ăn cắp.
Bên cạnh đó ý các bạn nói con tôi ăn một quả cherry và tôi phải trả 99 đô để bồi thường? Tôi đồng ý, các bạn hãy cho tôi giấy biên nhân và nêu rõ lý do bồi thường. Tôi sẽ hỏi luật sư của tôi xem việc này có đúng quy định của pháp luật hay không".
Thấy những lời phân tích của chị Triệu quá cứng rằng lại được sự ủng hộ của những người xung quanh, phía quản lý siêu thị cúi đầu xin lỗi đồng thời sẽ không bắt mẹ con chị Triệu bồi thường nữa.
Trên thực tế tình huống con bóc đồ trong siêu thị để ăn có lẽ đã xảy đến với khá nhiều các bà mẹ khi đưa con đi mua sắm. Có những lần chúng ta có thể phân tích để tìm ra được phần đúng thuộc về mình nhưng cũng có trường hợp chúng ta phải thừa nhận lỗi lầm. Chính vì thế, để tránh những tình huống rắc rối đáng tiếc không nên có, cha mẹ cũng nên dạy dần cho con hiểu về việc sử dụng tiền để có được những món đồ mình mong muốn.
Cho trẻ học cách xác định quyền sở hữu của các món đồ
Đầu tiên, hãy dạy con bạn xác định quyền sở hữu của món đồ đó và cho trẻ biết thứ gì là của mình, thứ gì là của người khác mà mình không được phép tùy tiện lấy. Những thứ của riêng bạn có thể được sử dụng, nhưng những thứ của người khác không thể lấy ngẫu nhiên.
Bởi thế, khi đi siêu thị, hàng hóa không phải là món đồ của ta nên không thể lấy theo ý muốn. Để có được cái mình thích, trẻ phải trả tiền tương xứng theo quy định.
Thường xuyên đưa con ra ngoài để có được những kiến thức cơ bản
Việc cho con ra ngoài, va chạm, tiếp xúc sẽ khiến trẻ nhìn và cảm nhận mọi thứ tốt hơn. Nếu bạn giữ con ở nhà, dù bạn có yêu con đến mấy thì con cũng không thể trưởng thành. Dù là đi chơi, thậm chí đi dạo, trong quá trình giao tiếp với người khác, trẻ sẽ được khám phá thế giới, chắc chắn sẽ có tiến bộ và nắm được những điều cơ bản nhất trong cuộc sống.
Nhưng là cha mẹ, chúng ta nên luôn dạy con một số ý thức cơ bản chung trong cuộc sống hàng ngày, cho trẻ biết những gì chúng nên làm và không nên làm. Người lớn cũng nên có cái nhìn bao dung trước những hành động chưa ý thức hết được của trẻ, tránh kết tội tàn nhẫn để ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Thế giới trẻ em rất đơn giản. Chúng không có khái niệm rõ ràng về "ăn cắp". Ngay cả khi thỉnh thoảng trẻ mắc lỗi, trẻ thực sự không hề biết mình đã làm sai. Hãy đối xử với trẻ bằng sự tử tế và khoan dung.