Cách đây khoảng 2 ngày, tại Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc xảy ra một tai nạn vô cùng đau lòng mà nạn nhân chỉ là đứa trẻ mới 9 tuổi. Cô bé đã nhảy từ căn nhà cao tầng của mình xuống đất để kết liễu cuộc đời, để lại lá thư tuyệt mệnh khiến nhiều người sốc.
Theo chia sẻ, khoảng 4 giờ chiều ngày xảy ra tai nạn, bé gái đang làm bài tập trong phòng của mình. Sau khi gặp bế tắc về bài vở, bé nhắn tin cho mẹ đang đi làm với nội dung: Cô giáo con yêu cầu gửi bài tập về nhà trước 5h chiều, vẫn còn 25 phút nữa nhưng con không thể tìm ra hướng giải mẹ ạ!
Đáp lại sự than phiền của con gái, người mẹ chỉ nhắn lại, giục con nhanh chóng hoàn thành càng sớm càng tốt để nộp cho cô.
Khoảng 6h tối, ông nội của bé ở dưới nhà định đi lên phòng để gọi cháu xuống ăn tối thì bất ngờ phát hiện thảm kịch đau lòng. Cô bé không có trong phòng, trong khi đó cánh cửa sổ mở toang và đứa trẻ đáng thương đã kết liễu cuộc đời mình từ lối thoát đó. Em để lại bức thư tuyệt mệnh trên bàn với những dòng chữ ngắn ngủi: Mẹ ơi, con xin lỗi, đây là quyết định của con. Tại sao con không thể làm gì?
Sau khi đọc được những dòng này của con gái, người mẹ không biết phải nói gì hơn. Chị khóc nghẹn rồi ngồi sụp xuống đất tự trách bản thân.
Nhiều người cho rằng trước khi tìm đến cái chết, chắc hẳn cô bé đã có khoảng thời gian vô cùng lo lắng, căng thẳng và tuyệt vọng vì không thể hoàn thành bài tập về nhà của mình đúng thời hạn. Sâu xa hơn nữa chính là những áp lực học hành, áp lực kỳ vọng đè nặng trên vai.
Trước đó, vào ngày 23/4, một nữ sinh trung học người An Huy cũng đã chọn tự tử bằng cách nhảy từ tầng 4 của trường xuống đất. Trong cuốn nhật ký của nữ sinh cho thấy cô đang bị trầm cảm, ốm nặng, gánh nặng học hành nhưng không thể nói với ai.
Cái kết tương tự cũng xảy đến với bé trai 11 tuổi có tên Evan Low, người Singapore. Cậu bé lựa chọn cái chết do cảm thấy việc học ở trường quá áp lực. 1 ngày trước khi tự tử, Evan đã thông báo với mẹ rằng kết quả toán của mình không được tốt. Tuy nhiên, mẹ của bé đã không nhận ra sự bất thường nào từ con mà chỉ khuyên con cần cố gắng nhiều hơn.
Cái chết của cậu bé Evan Low khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình.
Những câu chuyện trên chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ tai nạn đau lòng xảy ra với trẻ, nguyên nhân ban đầu cũng chỉ xuất phát từ việc học hành, áp lực và những kỳ vọng từ người lớn.
Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ thường áp đặt cho con cái suy nghĩ phải học thật giỏi, đạt thành tích tốt thì mới là ngoan ngoãn, xứng đáng với những gì bố mẹ bỏ ra. Tuy nhiên ngược lại, họ chưa từng đặt bản thân mình vào con để hiểu những áp lực mà chúng phải trải qua.
Trẻ em cũng có quyền được lắng nghe và chia sẻ cảm xúc của mình. Việc học hành là tốt nhưng ép buộc sẽ gây ra những phản ứng phụ không lường trước được. Ngay cả người lớn cũng cần nghỉ ngơi thì trẻ em cũng cần được vui chơi, thư giãn. Do đó, các bậc phụ huynh hãy quan tâm và chia sẻ với con nhiều hơn, đừng để chuyện học tập trở thành nỗi ám ảnh, khiến con cái mệt mỏi và đôi khi xảy ra trường hợp đáng tiếc.
Để không gây áp lực học hành cho con, bé dễ thành công hơn, cha mẹ nên thực hiện 10 điều sau đây:
1. Đừng làm thay con, hãy để con tự tư duy
Phụ huynh không nên làm thay con việc học, chịu trách nhiệm thay con trong những bài tập về nhà.
Nếu bài tập quá phức tạp, cha mẹ có thể cùng con tìm ra phương pháp làm nó, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn làm thay con. Bạn nên chỉ cho con cách làm và cách thực hiện những bài tương tự như thế, phần còn lại, hãy để con tự thực hành.
2. Dạy con học
Những bài tập về nhà đầu tiên có thể khiến trẻ bối rối, chúng không biết phải bắt đầu từ đâu. Đừng mặc kệ con vật lộn. Cha mẹ nên dạy con cách làm bài tập.
Giải thích cho con bạn vì sao phải thực hiện các bước này, theo thứ tự nhất định, cho con thấy các khả năng kết quả có thể xảy đến với các cách làm khác nhau. Bạn thậm chí có thể viết ra các bước cần thiết theo đúng thứ tự và đặt nó như một lời nhắc nhở trên bàn của con để con nhìn vào đó và vận dụng.
3. Sắp xếp thời gian học một cách hợp lý
Nơi con ngồi học ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và kết quả học tập của con. Hãy bố trí khu vực học tập của con đủ ánh sáng và thuận tiện.
Ngoài ra, hãy lấy đi tất cả những vật dụng không cần thiết xung quanh đó, những thứ có thể khiến trẻ bị phân tâm trong quá trình học.
4. Dạy trẻ biết cách ưu tiên việc quan trọng
Hãy dạy con phác thảo những việc quan trọng trong quá trình học tập nói riêng và cuộc sống nói chung để làm tốt nó mà không tốt thời gian.
5. Tạo động lực cho con
Khen ngợi con vì những nỗ lực và điểm số tốt mà con đạt được là điều nên làm, đừng bao giờ coi đó như chuyện hiển nhiên con phải làm. Bạn có thể sử dụng “bảng động lực” để áp dụng cho con.
6. Mối quan hệ gia đình nên được ưu tiên
Dừng tập trung tất cả và kết quả học tập của con, đó không phải là thứ quan trọng nhất trong mối quan hệ gia đình. Luôn quan tâm tới cuộc sống, sở thích, cảm xúc của con, quan sát tâm trạng và tìm hiểu ước mơ của con… là điều mà bố mẹ nên làm.
7. Nên nhớ rằng, điểm số không quyết định sự thành công của một đứa trẻ
Rất nhiều cha mẹ luôn đồng nhất việc con mình bị điểm kém đồng nghĩa với việc trong tương lai, con khó có thể thành công được. Trong khi thực tế bản thân điểm số không phải là thứ quyết định thành – bại của một con người. Điểm kém không có nghĩa là đứa trẻ không thông minh, ngớ ngẩn, lười biếng hay vô trách nhiệm. Có rất nhiều lý do cho điều đó, có thể con bạn không muốn học hoặc thế mạnh của con không phải là môn đó.